CÁCH CHỌN TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG CHO HỌC SINH 12
Chọn trường đại học, cao đẳng để tiếp tục con đường học tập sau khi kết thúc phổ thông là mong muốn của hầu hết các bạn học sinh. Giờ phút này, khi đã biết điểm thi cả rồi, các bạn lại đang bước vào một cuộc chiến mới: chọn trường, chọn ngành. Chúng tôi xin chia sẻ những tâm tư cùng các bạn, qua bài tóm tắt những việc cần cân nhắc trước khi chọn trường, chọn ngành.
Chọn theo bản thân:
1. Sở thích:
Được rồi, giờ không phải là lúc dành cho những mơ mộng thời còn nhỏ nữa đâu, hãy nghiêm túc xem bạn thật sự thích làm ngành nghề nào, thích được trở thành ai trong tương lai, thích làm việc trong môi trường nào. Có lẽ các bạn cho là giáo điều, lý thuyết, nhưng qua những người đã đi làm trước cho thấy, sự yêu thích quyết định 80% khả năng thành công của bạn với công việc.
2. Điểm thi:
Đây là một điều khá quan trọng, có lẽ các bạn cũng đã có kết quả thi hết rồi, việc dựa vào số điểm và lựa chọn trường phù hợp là một bài toán không hề đơn giản. Vì vậy mà, bạn hãy cân nhắc nộp đơn vào nhiều trường có chuyên ngành đào tạo mà mình lựa chọn, có trường top 1, top 2, top 3, như vậy sẽ làm tăng cơ hội trúng tuyển. Nếu bạn quyết tâm bám trụ của một trường đại học hay cao đẳng mà mình yêu thích, hãy suy nghĩ đến việc lựa chọn nhiều nguyện vọng trong trường với các mức điểm xét tuyển khác nhau. Theo dõi điểm của những năm trước để tham khảo, lưu ý là chỉ “tham khảo”, bởi điểm chuẩn mỗi năm thay đổi phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: đề thi, chất lượng thí sinh, chỉ tiêu của trường…
3. Yếu tố kinh tế, gia đình:
Nếu không trúng tuyển đại học công lập, bạn sẵn sàng bỏ chi phí cho một trường đại học dân lập uy tín hay sẽ nộp đơn vào cao đẳng? Chi phí là chuyện cần cân nhắc.
Về gia đình, ông bà mong muốn, bố mẹ mong muốn, bản thân bạn mong muốn, nếu cả 3 cùng 1 mong muốn thì quá tốt rồi, còn nếu mâu thuẫn nhau thì sao? Lời khuyên cho bạn là hãy chọn đi con đường mình muốn và chứng tỏ rằng mình không sai. Nếu bạn chọn theo ý người khác, khi thất bại bạn sẽ có xu hướng đổ lỗi và không chịu khắc phục.
Chọn trường đại học hoặc cao đẳng
Sau khi đã xác định được mình thích ngành nào, bắt đầu tiến hành sàng lọc các trường có đào tạo ngành đó, kể cả đại học và cao đẳng, không hẳn cứ phải là đại học mới tốt, có những trường cao đẳng chất lượng đào tạo rất tốt và nhận được phản hồi cao của các nhà tuyển dụng.
Tìm được các trường đào tạo ngành này, bạn bắt đầu xem xét chỉ tiêu, theo dõi điểm của các thí sinh đăng ký cùng ngành, và quyết định xem nên bám trụ hay rút hồ sơ, điều đó còn tuỳ thuộc vào tình hình cụ thể.
Đối với những bạn không đủ tiêu chuẩn vào đại học, cao đẳng, đừng quá bi quan, vẫn còn cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề…rất nhiều sự lựa chọn cho tương lai. Đại học đúng là con đường ngắn nhất để bạn có bằng cấp cao, nhưng đó không phải là con đường duy nhất để bước vào cuộc sống.
Xem thị trường lao động tương lai
Đây là nhân tố cũng không kém phần quan trọng, vì hầu hết chúng ta học để tìm việc làm, hãy tìm hiểu xem, trong vòng 3,4 năm tới, khi chúng ta tốt nghiệp, ngành nghề nào đang là xu hướng.
