31/05/2017 | 14:14

Sách giáo khoa tiếng Việt nhưng lại mắc lỗi diễn đạt khó hiểu

Sách giáo khoa môn Tiếng Việt dành cho học sinh tiểu học đúng ra phải chuẩn mực nhưng ở đây lại mắc lỗi về ngữ pháp, diễn đạt.
Theo phản ánh của một độc giả, nội dung trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 2, tập 2 (NXB Giáo Dục) đang được giáo viên và học sinh sử dụng bấy lâu nay lại để xảy ra lỗi diễn đạt, ngữ pháp...
 

"Hai sương một nắng", "Cuốc bẫm cày sâu"

Bài tập đọc của tuần thứ 28, trang 83 là truyện Kho báu (theo ngụ ngôn Ê-Dốp, Nguyệt Tú dịch). Mở đầu có câu văn: “Ngày xưa có hai vợ chồng nông dân kia quanh năm hai sương một nắng, cuốc bẫm cày sâu...”.
 
Sách giáo khoa tiếng Việt nhưng lại mắc lỗi diễn đạt khó hiểu.
Truyện "Kho báu" mắc lỗi sai một số câu như phản ánh. Ảnh: M.K

“Một nắng hai sương”, “cày sâu cuốc bẫm” vốn là hai cụm thành ngữ rất quen thuộc với mọi người, nói về sự nhọc nhằn, vất vả, cần cù của người nông dân thời xưa. Tuy nhiên, trong trường hợp này, hai thành ngữ này lại bị đảo ngược, nghe không thuận tai.

Theo độc giả này, thành ngữ được tạo ra và được cộng đồng chấp thuận, sử dụng từ nhiều năm nay. Đối với học sinh tiểu học, cần dạy cách diễn đạt hiệu quả, hay và ngữ liệu thông dụng, chuẩn xác.

"Trong khi hai thành ngữ nói này đọc lên quá lạ tai, ngay cả với người lớn, chưa nghe ai dùng. Họa chăng, có người nước ngoài bập bõm học tiếng Việt mới nói kiểu trái khoáy", vị độc giả này nói.

Vị phụ huynh khi dạy con học tiếng Việt cũng vô cùng thắc mắc về hai câu thành ngữ này nhưng vì sách giáo khoa đã viết rành rành như vậy nên cũng chỉ biết nghe theo.
 

Tác phẩm nước ngoài cần được Việt hóa phù hợp
 

Vẫn trong truyện Kho báu, cùng đoạn văn, câu tiếp theo được viết: “Hai ông bà thường ra đồng từ lúc gà gáy sáng và trở về nhà khi đã lặn mặt trời”.

Vị độc giả này cho rằng, đây lại là một lỗi sai khó chấp nhận. Chắc chắn cụm từ “khi đã lặn mặt trời” không phải là văn phong, ngữ pháp của người Việt Nam. Một người Việt Nam bình thường sẽ không dùng cách diễn đạt kỳ lạ đó. Và cách dùng đúng ra phải là “khi mặt trời đã lặn”.

Cũng theo độc giả này, việc Việt hóa các tác phẩm nước ngoài cần sử dụng ngữ liệu phù hợp với đối tượng tiếp nhận.

Đặc biệt trong sách dành cho trẻ tiểu học, bộ phận biên soạn cần đặc biệt cẩn trọng, sử dụng cách diễn đạt trong sáng và chuẩn mực để giáo dục các cháu giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
 
Theo TTO

Khảo sát ý kiến khách hàng

Theo bạn, Việt Nam nên học mô hình giáo dục của nước nào?

Mỹ
Trung Quốc
Singapore
Nga
Không nước nào

Mã xác thực