23/04/2017 | 12:50

Kinh nghiệm xin học bổng Fulbright

Tôi chuẩn bị hồ sơ xin học bổng Fulbright trước một năm và cho rằng đây là một phần bí quyết thành công", nhà báo Vĩnh Khang, người giành học bổng Fulbright năm 2015-2016, viết.

Khi xin học bổng Fulbright 2015-2016, tôi nhận được nhiều sự giúp đỡ từ các Fulbrighters đi trước. Nhân dịp Fulbright 2017 khởi động, tôi xin chia sẻ một vài kinh nghiệm với những bạn trẻ quan tâm.

Kinh nghiem xin hoc bong Fulbright hinh anh 1
Nhà báo Vĩnh Khang (hàng đầu bên phải) cùng các bạn bè trong chương trình thạc sĩ báo chí.

1. Bạn chưa biết bắt đầu từ đâu?

Các bạn nên bắt đầu bằng việc tìm hiểu tiêu chí của Fulbright, xem mình có và chưa có gì. “Biết mình biết ta trăm trận trăm thắng”, hãy google những bài chia sẻ kinh nghiệm của những người đi trước để tham khảo.

Tiếp đến là thi tiếng Anh, bạn viết tất cả những ý tưởng cho bài luận ra giấy hay điện thoại, chờ đến ngày đặt bút viết.

Nếu có thời gian, bạn có thể liên lạc với một số Fulbrighters đi trước, mời họ cà phê, trò chuyện. Hỏi về kinh nghiệm chỉ là một phần, bạn nên quan sát con người họ, như tính cách, cách nói chuyện, quan điểm trong các vấn đề… Điều này giúp ích rất nhiều ở vòng phỏng vấn.

Theo quan sát của tôi khi tìm hiểu về các Fulbrighters, khi học xong, quay về Việt Nam, họ có thể thành công hoặc không, hay chưa làm được những việc như kỳ vọng, nhưng họ có một điểm chung: Không "nhạt".

Lời khuyên nữa cho các bạn là chuẩn bị sớm. Tôi chuẩn bị hồ sơ trước cả một năm và cho rằng đây là một phần bí quyết thành công.

2. Tại sao chọn Fulbright, không phải học bổng khác?

Khi lên kế hoạch du học, tôi cũng tham khảo một số học bổng khác. Tôi nộp hồ sơ và có lần cũng vào được đến vòng phỏng vấn, nhưng có thể không hợp tiêu chí và bản thân tự cảm thấy không thực sự tha thiết nên chưa thành công.

Mỗi học bổng đều có những tiêu chí riêng, bạn nên đầu tư vào học bổng phù hợp với mình, đừng rải hồ sơ, mất thời gian. Tôi thấy phù hợp các tiêu chí của Fulbright, từ ngành nghề, kế hoạch cho tương lai và cả yếu tố con người nữa.

Kinh nghiem xin hoc bong Fulbright hinh anh 2
Nhà báo Vĩnh Khang tại nơi theo học.

3. Báo chí văn hoá vẫn xin được học bổng Fulbright?

Một bạn từng hỏi tôi như vậy cách đây khá lâu. Thực tế, Fulbright không phân biệt nghề nghiệp hay lĩnh vực nào cả, vấn đề bạn phải thuyết phục được những người chấm hồ sơ và trình bày ấn tượng trong vòng phỏng vấn.

Nếu trong đầu bạn chưa có ý niệm cụ thể về công việc mình làm, nó đóng vai trò gì trong xã hội, thì dù làm lĩnh vực gì cũng vậy thôi, không nên xin học bổng. Không riêng gì Fulbright, các học bổng khác cũng là “con đường” dài và rất nhiều người nản chí dọc đường. Đừng phí thời gian.

Cá nhân tôi đã xây dựng một kế hoạch (short term và long term vision) dựa trên chuyên môn của mình, gắn liền đơn vị công tác và cả những hoạt động cá nhân. Một kế hoạch chặt chẽ, khả thi, ảnh hưởng xã hội sẽ thuyết phục được hội đồng.

4. Điểm tiếng Anh có quan trọng không?

Học bổng Fulbright cấp cho các ngành khoa học xã hội. Điều dễ dàng nhận thấy là khi học, câu nói “tiếng Anh chỉ là công cụ” chỉ đúng với người học kỹ thuật hoặc khoa học tự nhiên. Với ngành xã hội, tiếng Anh rất quan trọng.

Riêng Fulbright, các bạn cần nộp điểm tối thiểu TOEFL iBT = 79; IELTS = 6,5 là đủ điều kiện. Nếu bạn nào chưa thi tiếng Anh, lời khuyên là nên thi luôn TOEFL iBT, vì dù có nộp IELTS thì khi được chọn, bạn vẫn phải thi TOEFL iBT. Bài thi TOEFL iBT khó hơn IELTS. Ôn thi TOEFL IBT mệt hơn, căng thẳng hơn, nhưng đề lại hay hơn.

