6 lưu ý cần nhớ khi ôn tập môn Toán trắc nghiệm thi THPT Quốc gia
Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay sẽ diễn ra từ ngày 22/6-24/6. Trong đó, các môn Toán, Ngoại ngữ, bài thi Khoa học tự nhiên, Khoa học Xã hội sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Riêng môn Ngữ Văn sẽ thi theo hình thức tự luận.
Riêng với môn Toán, việc thay đổi hình thức thi sang trắc nghiệm sẽ kéo theo rất nhiều lưu ý và khác biệt trong lúc ôn tập. Thí sinh nên nắm rõ điều này để có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi sắp tới.
Dưới đây chính là một vài lưu ý để bạn ôn tập hiệu quả hơn cho môn Toán thi THPT Quốc gia năm nay:
1. Bạn chỉ có trung bình 1,8 phút cho mỗi câu. Vì vậy cần chú ý đến tốc độ làm bài. 1,8 phút này bao gồm từ việc đọc đề, làm bài, sử dụng máy tính, kiểm tra lại... Hãy luyện tập bằng cách bấm giờ và nghiêm túc làm thật nhiều đề thi thử.
2. Hãy chắc chắn rằng mình sử dụng máy tính cầm tay thành thạo. Trong đề thi trắc nghiệm, số lượng các câu trực tiếp sử dụng máy tính để cho ra kết quả là không nhỏ. Với những câu hỏi này, tuy không quan tâm đến bước giải, nhưng bạn cần nắm chắc công thức và cách thao tác trên máy tính cầm tay để cho ra kết quả nhanh, chính xác.
3. Cẩn thận bị "bẫy" ngay từ lúc đọc hiểu đề. Vì số lượng câu hỏi rất nhiều (50 câu) và thời gian dành cho mỗi câu lại ít, thế nên bạn cần hình thành cho mình kỹ năng đọc đề nhanh và đảm bảo không bị sai đề.
4. Nên nắm được nhiều cách giải khác nhau cho một dạng toán để tránh trường hợp bỡ ngỡ, "trở tay không kịp" khi gặp phải đề toán tuy có cùng bản chất nhưng cách đưa yêu cầu lại khác cái mình từng ôn luyện.
5. Mọi kiến thức đều quan trọng như nhau. Đặc biệt là với đề thi trắc nghiệm, kiến thức sẽ trải rộng khắp chương trình học, đôi lúc chỉ một ý nhỏ trong phần lưu ý cũng có thể được lấy ra làm đề thi. Vậy nên điều cần nhớ ở đây là gì? Hãy ôn luyện tất cả mọi thứ từ lý thuyết tới bài tập, và tránh mang tâm lý phần này quan trọng hơn phần kia.
6. Và lưu ý cuối cùng chính là hãy luyện tập thật nhiều đề với sự nghiêm túc không khác gì thi thật. Sau mỗi đề tự làm, hãy kiểm tra kỹ càng kết quả, ghi nhớ những chỗ hay sai, tìm hiểu vì sao lại sai, cách khắc phục như thế nào, mình chưa thạo ở đâu... để rút kinh nghiệm và làm tốt hơn.