Con mới học lớp 1, mẹ đã hoang mang
Độc giả Nguyễn Thị Thục Phương chia sẻ lo lắng việc trẻ lớp 1 phải học quá nhiều, trong khi ở tuổi này các cháu phải được chơi, hoạt động thể chất.
Con mình năm nay vào lớp 1, học tại một trường công lập bình thường tại Hà Nội, cũng không chọn trường chọn lớp gì cả vì bố mẹ chủ trương không áp đặt thành tích. Cũng như tất cả bạn nhỏ khác cùng tuổi, con mình là con gái nên cũng ngoan ngoãn, nghe lời.
Hành trang đi học của con là biết tự vệ sinh cá nhân, biết đọc thông thạo (con đã có thể đọc được những quyển sách chữ to khá dày), chưa biết viết (vì không theo học lớp tiền lớp 1 nào) nhưng cũng có luyện viết theo kiểu đồ chữ nhiều và vẽ nhiều nên tay con cũng khá quen với việc cầm bút. Vậy mà mới vào lớp 1 được một tuần, mẹ đã bắt đầu thấy mệt với bài vở của con.
Mỗi ngày đi học về, cô đều giao thêm cho con bài vở để đọc và viết tại nhà, dù theo mẹ biết thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định bỏ việc giao bài tập về nhà cho con. Có hôm một trang, có hôm viết hai trang, có hôm một trang viết một trang số. Chưa kể đó là các bài luyện đọc, bài tiếng Việt cũng được giao thêm.
Lịch trình một ngày tiêu biểu của con mình như sau: 6h15 dậy, 7h đi học, 17h30 về đến nhà, 19h ăn tối, 20h dọn dẹp tắm rửa xong, 21h học xong, 21h15 vệ sinh cá nhân buổi tối, 21h30 đi ngủ. Nói chung mẹ với con phải chạy đua thời gian lắm thì mới đảm bảo được cho con có thể đi ngủ sớm mà vẫn hoàn tất bài học.
Tất cả hoạt động khác của con như xem tivi, máy tính, vẽ vời, thủ công, patanh, xe đạp, làm việc nhà, chơi với mẹ với em… hầu như bị gác lại hết. Nhiều lúc thấy hoang mang, mình nghĩ nếu cứ duy trì như thế này, con càng lớn, khối lượng bài vở càng nhiều lên mà không hề giảm đi, thì khó trách tại sao học sinh ra trường không có kỹ năng làm việc nhà, hay phát triển văn thể mỹ bởi vì thời gian dành cho học thuật chiếm quá nhiều thời gian.
Mình nghĩ với các bé lớp 1, chúng ta hy sinh quá nhiều thứ của các con chỉ để đạt được một mục tiêu là chữ đẹp, mà cũng chưa chắc khi con lớn hơn con vẫn còn viết được chữ đẹp. Đánh đổi vào đó là mắt kém đi, lưng mỏi hơn, sức khỏe thể lực yếu hơn, kỹ năng về các thứ khác không được chú trọng. Thử hỏi người lớn chúng ta giờ mấy khi phải viết tay, trong khi xã hội của các con trong 20 năm nữa sẽ còn phát triển đến mức độ nào.
Trẻ lớp 1 bỡ ngỡ ngày khai trường. Ảnh minh họa: Quý Đoàn. |
Mình so sánh thời khóa biểu của các con trường công với trường tư thì thấy sự phân bố khác nhau. Ở trường công, ca sáng chia làm 3-4 tiết, thì khoảng hai tiết học vần, một tiết học môn khác. Buổi chiều chia 3 tiết thì thường một tiết là học toán, một tiết hướng dẫn học (thực chất là tiếp tục học viết), và một tiết sinh hoạt tập thể (cũng lại là học). Số tiết âm nhạc, mỹ thuật, thể dục không nhiều và chất lượng.
Tương tự như thế, ở trường tư, ca sáng chia tầm 5 tiết, thời lượng mỗi tiết chia nhỏ hơn, ca chiều cũng chia làm 4-5 tiết, trong đó số tiết học vần cũng tương đương trường công, nhưng vì thời lượng ngắn hơn và không phải viết tiếp trong giờ hướng dẫn học, nên rõ ràng các con giảm thời gian học thuật. Thời gian cho ngoại ngữ tăng hẳn lên (7 tiết), âm nhạc, mỹ thuật, múa, cờ vua… đều được tăng lên, việc học buổi tối là không bắt buộc.
Như vậy rõ ràng lịch học của các con bớt áp lực hơn do giảm học thuật vào buổi chiều và tối, tăng các môn kỹ năng mềm và giải trí lên. Mình nghĩ lịch học như vậy hoàn toàn phù hợp tâm lý lứa tuổi hơn. Tại sao vấn đề này không thể giải quyết được ở trường công? Mọi người sẽ cho rằng do cơ sở vật chất, do kinh phí, nhưng thực ra tất cả những vấn đề đó đều có thể được giải quyết nếu phụ huynh đồng lòng.
Lấy ví dụ thế này, trường công sẽ giới hạn thời gian học thuật ở một mức nhất định, để các con đáp ứng đúng như yêu cầu của Bộ Giáo dục. Ngoài thời gian đó ra, nếu phụ huynh nào muốn con học thuật tiếp, thì sẽ tiếp tục như lịch học trường công hiện tại, nếu phụ huynh nào có nguyện vọng phát triển văn thể mỹ và ngoại ngữ thêm cho con thì sẽ gộp lại và xã hội hóa phần đó, đảm bảo cho con một lịch học gần tương đương như trường tư với mức chi phí cao hơn.
Thực ra mọi người có thể nói rằng hiện trường công cũng làm việc đó, nhưng mình thấy các câu lạc bộ kỹ năng chỉ hoạt động sau giờ học, tức là sau 16h30 hoặc sau 17h, nghĩa là chỉ thêm vào chứ không bớt đi trong lịch học của các con. Và mục đích chính là giải quyết vấn đề đưa đón của bố mẹ, chứ không thực sự vì con. Sau một ngày quá mệt nhọc, việc tiếp tục sinh hoạt câu lạc bộ cũng không còn hiệu quả. Và nếu phụ huynh tự tìm lớp học cho con cũng sẽ quay lại với vấn đề nan giải ban đầu là không còn thời gian cho con học và chơi.
Trẻ con không chỉ cần học để phát triển, trẻ con cần chơi để học, chơi để biết yêu thương mọi người. Và việc ngồi học, ngồi viết, tuy không tốn calo mấy, nhưng xin phụ huynh đừng nghĩ rằng nó là việc nhẹ, vì lao động trí óc, đặc biệt với một đứa trẻ con 6 tuổi hoàn toàn là một công việc thật sự, nếu kéo dài quá trong căng thẳng hoàn toàn có thể dẫn tới những hệ lụy về phát triển tinh thần.
Ngày xưa thế hệ bố mẹ chúng ta phải chịu bó tay chủ yếu vì lý do kinh tế và nhận thức, nhưng giờ thế hệ trẻ vẫn tiếp tục bị gò bó trong tư duy giáo dục bảo thủ lỗi thời mà chả vì lý do gì, mình cảm thấy thật đáng tiếc. Thời gian con trẻ có hạn, hãy sử dụng nó sao thật hiệu quả và thiết thực, cứ cúi đầu học mà không có sáng tạo, không có phản biện, học để thi, thi để quên thì rồi lại ca mãi bài ca nhân lực chất lượng cao không có.
Nguyễn Thị Thục Phương