Đọc kỹ những yêu cầu tuyển dụng của các công ty, có lẽ bạn cũng nhận ra không phải công ty nào cũng cần bằng cấp cao, thứ họ cần là khả năng thật sự, là thể hiện của bạn trong vai trò đó, vì vậy mà như đã nói, đừng xem đại học là đích đến duy nhất. Trên hết, nếu bạn thật sự đam mê và làm tốt công việc của mình, tin chắc rằng tự bạn sẽ thu hút được các nhà tuyển dụng thôi.
TỔNG HỢP Ý KIẾN TƯ VẤN CỦA CÁC CHUYÊN GIA GIÁO DỤC TRONG MÙA TUYỂN SINH 2015:
+ Các trường ra điểm chuẩn dựa vào các yếu tố sau:
– Chỉ tiêu đào tạo theo ngành hoặc nhóm ngành.
– Ngưỡng đảm bảo chất lượng đàu vào do Bộ Giáo dục và đào tạo quy định (điểm chuẩn phải lớn hơn hoặc bằng ngưỡng điểm quy định).
– Mức độ cạnh tranh xét tuyển giữa các thí sinh (số lượng hồ sơ đăng ký xết tuyển nhiều hay ít)
– Vùng điểm thí sinh đăng ký xét tuyển.
+ Theo chuyên gia, với những bạn có điểm thi từ 18-21 điểm, nên nộp đơn vào các trường đại học Top 2, hoặc các ngành kém hot ở các trường Top đầu.
+ Thí sinh năm nay cần tỉnh táo, các thí sinh đạt dưới 21 điểm chỉ nên nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường thuộc top khó tuyển hoặc những ngành kém “hot” nhưng có nhu cầu cao trong thị trường nhân lực chất lượng cao, dễ có việc làm khi ra trường và thậm chí cơ hội có học bổng đi học nước ngoài ở trình độ cao hơn còn nhiều.
+ Thí sinh có thể tham khảo điểm trúng tuyển vào các ngành của trường ở những năm trước để quyết định chọn trường, ngành phù hợp. Có 400 trường đại học, cao đẳng trong cả nước, một ngành chuyên môn có thể đào tạo ở nhiều trường với mức điểm xét tuyển rất khác nhau, nên các thí sinh có nhiều cơ hội để lựa chọn được ngành yêu thích của mình.
+ Về việc rút hồ sơ nộp trường khác hay quyết tâm bám trụ, thí sinh phải cân nhắc nhất là khi điểm thi của mình không thực sự vượt trội trong số thí sinh cùng đăng ký vào ngành. Để tăng cơ hội trúng tuyển, thí sinh có thể chọn nhiều ngành phù hợp với nguyện vọng của mình trong một trường.
+ Thí sinh nên xác định là điểm của mình cần cao hơn điểm chuẩn mọi năm một chút. Nói cách khác là thí sinh nên chọn ngành ở dưới mức điểm của mình để tăng khả năng đỗ, vì nếu trượt nguyện vọng 1 và phải bước vào xét tuyển nguyện vọng 2 thì sẽ khó khăn hơn cho thí sinh.
+ Thí sinh cần phải tìm hiểu kỹ thông tin trên website của trường dự kiến đăng ký xét tuyển, tìm thông tin chính xác về các tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển vào từng ngành và chỉ tiêu tuyển sinh 2015 của từng ngành.
+ Trong thời hạn 20 ngày xét tuyển nguyện vọng 1 (bắt đầu từ ngày 1/8), thí sinh có thể điều chỉnh, rút hồ sơ. Đây cũng là việc mà thí sinh cần cân nhắc kỹ bởi việc điều chỉnh rất mất thời gian và có thể gặp phiền phức bởi thí sinh hoặc người nhà phải tới tận trường để thực hiện việc này.
Các đợt xét tuyển nguyện vọng diễn ra trong khoảng thời gian khá lâu: Đợt 1 từ ngày 1 đến 20/8; xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1 từ ngày 25/8 đến ngày 15/9; Bổ sung đợt 2 từ ngày 20/9 đến 05/10; Bổ sung đợt 3 từ ngày 10 đến 25/10 (kết thúc nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học); Bổ sung đợt 4 từ ngày 31/10 đến 15/11/2015 (kết thúc nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển cao đẳng). Có rất nhiều thời gian, nên thí sinh và gia đình nên cân nhắc kỹ lưỡng để đạt kết quả như ý trong năm nay.