04/08/2017 | 19:23

30 điểm vẫn trượt Đại học, phải chăng do đề thi phân hóa không tốt?

Nhiều giáo viên và học sinh đồng tình với quan điểm khởi đầu của câu chuyện 30 điểm vẫn trượt đại học là do đề thi dễ hơn các năm, không phân loại được thí sinh.

Câu chuyện nhiều thí sinh đạt điểm cao vẫn trượt đại học khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Phải chăng do đề thi không đạt yêu cầu?
Nhiều học sinh, giáo viên nhận xét đề thi với mục đích vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển vào đại học, cao đẳng sẽ khó "vẹn cả đôi đường".


30 điểm vẫn trượt đại học có phải vì đề thi phân hóa thấp

 

'Mỗi đề thi chỉ có 4 câu hỏi khó'

Năm nay, lần đầu tiên tất cả môn thi (trừ Ngữ văn) được tổ chức theo hình thức trắc nghiệm, cũng là lần đầu xuất hiện bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội. 
Vũ Kiên Định (cựu học sinh trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội), tâm sự đây là năm em thi đại học lần thứ ba. So sánh đề thi của hai năm trước có thể thấy, đề thi năm nay dễ hơn nhiều. Trong phòng thi của Định, nhiều thí sinh làm bài thừa thời gian đến 20 phút. 
"Nhiều người không đặt trong vị trí của thí sinh nên cho rằng đề thi có tính phân loại cao. Cộng đồng học sinh luyện thi, giáo viên ôn thi là những người trực tiếp làm bài, họ sẽ hiểu đề thi năm nay sẽ khiến điểm số cao tăng vọt. Các chuyên gia giáo dục là người đánh giá qua phổ điểm sẽ nhận thấy đề thi khó tìm ra được thí sinh giỏi thật sự để tuyển chọn", Kiên Định nói.
Nguyễn Hùng (cựu học sinh trường Chu Văn An, Hà Nội), nhận định độ khó của đề thi năm nay chỉ bằng nửa năm trước. Cá nhân Hùng cho rằng đề thi môn Hóa chỉ có 4 câu hỏi "khó vừa phải" và đã được ôn luyện.


Theo Hùng, đề thi không phân loại được thí sinh ở khoảng 8 đến 10 điểm nên có tình trạng quá nhiều bạn đạt điểm cao.
"Những thí sinh đạt từ 0 đến 6 điểm chủ yếu thi với mục đích xét tốt nghiệp. Họ chỉ làm qua loa môn thi thành phần không dùng xét vào đại học. Vì vậy, nhìn vào phổ điểm, nhiều thí sinh tưởng mình có kết quả cao nhưng đến khi trượt đại học mới biết đâu là sự thật", Hùng phân tích. 
Ông Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng trường THPT Thành Nhân, TP.HCM, nhận định mỗi đề thi chỉ có 4 câu ở mức độ tương đối khó, không đủ phân loại học sinh. Ví dụ, môn Hóa mọi năm phân hóa tốt thì năm nay có quá nhiều điểm 10 dẫn đến điểm khối B tăng vọt. Điểm chuẩn cũng theo đó mà tăng cao. 
Vị hiệu trưởng đề xuất đề thi năm 2018 cần tăng từ 4 thành 8 câu hỏi rất khó trong số tổng 40 câu. Kết cấu đề thi gồm 60% câu hỏi cơ bản đã đáp ứng được nhưng 40% câu hỏi nâng cao cần được hoàn thiện hơn nữa.


Cũng theo thầy Độ, năm 2018, Bộ GD&ĐT vẫn nên tiếp tục duy trì hình thức thi như 2017, bởi mọi sự thay đổi đều khiến giáo viên và học sinh rất vất vả. 
Thạc sĩ Bùi Gia Hiếu - Hiệu trưởng trường THPT Nhân Việt - cũng nhận định mặt bằng điểm thi của học sinh trong trường năm nay tăng lên đáng kể, do đề dễ. 
Theo vị hiệu trưởng này, ma trận đề thi thuộc về các phần ghi nhớ, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Phần vận dụng cao phải được tăng cường câu hỏi cực khó để phổ điểm phía bên phải sẽ có hình thoải. Phổ điểm sát như năm nay sẽ khiến các trường rất khó tuyển sinh, bởi chỉ cần tăng hay giảm một mức điểm nhỏ cũng có rất nhiều thí sinh trượt. 
 

