Tâm sự 99er: Học sinh cũng là người, không phải máy móc để nhồi nhét
“Không biết bài viết này có đến Bộ GD&ĐT hay không nhưng cháu phải nói.
Cháu là một học sinh trung bình vì vậy cháu lựa chọn khối thi xã hội ngay từ năm lớp 10 với hy vọng rằng có thể tìm thấy công việc phù hợp. Đến năm nay, Bộ lại thay đổi phương án thi theo hướng trắc nghiệm.
Vốn dĩ các môn xã hội là cần phải thi hình thức tự luận và lại còn bổ sung thêm môn GDCD làm môn thi chính thức vào tổ hợp. Điều này đã làm cho cháu hết sức bối rối và hoang mang.
Học sinh cũng là người, không phải máy móc để nhồi nhét
Hôm nay, cháu đọc được có đề xuất cho đề hạn chế sử dụng máy tính, trừ điểm số đối với môn Toán nếu chọn sai câu và nâng điểm liệt thêm một điểm để tránh tình trạng học sinh đánh lụi, cháu chỉ biết há hốc mồm nhìn và cảm giác là cực kỳ sốc.
Làm thế nào để có thể giải đúng hoàn toàn 50 câu chỉ trong vòng 90 phút đây? Ví dụ cháu làm đúng 50%, sai 50% vậy là cháu bị 0 điểm mặc dù vẫn biết làm à? Điều này là không thể bởi đôi lúc máy tính mất 3 – 4 phút còn tính không ra trong khi cháu chỉ có mỗi chưa đầy 2 phút còn lựa chọn nào khác ngoài việc đánh lụi?
Bài đã ít điểm, còn bị trừ bớt, vậy âm điểm còn gì? Không lẽ điểm liệt chưa đủ hay sao mà còn có điểm âm? Dù là đề xuất thì cũng nên căn cứ vào thực tế của cả nước, đâu thể chỉ dựa vào một trường, một tỉnh hay một vùng mà bắt cả nước phải theo như vậy.
Bọn cháu là người, không như máy móc có thể làm nhiều việc cùng một lúc. Bọn cháu là người, bọn cháu cũng cần phải được nghỉ ngơi và vui chơi giải trí. Nếu buộc phải học điên cuồng thì kinh nghiệm sống thực tế ngoài xã hội bị mất đi, ai sẽ dạy lại cho bọn cháu?
Đáp án thì không có ai cả, còn kỹ năng đó lại vô cùng cần thiết. Vậy mà đến nay vẫn chưa thống nhất ý kiến thì còn đợi đến khi nào? Vài tháng sau là thi rồi.
Năm nay có phải đổi mới quá nhanh không?
Đâu chỉ mình cháu có sức học trung bình mà còn có nhiều bạn cũng giống như cháu. Hoàn cảnh gia đình buộc chúng cháu, dù có thế nào cũng nhất định phải học để có thể tìm được một công việc ổn định lâu dài cho bản thân và giúp đỡ phần nào cho gia đình.
Chúng cháu cũng muốn học giỏi như các bạn khác mà khả năng không cho phép. Nhưng chúng cháu tin chỉ cần có cố gắng thì ít nhất cũng được tốt nghiệp, được học cao đẳng hay may mắn hơn thì đại học. Với phương án đổi mới và nhiều đề xuất vượt quá khả năng của chúng cháu như vậy, chúng cháu còn có thể tìm thấy động lực trong học tập nữa không?
Theo cháu, chúng ta đổi mới phương pháp dạy học và thi là đúng vì giáo dục của nước ta đã khá lạc hậu so với các nước trong khu vực rồi. Tuy nhiên, không phải đổi mới ngày một ngày hai thì sẽ thành công.
Hơn nữa, học tập là một quá trình lâu dài, đột ngột chuyển đổi như thế sẽ làm cho quá trình này bị rối loạn, mà khi rối loạn thì hẳn nhiên chất lượng sẽ giảm xuống.
Ít nhất giáo viên và học sinh phải được thông báo trước vài năm để kịp thời thích ứng. Liệu năm nay có phải là đổi mới quá nhanh hay không?
Hằng ngày, cháu đến trường, cháu chỉ thấy toàn những gương mặt mệt mỏi , phờ phạc vì học. Áp lực điểm số, ngành nghề khiến bọn cháu dường như không còn là những thiếu niên tràn đầy sức sống mà thay vào đó là những cái máy, chỉ biết nhồi nhét kiến thức vào đầu.
Đã gọi là kiến thức phổ thông, nghĩa là mọi người đều phải biết và có quyền được biết. Nhưng với thời gian học tập khép kín và căng thẳng như vậy, cháu chẳng thể nào nhớ hết 13 môn học đâu.
Thực sự quá bế tắc!
Học là quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả, nhưng cái bọn cháu cần là một môi trường học tập vui vẻ và lý thú, được áp dụng thực tế chứ không phải nhồi nhét, lí thuyết, máy móc và ép buộc.
Thay vì học mọi thứ, tại sao lại không thể cho chúng cháu được quyền lựa chọn những môn mà bọn cháu yêu thích thôi? Chẳng phải khi sống với yêu thích và đam mê thì con người mới có thể làm việc năng suất sao?
Chúng cháu bất lực, hằng ngày chỉ biết trông ngóng tin tức để thay đổi cách học trong hoang mang và tuyệt vọng. Phải làm sao mới có thể thay đổi nhanh chóng theo quyết định và đề xuất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đây? Thực sự quá bế tắc!
Cháu chỉ là học sinh bình thường, không có thành tích gì xuất sắc, cũng không học trường danh tiếng. Việc cháu có thể làm đó là hy vọng bài viết này có thể được Bộ GD&ĐT xem qua.
Cháu hy vọng rằng có thể đóng góp ý kiến của mình và vấn đề chung của các 99er đang gặp phải. Hy vọng rằng trong tương lai, Bộ sẽ có phương án thích hợp để các thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước thật sự xem việc học là quyền và nghĩa vụ thiêng liêng, đáng trân trọng và phấn đấu như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.
P/S: Trích đoạn của một người bạn học xã hội chia sẻ”.
sưu tầm