16/11/2017 | 15:49

Phương án tuyển sinh của các trường đại học Top 10 Việt Nam 2015-2017

Năm 2015, kỳ thi THPT Quốc gia lần đầu tiên được tổ chức đã gây xôn xao trong dư luận đặc biệt đối với học sinh và các bậc phụ huynh. Đây là lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo gộp chung hai kỳ thi: kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kỳ thi đại học lại làm một vì thế nên các trường đại học đã chủ động thay đổi phương án tuyển sinh phù hợp với kỳ thi. Vậy, kể từ khi thay đổi hình thức thi, phương án tuyển sinh của các trường đại học đã có sự thay đổi như thế nào?

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những điều cần biết về phương án tuyển sinh của các trường Đại học đến các bạn.

Phương án tuyển sinh của các trường đại học Top 10 Việt Nam 2015-2017

Phương án tuyển sinh đã có sự thay đổi như thế nào?

Để tiện cho việc so sánh và rút ra những kết luận, bài viết không thể đánh giá hết phương án tuyển sinh của tất cả các trường đại học. Thay vào đó, bài viết sẽ dựa vào bảng xếp hạng Top 10 trường trên 49 trường đại học hàng đầu Việt Nam mới được công bố hồi tháng 9/2017 để có thể đưa ra cái nhìn cụ thể hơn về phương thức tuyển sinh của các trường đại học tiêu biểu này. Do kỳ thi THPT Quốc gia chỉ mới bắt đầu diễn ra vào năm 2015 nên bài viết cũng chỉ xét phương án tuyển sinh của các trường đại học trên từ năm 2015 đến nay. Top 10 trường đại học của bảng xếp hạng 49 đại học hàng đầu Việt Nam gồm:

- Khu vực miền Bắc: Đại học Quốc Gia Hà Nội, Học viện Nông Nghiệp, Đại học Bách Khoa Hà Nội và Đại học Sư phạm Hà Nội.

- Khu vực miền Trung: Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế và Đại học Duy Tân

- Khu vực miền Nam: Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Cần Thơ.

Các trường Đại học top 10 và phương án tuyển sinh

Giới thiệu sơ lược về các trường Đại học Top 10 và phương án tuyển sinh đại học của trường vào năm 2015:

Khu vực miền Bắc:

- Đại học Quốc gia Hà Nội có chất lượng đào tạo đạt hạng nhất nênphương án tuyển sinh Đại học Quốc gia Hà Nội bắt buộc đảm bảo nhiều yếu tố để chọn được những sinh viên ưu tú về cho trường mình. Năm 2015, trường có phương án tuyển sinh riêng. Theo đó, Đại học Quốc gia Hà Nội thống nhất dùng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực do chính trường ra đề thi để tuyển sinh. Kỳ thi này được tổ chức vào hai đợt: đợt thi đầu tiên diễn ra vào tháng 5/2015, đợt thi thứ hai được tổ chức vào tháng 8/2015.

Đại học Quốc gia Hà Nội xét tuyển điểm của bài thi đánh giá năng lực từ điểm cao xuống điểm thấp theo chỉ tiêu tuyển sinh của ngành. Bên cạnh đó, trường căn cứ vào kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia, thí sinh đạt điểm tốt nghiệp theo chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và có điểm bài thi đánh giá năng lực nằm trong chỉ tiêu tuyển sinh thì được nhận. Ngoài ra, những thí sinh đăng ký học các chương trình tài năng, chuẩn quốc tế và đăng ký vào Đại học Ngoại ngữ phải làm thêm bài thi ngoại ngữ hoặc có những chứng chỉ ngoại ngữ tương đương.

Nội dung của bài thi đánh giá năng lực có 70% kiến thức của lớp 12, 20% kiến thức lớp 11 và 10% kiến thức lớp 11 nhưng hầu như đều nằm ở mức cơ bản. Đề thi được xây dựng theo tiêu chí đánh giá năng lực, phán đoán, tư duy,...dựa vào kiến thức nền tảng, không chiêu trò, đánh đố thí sinh.Thí sinh chỉ cần nắm rõ kiến thức trong Sách giáo khoa đều có thể làm bài thi được.

Phương án tuyển sinh đại học của Top 10 các trường đại học hàng đầu Việt Nam

Phương án tuyển sinh đại học của Top 10 các trường đại học hàng đầu Việt Nam

Bài thi gồm 140 câu hỏi được chia ra thành hai phần: phần bắt buộc có bài thi Toán và Văn, phần tự chọn thí sinh được chọn một trong hai bài Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Theo kết quả kỳ thi năm 2015, thí sinh phải có điểm bài thi đánh giá năng lực từ 70 điểm trở lên.

