13/09/2017 | 23:07

Tiếp bài trường tiểu học Đặng Cương: Nỗi đau tột cùng của giáo viên chủ nhiệm!

Sau loạt bài phản ánh của báo Kinh tế & Đô thị về trường tiểu học Đặng Cương, huyện An Dương, Hải Phòng. Nhiều giáo viên chủ nhiệm đã lên tiếng kêu cứu vì bản thân họ hoàn toàn mất nềm tin vào bà Lê Thị Thu Thủy - Hiệu trưởng nhà trường.

Họ khẳng định có việc bà Thủy trù dập giáo viên, việc các giáo viên chủ nhiệm thu tiền của phụ huynh học sinh là do lãnh đạo nhà trường chỉ đạo. 
Nỗi đau là quá lớn
Chị Ng.Th.Th.V - chủ nhiệm lớp 4… vừa nói vừa khóc trong nước mắt, trường tiểu học Đặng Cương nguyên là một trường điểm có nhiều thành tích của huyện An Dương, bản thân chị từng có 22 năm công tác và là một trong những giáo viên dạy giỏi cấp thành phố với nhiều năm luyện thi học sinh giỏi. Thế nhưng bản thân chị từng rất nhiều lần bị bà Thủy trù dập vì tội “không đứng về phe bà Thủy”, tất cả các công việc và khi có việc của lớp chị đều xin ý kiến và báo cáo với Hiệu trưởng nhưng mặc nhiên Hiệu trưởng bỏ mặc chị với lớp. Vì thành tích chung của nhà trường nên chị ngậm ngùi, nuốt nước mắt vào trong và tự nhủ phải cố gắng.

