Tư vấn hướng nghiệp và những điều cần biết
Tư vấn hướng nghiệp 2017
Nên chọn ngành học theo mong muốn của cha mẹ hay theo sở thích và nhu cầu của thị trường lao động? Đây có lẽ là mối băn khoăn muôn thuở của các em học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đặc biệt, trước mỗi mùa tuyển sinh Đại học – Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp, câu hỏi này lại trở thành mối âu lo mà lời giải đáp vẫn luôn bỏ ngỏ.
Băn khoăn chọn trường, chọn ngành học là băn khoăn của nhiều sĩ tử cũng là điều dễ hiểu bởi thị trường lao động ngày càng khắc nghiệt. Có một thực tế mà không ai có thể phủ nhận là số lượng sinh viên các trường Đại học, cao đẳng sau khi ra trường thất nghiệp ngày càng tăng cao. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2016 cả nước có 900 ngàn cử nhân thất nghiệp (tăng 45 nghìn người so với năm 2012). Tuy nhiên điều đáng nói là tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm có trình độ Đại học cao gấp 3 lần so với các đối tượng khác.
Thực trạng của hiện tượng thất nghiệp trên là do sự chênh lệch giữa nhu cầu tuyển dụng và thực tế đào tạo. Tuy nhiên cũng còn do các em chưa được tư vấn hướng nghiêp đầy đủ từ gia đình, nhà trường và xã hội. Bên cạnh đó, với tâm lý thích làm thầy hơn làm thợ và do kì vọng từ gia đình nên nhiều em quyết tâm bằng mọi cách phải thi đỗ vào Đại học trong khi nhân lực lao động chân tay, lao động nghề lại cần nhiều hơn.
Nên chọn nghề nghiệp theo nhu cầu của thị trường lao động là lời khuyên của các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp 2017 bởi khi đó cơ hội việc làm của học sinh, sinh viên sẽ cao hơn.
Bên cạnh đó, để xác định bản thân mình phù hợp với ngành nghề hay chọn lĩnh vực ngành nghề học nào, bạn nên bắt đầu từ sở thích, tính cách và điều kiện của mình. Chọn ra những ngành, nghề phù hợp nhất để nghiên cứu và loại bỏ dần. Nếu có cơ hội, bạn hãy thử làm một số công việc liên quan tới nghề mình lựa chọn để khám phá năng lực, sở thích, tính cách của mình có phù hợp với nghề đó hay không.
Theo TS Vũ Văn Thọ - một nhà nghiên cứu về việc làm, chúng ta đang đào tạo những ngành và kỹ năng mà nhà trường có chứ không phải đào tạo ngành nghề mà xã hội cần. Thực tế đào tạo không theo xu hướng nghề nghiệp này là điều tất yếu khiến tỷ lệ thất nghiệp sau khi ra trường của sinh viên ngày càng tăng. Tuy nhiên thị trường lao động vẫn rất cần nhóm có chuyên môn cao trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và nếu có năng lực trong ngành này, cơ hội việc làm của sinh viên sẽ rất mở rộng.
Xu hướng nghề nghiệp trong tương lai ở Việt Nam
Theo một số khảo sát được nghiên cứu gần đây, những ngành nghề dễ xin việc trong vài năm tới sẽ rơi vào các lĩnh vực sau: đứng đầu là ngành công nghệ thông tin. Tiếp đến là ngành cơ khí – điện – điện tử; nhóm ngành du lịch – nhà hàng – khách sạn; ngành Marketing và ngành dệt may, hóa chất. Nhu cầu nhân lực trong ngành này, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao ngày càng nhiều trong khi lượng đào tạo không lớn. Bài toàn về hướng nghiệp việc làm trong vài năm tới có lẽ phải chú ý đến vấn đề này.
Trong những ngành trên, ngành công nghệ thông tin, Marketing luôn “khát” nguồn nhân lực chất lượng dù kinh tế khó khăn và thị trường lao động ngày càng cạnh tranh. Chỉ riêng tại Hồ Chí Minh, nhu cầu nhân lực ngành công nghệ thông tin đã là 8.000 người/năm và chủ yếu tập trung vào các vị trí: lập trình viên, kỹ sư phần cứng, kỹ thuật viên – chuyên viên thiết kế lập trình web, kỹ sư hệ thống mạng, lập trình điện thoại di động, game, IT, an ninh mạng... Nhu cầu nhân lực nhiều là vậy song thực tế đào tạo lại quá chênh lệch. Ngành Marketing cũng là ngành dễ xin việc và có mức thu nhập khá cao tuy nhiên cũng là ngành có tính cạnh tranh khốc liệt đòi hỏi người lao động phải không ngừng học hỏi, đổi mới để bắt kịp xu thế thời đại. Mỗi năm nhu cầu tuyển sinh cho ngành này cũng khá cao.
Ngoài ra, các ngành như dệt may – hóa chất, cơ khí – điện – điện tử, du lịch – nhà hàng – khách sạn thực tế đào tạo ít hơn so với nhu cầu của nhà tuyển dụng. Đặc biệt, nhân sự chất lượng cao, có thể đáp ứng tốt công việc lại càng hiếm.
Trên đây là những điều cần biết về tư vấn hướng nghiệp mà các em học sinh nên tham khảo để có định hướng vững vàng trong tương lai. Hãy dựa trên đam mê, sở thích và nhu cầu thị trường để chọn cho mình ngành học phù hợp nhất, để không phải lo lắng về việc làm sau khi ra trường.