- Học viện Nông nghiệp: có sứ mạng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao ngoài ra Học viện còn nghiên cứu, phát triển và chuyển giao khoa học công nghệ, nền tri thức mới ở lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Năm 2015, phương án tuyển sinh của Học viện là phương án tuyển sinh chung, dùng kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia để xét tuyển. Ngoài ra, những thí sinh đăng ký vào các ngành tiên tiến và chất lượng cao phải trải qua kỳ thi kiểm tra trình độ Tiếng Anh.

- Đại học Bách khoa Hà Nội nổi tiếng là trường đại học kỹ thuật đa ngành của Việt Nam, là thành viên của Hiệp hội các trường đại học kỹ thuật hàng đầu Châu Á - Thái Bình Dương AOTULE. Năm 2015, trường tuyển sinh căn cứ vào điểm thi của kỳ thi THPT Quốc gia kèm theo điều kiện sơ loại dựa trên kết quả học tập của ba năm Trung học phổ thông. Thí sinh phải đáp ứng được điều kiện tổng điểm trung bình 6 học kỳ của 3 môn xét tuyển từ 20,0 trở lên và điểm thi THPT Quốc gia phải đạt mức tối thiểu của Bộ đưa ra.   

- Đại học Sư phạm Hà Nội được biết đến như là trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu, ứng dụng khoa học giáo dục của Việt Nam. Trường nằm trong hệ thống các trường trọng điểm giáo dục của nước ta. Phương án tuyển sinh Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2015 cũng như nhiều trường khác. Trường căn cứ vào kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia với điều kiện thí sinh tốt nghiệp THPT và có hạnh kiểm của 6 học kỳ đều đạt loại khá trở lên. Riêng với các môn năng khiếu như âm nhạc, hội họa hay thể thao, thí sinh phải dự thi thêm bài thi năng khiếu này do trường ra đề thi.

Khu vực miền Trung:

- Đại học Đà Nẵng là đại học đào tạo đa ngành và đa lĩnh vực ở khu vực miền Trung Tây Nguyên, giữ vai trò là trường đại học ở vùng trọng điểm Quốc gia. Năm 2015, các trường đại học trực thuộc Đại học Đà Nẵng sử dụng hình thức tuyển sinh dựa trên kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia. Tuy nhiên, phương án tuyển sinh Đại học Bách khoa Đà Nẵng ở riêng ngành kiến trúc thí sinh phải dự thi thêm bài Vẽ mỹ thuật do trường ra đề.

- Đại học Huế là một trong năm trường đại học quản lý theo mô hình 2 cấp của nước ta. Trường Đại học Huế có 8 trường đại học thành viên, 2 khoa trực thuộc và 6 trung tâm đào tạo. Năm 2015, Đại học Huế xét tuyển theo kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia. Với các ngành năng khiếu, thí sinh phải dự thi bài kiểm tra năng khiếu của trường và với ngành Sư phạm, thí sinh phải có hạnh kiểm khá trở lên ở cả 3 năm phổ thông.

phương án tuyển sinh

Đề ra giải pháp tuyền sinh trực tiếp tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh

- Đại học Duy Tân là trường đại học tư thục đầu tiên của nước ta nằm ở trung tâm thành phố Đà Nẵng. Đây là trường đại học “trẻ” và cũng là trường ngoài công lập đầu tiên đào tạo bậc Tiến sĩ. Năm 2015, Đại học Duy Tân công bố 2 hình thức tuyển sinh. Hình thức đầu tiên là dựa vào kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia và hình thức thứ hai là căn cứ kết quả học tập ở cấp THPT. Ở phương thức hai, trường yêu cầu thí sinh phải tốt nghiệp THPT và tổng điểm trung bình của các môn học trong nhóm môn mà thí sinh đã đăng ký ở năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ I lớp 12 phải đạt từ 18,0 điểm trở lên ở bậc Đại học và 16,0 điểm ở bậc Cao đẳng.

Khu vực miền Nam:

- Đại học Tôn Đức Thắng: là trường đại học trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành lập năm 1997 là trường đại học công lập tự chủ tài chính và đến năm 2006, trường đã chuyển sang hệ công lập. Năm 2015, phương án tuyển sinh của trường Đại học Tôn Đức Thắng là dựa vào kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia và đối với những ngành có môn năng khiếu thí sinh phải dự thi thêm các bài thi năng khiếu của trường.