Hình ảnh các giáo viên chủ nhiệm cá lớp tố hiệu trưởng  

Cô giáo Ph.Th.Th.L là giáo viên chủ nhiệm lớp 2… khẳng định, hiện tại lớp 2 cũng như 22 lớp khác trong toàn trường, các giáo viên chủ nhiệm đều đã thu tiền đầu năm của phụ huynh học sinh. Lớp cô đã có 30/40 phụ huynh nộp tiền các khoản đơn cử như: Tiền học tiếng anh phụ huynh đóng 2.000.000 đồng, tiền kỹ năng sống 1.000.000 đồng, tiền quỹ cha mẹ phụ huynh là 500.000 đồng nhưng sau này nhà trường lấy lại 250.000 đồng, tiền tạp phí 500.000 đồng… Tất cả các giáo viên chủ nhiệm đều triển khai thu do nhà trường chỉ đạo, giáo viên không thể tự ý thu khi chưa được phổ biến từ phía nhà trường. Cô L dẫn chứng, tại lớp 2C do cô C.T.Th chủ nhiệm, trong buổi họp đầu năm vào ngày 20/8 vừa qua cô Th ốm nên bà Thủy đã trực tiếp họp tại lớp với các bậc cha mẹ học sinh và thông báo triển khai những khoản tiền phải đóng cho phụ huynh.
Các giáo viên chủ nhiệm khẳng định, hiện nay, tất cả các khoản tiền thu được của phụ huynh học sinh có một số khoản nhỏ là nộp về cho nhà trường để cầm chừng còn lại giáo viên chủ nhiệm giữ hộ cho phụ huynh học sinh và cũng là để bảo vệ an toàn cho chính họ. Họ không muốn nộp cho nhà trường vì thấy có nhiều nghi ngờ về chuyện không minh bạch về tiền. Hơn nữa, bản thân các giáo viên chủ nhiệm cũng đang sống trong tâm trạng hết sức hoang mang vì không biết mọi chuyện sẽ đi về đâu và bản thân họ đang chịu quá nhiều áp lực. Cô H là giáo viên chủ nhiệm kể lại, bà Thủy - Hiệu trưởng cứ giáo viên nào xinh đẹp, trắng trẻo một chút mà mặc đầm đi dạy là mặt nặng mày nhẹ và bắt giáo viên phải mặc quần áo, không được mặc đầm. Tại một số cuộc họp bà Thủy tỏ vẻ bình thường nhưng sau cuộc họp nếu chị em nào để bà Thủy bắt được lỗi thì bị chửi bị mắng… Đến cuối năm đánh giá xếp hạng, bà Thủy không nhìn vào chuyên môn mà chỉ chăm chăm xem cô chủ nhiệm lớp nào thu nhiều tiền thì được xếp hạng còn không thì đánh tụt lớp. Trước đây với tâm lý sợ nên không cô nào dám đứng lên tố những việc làm khuất tất của Hiệu trưởng, nay các cô đã mạnh dạn đứng lên kể chi tiết từng việc của bà Thủy để mong nhà trường có những năm tháng bình yên như trước, các cô được yên ổn dạy học.
Cô giáo chủ nhiệm Th lớp 5… cho biết, đối với môn kỹ năng sống, các cô đã nộp trực tiếp cho trung tâm D.O.M.E do 2 người của trung tâm này đến thu. Riêng với khoản thu 1.000.000 đồng tiền tiếng Anh phụ huynh phải đóng đáng lẽ nhà trường không đươc thu vì hiện nay nhà trường đã có 2 giáo viên biên chế và 1 giáo viên dạy hơp đồng môn tiếng Anh.
Hiệu trưởng nhà trường bị tố “ăn chặn cả tiền hỗ trợ của các gia đình nghèo, chính sách?!
Bà Bùi Thị Q nguyên là thủ quỹ nhà trường cho biết, hàng năm nhà trường có kê khai danh sách các cháu có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, gia đình chính sách để nhận hỗ trợ. Chương trình này được thực hiện từ năm học 2014 đến nay. Điển hình năm học 2014 - 2015 có 17 cháu trong danh sách được ủng hộ là 630.000đồng/năm/1 cháu. Để rút được số tiền 10.710.000 đồng từ ngân sách thì phải có chữ ký của cha mẹ học sinh. Và như vậy một loạt chữ ký khống được hợp thức hóa, trong khi đó số tiền này không hề đến tay phụ huynh học sinh các hộ nghèo, chẳng lẽ lại chảy vào túi bà Hiệu trưởng (?!)
Ghi nhận thực tế, PV báo Kinh tế & Đô thị đã tìm đến nhà ông Lê Thế T có con học của năm học 2014 - 2015 và được chia sẻ: "Gia đình ông thuộc hộ nghèo, căn nhà hiện cả gia đình ông đang ở còn chưa chát vôi vữa vì không có tiền. Ông có 3 người con, đứa lớn đã đi làm công nhân, cô con gái nhỏ cũng đang lo thất học vì gia cảnh nghèo khó. Sau khi được hướng dẫn làm đơn ông đã lên trường tiểu học Đặng Cương để đòi hỏi về quyền lợi thì được nhà trường trả cho 810.000 đồng tiền hỗ trợ của năm 2016 (trong khi đó con ông năm nay đã lên cấp 2), còn các năm học khác từ 2014 đến 2016 gia đình ông không nhận được bất kỳ khoản nào. Ông T còn thắc mắc rằng ông không hề ký vào tờ giấy nhận tiền nào của năm 2014 - 2015 nhưng tại sao lại có chữ ký của ông trong tờ giấy nhận tiền?" 
Chúng tôi tiếp tục tìm đến gia đình anh Nguyễn Xuân Ch là gia đình nạn nhân chất độc da cam. Anh Ch khẳng định nhà anh có 2 cháu đi học lớp 4 và lớp 5 năm học 2014 - 2015 mặc dù được hướng dẫn làm đơn cho cả hai cháu nhưng nhà trường chỉ cho một cháu có tiền? Tôi cũng lấy làm lạ tại sao lại có chuyện như vậy. Trong khi đó mãi tháng 5/2017 gia đình tôi mới được nhà trường gọi lên và đưa cho 810.000 đồng của năm 2016. Đây là lần duy nhất mà gia đình anh Ch nhận được tiền hỗ trợ.
Còn rất nhiều tờ đơn mà các gia đình có hoàn cảnh khó khăn khẳng định không nhận được tiền hỗ trợ từ phía trường tiểu học Đặng Cương. Trong khi đó bà Thủy Hiệu trưởng nhà trường là người trực tiếp ký để rút tiền từ ngân sách. Vậy số tiền hàng năm các gia đình nghèo khó, chế độ chính sách không được hưởng thì đang ở đâu? Rất cần câu trả lời từ phía cơ quan chức năng.

Khảo sát ý kiến khách hàng

Theo bạn, Việt Nam nên học mô hình giáo dục của nước nào?

Mỹ
Trung Quốc
Singapore
Nga
Không nước nào

Mã xác thực