Đi tìm nghịch lý của nền giáo dục Phần Lan – Nền giáo dục trong mơ
Một nền giáo dục hạnh phúc hay nền giáo dục trong mơ là những từ cả thế giới dành cho nền giáo dục của Phần Lan. Vậy, tại sao họ làm được như vậy và chúng ta có thể học hỏi được gì theo mô hình giáo dục này? Đây chính là nội dung được Vấn đề hôm nay ngày 5/9 đề cập tới.
Tham gia chương trình và cùng thảo luận về vấn đề này là ông Nguyễn Xuân Vang – Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ông Vang cũng là người tham gia đoàn lãnh đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tham quan mô hình giáo dục ở Phần Lan.
Nói về những ấn tượng của ông khi được tận mắt tham quan mô hình này, ông Vang chia sẻ: "Ấn tượng của tôi trong lần thứ 2 đến Phần Lan là mình được mục sở thị những gì mình đọc được, nghe được về giáo dục Phần Lan".
"Các nước nói Phần Lan có nền giáo dục số 1 thế giới - học sinh không phải thi, không phải kiểm tra… - và sự đặc biệt ở đây là sự quan tâm của nhà nước với giáo viên, lựa chọn giáo viên. Tôi nghĩ một trong những yếu tố quan trọng nhất để quyết định thành công của Phần Lan là do giáo viên. Giáo viên khơi đậy được động cơ học tập, học tập tự thân cho học sinh, học sinh được chơi nhiều hơn và được phát triển khả năng của mình".
Giải thích về nghịch lý học sinh không phải làm bài tập về nhà, hạn chế thi cử, được chơi nhiều nhưng chất lượng vẫn đứng thứ nhất thế giới, ông Vang nói: "Ở Phần Lan họ nghĩ rằng mỗi học sinh là một thiên tài, họ khơi dậy được khả năng, năng lực của từng học sinh. Vì thế, học sinh học cho tự bản thân họ. Vì vậy, không có luyện thi, không có trường chuyên lớp chọn nhưng học sinh vẫn đạt được kết quả rất cao, cao nhất trên thế giới".