- Đại học Quốc gia TP.HCM thuộc hệ thống Đại học Quốc gia của Việt Nam sau Đại học Quốc gia Hà Nội được thành lập vào năm 1995. Là trung tâm đào tạo trình độ đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học và công nghệ ở đa lĩnh vực, đa ngành. Năm 2015, Đại học Quốc gia TP.HCM xét tuyển thí sinh trên cơ sở kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia. Tuy nhiên, trường cũng có tiêu chí xét tuyển chung đối với mọi ngành đó là thí sinh phải đạt hạnh kiểm loại khá trở lên và điểm quá trình phải thỏa mãn điều kiện: điểm trung bình năm học lớp 10, lớp 11 và học kỳ I lớp 12 từ 6.5 đối với các thí sinh xét tuyển bậc Đại học và từ 6.0 đối với các thí sinh xét tuyển bậc Cao đẳng.

Vào thời điểm này, trường Đại học Quốc gia TP.HCM cũng đã chủ động trong giải pháp tuyển sinh trực tuyến: những thí sinh nào đạt được yêu cầu về mặt hạnh kiểm cũng như điểm quá trình có thể nộp kết quả trực tiếp qua trang thông tin điện tử của trường để khi có kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia trường sẽ tự động lấy kết quả từ Bộ và thông báo kết quả cuối cùng đến thí sinh.

phương án tuyển sinh

Trường đại học Cần Thơ kết nối đào tạo với các trường trong và ngoài nước

- Đại học Cần Thơ: là trường đại học trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trường Đại học Cần Thơ có các chương trình đào tạo Đại học: 93 chuyên ngành, Cao học: 34 chuyên ngành, Nghiên cứu sinh: 13 chuyên ngành và Cao đẳng: 2 chuyên ngành. Nhà trường cũng đã có những chương trình học được kết nối đào tạo với các trường đại học trong và ngoài nước để phát triển, nâng cao trình độ tri thức cho sinh viên của trường điển hình là chương trình tiên tiến ở 2 ngành Công nghệ sinh học và Nuôi trồng thủy sản. Năm 2015, phương án tuyển sinh của trường Đại học Cần Thơ dựa vào kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia và đối với ngành Giáo dục thể chất thí sinh phải dự thi bài thi năng khiếu tại trường.

2. Phương án tuyển sinh đại học của các trường Top 10 năm 2016 và năm 2017

Khu vực miền Bắc

- Năm 2016: Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển sinh theo phương thức chia làm 2 đợt. Nhìn chung, không có thay đổi gì khác so với năm 2015 nhưng ở đợt 2, ngoài việc xét tuyển dựa trên kết quả của bài thi đánh giá năng lực, nhà trường cũng sẽ xét tuyển theo điểm của tổ hợp các môn thi ở kỳ thi THPT Quốc gia vào các ngành hoặc chương trình đào tạo đặc thù nếu còn chỉ tiêu. Đối với các trường: Học viện Nông nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Sư phạm Hà Nội phương án tuyển sinh vẫn giống năm 2015 không có sự thay đổi nào khác.

- Năm 2017: Trường Đại học Quốc gia Hà Nội đã dừng hình thức thi riêng (bài đánh giá năng lực) và trực tiếp xét tuyển dựa trên kết quả thi của kỳ thi THPT Quốc gia. Riêng với các bài thi đánh giá năng lực còn hạn thí sinh vẫn được phép sử dụng để nộp hồ sơ tuyển sinh vào trường. Ngoài ra Đại học Quốc gia Hà Nội cũng sẽ xét tuyển dựa trên chứng chỉ quốc tế của Trung tâm Khảo thí Đại học Cambridge, Anh. Về phía Học viện Nông nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Sư Phạm Hà Nội vẫn giữ nguyên hình thức tuyển sinh là dựa trên kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia và điều kiện phụ của mỗi trường. Các trường cũng có hình thức tuyển thẳng sinh viên theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phương án tuyển sinh đại học của các trường

Bài thi đánh giá năng lực còn hạn thí sinh vẫn được phép sử dụng để nộp hồ sơ tuyển sinh

Khu vực miền Trung

- Năm 2016: Đại học Đà Nẵng và Đại học Huế vẫn áp dụng hình thức xét tuyển chung dựa trên kết quả kỳ thi THPT Quốc gia bên cạnh đó, một số đơn vị trực thuộc 2 trường đại học trên cũng đã áp dụng hình thức tuyển sinh riêng dựa trên kết quả học bạ. Đối với Đại học Duy Tân, nhà trường thực hiện xét tuyển theo 2 phương thức: xét tuyển theo kết quả thi THPT Quốc gia và xét tuyển kết quả học tập lớp 12. Hình thức xét tuyển đầu tiên được áp dụng ở tất cả các ngành nhưng hình thức thứ hai áp dụng tất cả các ngành ngoại trừ 2 ngành: Dược sĩ và Y Đa khoa.

