29/05/2017 | 14:17

Bỏ biên chế giáo dục: Sinh viên sư phạm khỏi lo thất nghiệp?

Trong bối cảnh hàng trăm ngàn cử nhân sư phạm thất nghiệp thì nhiều ý kiến cho rằng đề xuất bỏ biên chế giáo dục là hoàn toàn có lợi cho sinh viên sư phạm.
Hiện nay, trên cả nước có khoảng 200.000 cử nhân sư phạm thất nghiệp, bên cạnh đó là khoảng 45.000 giáo viên phổ thông dôi dư. Đây là những câu hỏi lớn mà ngành giáo dục chưa tìm ra lời giải.

Những ngày qua, dư luận xã hội đang xôn xao quanh quan điểm mới đây được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nêu ra về việc bỏ biên chế giáo dục, chuyển sang chế độ hợp đồng. Nếu chủ trương này được hiện thực hóa thì nhiều khả năng sinh viên sư phạm không phải đối với mặt với nguy cơ thất nghiệp như hiện nay.
 
Bỏ biên chế giáo dục: Sinh viên sư phạm khỏi lo thất nghiệp
 

Biên chế khiến giáo viên trì trệ, chỉ dạy cho có mà vẫn đủ lương

​Trên thực tế, hiện nay có một bộ phận giáo viên yếu kém về chuyên môn, trì trệ, không chịu khó học hỏi, đổi mới áp dụng các phương pháp dạy học mới.

Số giáo viên khác lại không thực sự tâm huyết với nghề, lên lớp dạy chỉ cho có mà vẫn nghiễm nhiên nhận đủ lương như những giáo viên giỏi và trách nhiệm khác. Phần lớn giáo viên khi đã được tuyển vào biên chế đều mang tâm lý ỷ lại, yên tâm chỉ cần dạy đủ công, không ai đuổi ra khỏi ngành được. 

GS.TS Đinh Quang Báo – nguyên hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội là một người ủng hộ quan điểm bỏ biên chế giáo dục nhận định, chính biên chế khiến giáo viên không có động lực để tìm tòi, sáng tạo nhằm tạo ra tiết học hay, bài giảng thú vị để nâng cao chất lượng. Điều này tạo ra sự trì trệ trong đội ngũ giáo viên ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục.
 

Giáo viên lâu năm ăn lương cao trong khi giáo viên trẻ giỏi thất nghiệp

TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội chia sẻ, trong kinh tế thị trường, sức lao động cũng cần phải được đối xử sòng phẳng mới mong có người tài. Thực tế, nhiều năm nay không có sinh viên giỏi theo ngành sư phạm vì đội ngũ không được chọn lọc, không được đãi ngộ một cách thỏa đáng.

Trong một buổi trao đổi mới đây trên báo chí, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nói về việc viên chức vào là ăn lương suốt đời, tính theo thâm niên, càng nhiều năm lương càng cao trong khi nhiều giáo viên trẻ, rất giỏi thì không có chỗ và thế là thất nghiệp.

Lâu nay, ở nước ta sinh viên sư phạm tốt ra trường muốn vào được biên chế đều bị gây khó dễ, cùng với mức đãi ngộ chưa hợp lý khiến nhiều người trẻ dù tâm huyết đến mấy cũng khó trụ lại với nghề.

Nhưng với việc chuyển biên chế giáo dục sang hợp đồng sẽ tạo điều kiện rất lớn cho sinh viên sư phạm mới ra trường. Những thầy cô giáo trẻ có tâm và năng lực sẽ được hưởng thành quả xứng đáng theo hợp đồng lao động.

Cũng theo Bộ trưởng, sắp tới phải thực hiện nghiêm quy định trong hợp đồng làm việc của viên chức. Nếu 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ thì cho nghỉ; đồng thời đẩy mạnh tiến trình cho các trường tự chủ trong việc tuyển giáo viên. 

Bộ trưởng lấy ví dụ ở các trường tư, giáo viên cũng chỉ là chế độ hợp đồng lao động nhưng vẫn ổn. Thị trường lao động đúng nghĩa là giáo viên trường công cũng như trường tư.

Khảo sát ý kiến khách hàng

Theo bạn, Việt Nam nên học mô hình giáo dục của nước nào?

Mỹ
Trung Quốc
Singapore
Nga
Không nước nào

Mã xác thực