26/08/2017 | 09:05

Doanh nghiệp cần gì ở sinh viên?

Lần đầu tiên, tại tọa đàm “Cơ hội khởi nghiệp từ ghế nhà trường”, các chủ doanh nghiệp (DN) đã thẳng thắn nói về yêu cầu tuyển dụng đối với sinh viên (SV) ra trường. Điều DN cần nhất ở SV chính là việc hiểu rõ mục đích nghề nghiệp mà mình chọn lựa.

Theo các chủ DN, mỗi lĩnh vực nghề nghiệp cần những yêu cầu khác nhau và nhân sự cần hiểu rõ mục đích làm việc của mình.

Nhà thiết kế Thủy Nguyễn (sáng lập Thủy Design House), người phụ trách toàn bộ trang phục cho bộ phim Tấm Cám, cho biết SV đến xin việc hay gặp gỡ thường nói mong muốn làm nhà thiết kế, làm thương hiệu riêng. Nhưng như vậy là chỉ nhìn thấy bề mặt quá lung linh của nghề này mà không hiểu mục đích bản thân. Thiết kế là khác, thương hiệu riêng là khác. Thương hiệu riêng cần kế toán, marketing…

Cụ thể hơn, bà Phạm Thị Ái Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty truyền thông World Star Group, cho rằng lâu nay suy nghĩ của nhiều SV khi đi học có vẻ bị sai. Đó là thông thường chỉ nghĩ đi học để ra trường kiếm tiền. Ngay cả các gia đình cũng nghĩ như vậy.

Bà Vân khẳng định: “Điều quan trọng nhất không phải chọn ngành học để kiếm tiền mà là xác định được tầm nhìn khi chọn ngành nghề để học. Khi xác định được bản thân, SV sẽ chọn được ngành học và chọn nghề nghiệp đúng”.

Cũng theo bà Vân, SV ra trường thất nghiệp nhiều, cũng cần phải tự hỏi tại sao công việc chưa đến với mình. Bà Vân thẳng thắn rằng hiện tại cần hàng ngàn nhân lực để làm những game show của công ty và sẵn sàng tuyển dụng ngay. Nhưng những nhân lực này phải có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu.

Theo tiến sĩ Đinh Quang Nương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Nguyễn Hoàng, lý do là việc truyền đạt tri thức, nội dung thực hành của trường ĐH đến SV hơi trễ. Thông thường đến năm thứ 3, thứ 4 SV mới được tham gia thực tập và tiếp cận DN. Theo ông Nương, cần phải cho SV thực tập ngay từ năm đầu tiên. Ngoài ra, DN chính là nơi sử dụng lao động nên cũng cần được tham gia vào trường để xây dựng nội dung đào tạo. Như vậy thì SV ra trường mới thích hợp với nhu cầu DN đặt ra.

Còn bà Lê Thị Ngọc Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lê Bảo Minh, đề xuất trường ĐH nên có bộ phận đào tạo SV để thực hiện nhu cầu liên kết sử dụng nhân sự của DN. Việc chính của SV là học tập nhưng vẫn có thể đi làm thêm. DN có nhiều công việc bán thời gian cần những nhân sự này. Trường ĐH cần đào tạo SV thật chuyên nghiệp và cung cấp theo hợp đồng với DN. Như tại Lê Bảo Minh mới mở chuỗi bán lẻ cần rất nhiều người bán hàng. Chỉ cần nhân sự đáp ứng nhu cầu, đơn vị sẽ tuyển dụng lâu dài.

Đăng Nguyên

Khảo sát ý kiến khách hàng

Theo bạn, Việt Nam nên học mô hình giáo dục của nước nào?

Mỹ
Trung Quốc
Singapore
Nga
Không nước nào

Mã xác thực