23/04/2017 | 13:15

Lưu ý ôn tập tổ hợp khoa học xã hội

Tổ hợp bài thi khoa học xã hội trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 bao gồm môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân. Các thí sinh cần chú ý học tập, ôn luyện trong chương trình quy định ở lớp 12, không nên học tủ, học lệch, không học thêm tràn lan.

Lịch sử: Lưu ý các mệnh đề dẫn

Hệ thống hóa kiến thức có thể thực hiện theo các cách: tóm tắt bảng, so sánh điểm giống nhau và khác nhau giữa những thuộc tính lịch sử. Nếu không dùng bảng thì dùng sơ đồ tư duy - tức là nắm được sự kiện trong những giai đoạn lịch sử, ý nghĩa của các sự kiện đó.

Lưu ý: Sau mỗi giai đoạn lịch sử, HS phải vẽ sơ đồ bởi mỗi câu trong bài thi có thể sẽ được sắp xếp theo giai đoạn thời gian diễn ra sự kiện (đây là điểm khác so với mọi năm). Ngoài ra, HS cũng cần lưu ý những mệnh đề phản, như: “Chiến dịch nào không phải là…”. 

Đối với kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm, lưu ý HS phải phân bố thời gian hợp lý. Phần lịch sử thế giới chỉ chiếm 4 điểm nên nếu khó quá thì HS nên chuyển qua các câu hỏi về lịch sử Việt Nam. Điều cần thiết nhất là kỹ năng tổng hợp và ghi nhớ, tránh học thuộc lòng.

Giáo dục công dân: Lồng thực tế vào

Đối với môn giáo dục công dân, lưu ý: Giáo viên (GV) và HS nên tránh kiểu dạy và học đọc - chép. Ngoài nắm vững kiến thức trong sách, ôn kỹ từng bài (chỉ trừ những phần giảm tải), HS cần phải biết liên hệ với các tình huống thực tế.

HS cần học từng bài, nắm chắc nội dung bài đó, ghi chép cẩn thận những ý chính, những nội dung GV nhấn mạnh, lưu ý. Đồng thời, HS nên cập nhật kiến thức thực tế vào bài học và kết hợp kiến thức của môn sử, địa vào bài thi.

Căn cứ đề minh họa mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, có thể thấy đề thi có 40 câu với lượng thời gian 50 phút làm bài. Nếu HS học kỹ, hiểu kỹ thì thời gian làm bài khoảng 40-45 phút là xong. HS có thể dành một ít thời gian còn lại để dò bài trước khi nộp thì với lượng thời gian 50 phút là đủ.

Đề minh họa 40 câu trắc nghiệm hay lồng ghép thực tế và vừa sức đối với HS. Câu hỏi của đề thi dàn trải từ bài 1 đến bài 10 trong chương trình lớp 12.

HS tuyệt đối không nên học thuộc lòng. Các em nên bám sát chương trình lớp 12, đi vào trọng tâm của từng bài học để nắm bản chất của mỗi bài. HS cũng nên lưu ý các câu hỏi liên quan đến việc sử dụng kiến thức được học để giải những tình huống trong thực tế.

Địa lý: Không được học tủ

Đề thi trắc nghiệm trải dài toàn chương trình nên HS không thể học tủ được.

Sau mỗi bài học, HS nên trả lời những câu hỏi nhỏ, lưu ý các chi tiết chính yếu.Lập sơ đồ tư duy cho từng bài, từng chương với những nét chính trước. Quan tâm những mối quan hệ giữa các đối tượng địa lý. Học đều từng phần, tránh việc học dồn vừa mệt vừa dài lại khó có hiệu quả.

Cách làm bài:

Nắm vững kỹ năng đọc Atlat. Các câu Atlat làm sau cùng và làm cùng lúc để khỏi phải mở, đóng Atlat nhiều lần, mất thì giờ. Trước hết, HS cần thuộc trang 3 cuốn Atlat (các ký hiệu chung) để đỡ mất thì giờ tra lại. Môn địa lý có các tính toán về số liệu nên các em cần nhớ công thức và mang theo máy tính. HS cũng cần lưu ý đọc kỹ đề, kỹ năng nhận xét biểu đồ, bảng số liệu…

Nguồn tin: Tổng hợp

Khảo sát ý kiến khách hàng

Theo bạn, Việt Nam nên học mô hình giáo dục của nước nào?

Mỹ
Trung Quốc
Singapore
Nga
Không nước nào

Mã xác thực