Thất vọng vì đề thi dễ

Theo đánh giá của nhiều giáo viên, mặt bằng chung của điểm thi năm nay cao không phải do trình độ của học sinh tăng, mà là kết quả của việc thay đổi hình thức thi. Trong đó, môn Toán, Lịch sử, Giáo dục Công dân, Địa lý chuyển từ tự luận sang trắc nghiệm. 
Thầy Lại Tiến Minh (giáo viên dạy Toán trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội), phân tích năm đầu tiên thi trắc nghiệm nên trong quá trình ôn thi, học sinh lo lắng và ôn khá kỹ dạng bài tập lạ, khó. Thực tế, đề thi lại chỉ đề cập những câu hỏi cơ bản, bám sát sách giáo khoa, không quá khó.
Thầy Tiến Minh nêu ý kiến năm 2018, đề thi môn Toán nên có sự thay đổi về độ khó của câu hỏi. Ví dụ, 40% câu hỏi ở mức độ nâng cao sẽ tăng cường yêu cầu vận dụng. Câu hỏi cần gắn với thực tiễn để học sinh biết vận dụng kiến thức liên môn và thực tiễn để sáng tạo, tư duy. Điều này tránh việc học sinh phụ thuộc vào máy tính và sự may rủi.


Năm nay, môn thi Tiếng Anh cũng có sự thay đổi lớn khi không còn phần thi tự luận. Cô Vũ Mai Phương - giáo viên dạy online - đưa ra con số: Môn Tiếng Anh năm 2016 chỉ có 56 điểm 10, năm nay đã tăng lên 4.000 điểm, tỷ lệ tăng gần 80 lần. 
Nữ giáo viên cho rằng xã hội ngày nay càng yêu cầu đòi hỏi cao về trình độ ngoại ngữ nhưng đề thi lại dễ, gây thất vọng. Cụ thể, các câu hỏi ở mức vận dụng, vận dụng cao chiếm khoảng 15 câu nhưng đều không quá khó.


“Những học sinh đạt điểm 10 không hẳn các em xuất sắc, có thể do 'khoanh bừa' mà đúng. Điều này vô tình tạo ra nghịch lý, người may mắn có thể điểm sẽ cao hơn người có lực học tốt", cô Phương nêu.
Từ những thông tin trên cho thấy, đề thi Tiếng Anh vẫn nên cần thiết có phần tự luận (chiếm 2 điểm). Ở những năm trước, học sinh và giáo viên rất hào hứng với phần này. Phần tự luận trong đề giúp học sinh tăng cường khả năng tư duy ngôn ngữ và trau dồi kỹ năng viết.

30 điểm vẫn trượt đại học có phải vì đề thi phân hóa thấp


Đề thi phân hóa tốt sẽ không có tình trạng trượt oan


TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH FPT - nhận định ra đề thi rất khó. Hiện tại, ngân hàng đề của Bộ GD&ĐT chưa đủ phong phú nên cần được tích lũy thời gian dài.
TS Trường Tùng cho rằng một kỳ thi tạo nên "mưa điểm 10" đồng nghĩa đề thi dễ. Ví dụ môn Toán, nếu tính thí sinh điểm 7 trở lên sẽ có khoảng 200.000 em, đồng nghĩa với một phần tư thí sinh dự thi đạt được. Khi điểm thi quá cao, các trường sẽ vất vả hơn trong việc tuyển đầu vào, không phân biệt được học sinh trong khoảng từ 8 đến 10 điểm là giỏi và giỏi xuất sắc. 
Theo TS Tùng, một bài thi trắc nghiệm có xác suất đánh bừa đạt 2 điểm, nên Bộ GD&ĐT cần tăng mức điểm liệt (hiện tại là dưới một điểm).
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, nhận xét đề thi cần có sự phân hóa nhất định để khi xét tuyển không có trường hợp trượt oan, gây bức xúc cho thí sinh. 
Thầy Nghĩa thông tin với phổ điểm và điểm chuẩn như hiện nay có thể thấy độ phân hóa của đề tốt ở khoảng 15-25 điểm. Nhưng sau khoảng này, mức phân hóa của đề thi chưa tốt, dẫn đến việc có nhiều thí sinh điểm cao mà vẫn trượt đại học. Bởi thí sinh điểm cao dù chênh lệch lẻ trong khoảng 0,12 điểm (một nửa điểm khi làm tròn) cũng có thể từ rớt thành đậu, đậu thành rớt.
Theo zing.vn

Khảo sát ý kiến khách hàng

Theo bạn, Việt Nam nên học mô hình giáo dục của nước nào?

Mỹ
Trung Quốc
Singapore
Nga
Không nước nào

Mã xác thực