- Năm 2017: cả ba đại học thuộc khu vực miền Trung đều giữ nguyên hình thức xét tuyển như năm 2016. Vẫn xét tuyển theo hai hình thức: dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia và xét tuyển thẳng dựa vào học bạ cấp THPT.

Khu vực miền Nam

- Năm 2016: trường Đại học Tôn Đức Thắng dành 5% chỉ tiêu tuyển sinh cho diện sinh viên được xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ và 95% còn lại Đại học Tôn Đức Thắng tuyển sinh theo kết quả kỳ thi THPT Quốc gia. Đại học Quốc gia TP.HCM vẫn duy trì phương thức tuyển sinh như năm 2015 tuy nhiên, nhà trường đã mở rộng việc xét tuyển thằng cho các học sinh giỏi đã tốt nghiệp THPT ở các trường chuyên và năng khiếu trên cả nước. Phương án tuyển sinh của Đại học Cần Thơ vẫn được duy trì như năm 2015.

- Năm 2017: phương án tuyển sinh của Đại học Tôn Đức Thắng gồm 3 hình thức: ngoài 2 hình thức xét tuyển trên kết quả thi THPT Quốc gia và xét tuyển học bạ, trường đã bổ sung thêm hình thức xét tuyển trên kết quả của bài thi đánh giá năng lực của riêng Đại học này. Đại học Quốc gia TP.HCM nhìn chung vẫn giữ những hình thức cũ và bổ sung thêm tạo nên 5 hình thức tổng cộng: xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia TP.HCM,  xét tuyển theo kết quả thi THPT, xét tuyển theo khu vực Tây Nam Bộ và Tây Nguyên, thí điểm xét tuyển theo kết quả kỳ thi kiểm tra năng lực tại trường Đại học Quốc tế. Phương án tuyển sinh của Đại học Cần Thơ không thay đổi so với 2 năm trước. Nhà trường vẫn giữ nguyên hình thức xét tuyển theo kết quả làm bài của các thí sinh ở kỳ thi THPT Quốc gia.

3. Tổng kết

Nên xác định được cấp học trình độ của bản thân

Nên xác định cấp học trình độ của bản thân

Nhìn chung, kể từ khi kỳ thi THPT Quốc gia xuất hiện, phương án tuyển sinh của các trường Đại học đã thay đổi lớn so với các năm trước. Các trường Đại học đã linh hoạt và chủ động hơn trong việc đưa ra những yêu cầu, điều kiện cho thí sinh muốn ứng tuyển vào trường của họ. Điển hình là các trường có phương án tuyển sinh riêng như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Quốc gia TP.HCM. Tuy nhiên vẫn còn một số trường Đại học chưa thực sự linh động trong cơ chế tuyển sinh đại học.

Thông qua bài tổng kết này, bạn đọc có thể phần nào dự đoán được những phương án tuyển sinh của các trường đại học trong năm 2018 để có được những bước chuẩn bị cần thiết cho bản thân nhé. Đối với các bạn thí sinh không đủ khả năng thi vào trường Top, vẫn còn có rất nhiều sự lựa chọn. Thời nay, những trung tâm đào tạo thay nhau mở ra để phục vụ cho nhu cầu học hỏi của tất cả mọi người. Việc đầu tiên các bạn nên làm là chọn cấp học trình độ thích hợp với khả năng và xác định hướng đi trong tương lai. Sau đó, các bạn có thể lên mạng Internet để tìm kiếm những khóa học phù hợp mục đích, ngoài ra cũng có rất nhiều khóa học giảm giá dành cho những bạn gặp khó khăn về tài chính nhưng vẫn muốn theo đuổi ước mơ của mình. Vì học vấn luôn là con đường nhanh nhất dẫn đến thành công.  

Khảo sát ý kiến khách hàng

Theo bạn, Việt Nam nên học mô hình giáo dục của nước nào?

Mỹ
Trung Quốc
Singapore
Nga
Không nước nào

Mã xác thực