5. Người viết thư giới thiệu chức càng to càng tốt?

Người viết thư giới thiệu nên liên quan lĩnh vực của bạn, cũng như hiểu rõ bạn sẽ làm được gì. Ứng viên phải có 3 thư giới thiệu, đồng nghĩa có 3 cơ hội “tiếp thị” hình ảnh tới hội đồng.

Bạn có thể chọn 3 người hiểu về mình ở 3 khía cạnh khác nhau, cũng như nhìn nhận công việc và kế hoạch của bạn ở 3 góc nhìn, quan điểm khác nhau. Như vậy, sẽ hiệu quả hơn nhiều so với 3 bức thư gần giống nhau.

Ví dụ, lĩnh vực của tôi là báo chí, tập trung mảng văn hóa nghệ thuật. Tôi chọn một tổng biên tập viết thư, một nghệ sĩ (ca sĩ Trần Thu Hà), một người trong lĩnh vực báo chí có tầm nhìn bao quát xu hướng báo chí Việt Nam và quốc tế (Nguyễn Danh Quý – Editor in Chief của ELLE Vietnam).

Bác Tổng biên tập sẽ đánh giá mình ở khía cạnh chuyên môn báo chí; ca sĩ Hà Trần đánh giá hiểu biết (có thể cả hạn chế) về nghệ thuật, anh Quý đánh giá về khả năng hiểu biết, hoà nhập xã hội, cũng như học tập của mình ở môi trường quốc tế.

6. Bài luận nên viết gì và cấu trúc thế nào?

Đây là mấu chốt của sự thành công. Mỗi người có con đường riêng đến với sự thành công, nhưng tựu trung, bài luận ý tứ phải rõ ràng, câu cú đơn giản, dễ hiểu, tránh trình bày chung chung, mọi thứ cần phải cụ thể. Các bạn có thể nhờ người sửa lại, nhưng “có bột mới gột nên hồ”. Nếu không có ý gì trong bài luận, ai sửa cũng vậy thôi.

Tôi chọn cách viết thư dạng “xuyên không”, từ tương lai, đã nhận Fulbright, học xong và thực hiện những kế hoạch, rồi quay về quá khứ - nhìn mình từ lúc mới ra trường, gặp khó khăn gì trong công việc và cuộc sống; quyết định xin học bổng Fulbright để nâng cao kiến thức như thế nào.

Bằng cách này, tôi vừa giới thiệu được kiến thức nền mà không khô cứng, cũng như khoe được kế hoạch, mục đích, khiến hội đồng tò mò đọc tiếp bài luận tiếp theo (cụ thể hơn về kế hoạch tương lai). Nó cũng khiến họ muốn biết con người thực ngoài đời của người viết.

Riêng bài Objective Statement, tôi chọn cách viết tiểu luận, gồm Introduction, Body và Conclusion. Phần Body, tôi trình bày theo lối diễn giải và theo thứ tự Firstly, Secondly…, rồi đến topic sentence và supporting sentence.

Bài luận này sẽ hỏng nếu bạn trình bày chung chung. Hội đồng muốn xem ứng viên hiểu thế nào về kế hoạch đề ra, nên hãy cụ thể mọi thứ. Một bài viết dạng creative và 1 bài essay là cách tôi cân bằng.

7. Trả lời như thế nào ở vòng phỏng vấn?

Đây cũng là vòng rất quan trọng. Mỗi ứng viên có cách trả lời phỏng vấn khác nhau. Sau khi tham khảo vài người nhằm chuẩn bị tâm lý, tôi chọn cho mình cách trả lời riêng. Nhìn lại, tôi cho rằng, mình thành công nhờ chuẩn bị tốt, phong độ tốt và hài hước.

Chuẩn bị tốt là tự “mổ xẻ” hồ sơ của mình, xem hội đồng sẽ hỏi những gì. Khi đọc một dòng, bạn sẽ tự phản biện những gì trong đó. Ví dụ, tôi từng viết rằng “sẽ tiếp tục làm báo in”, thì phải nghĩ ngay đến câu hỏi: “Thời đại công nghệ, tại sao cậu vẫn đi làm báo in?”…

Riêng về phong độ tốt thì khó nói lắm. Với cá nhân tôi, ăn đều, ngủ khoẻ, tập gym không sót ngày nào, là có phong độ tốt ngay.

Hài hước? Khi vào phỏng vấn, nếu không phải chính mình, bạn sẽ thiếu thoải mái và mất tập trung. Thế nên, bạn hãy hài hước nếu là người hài hước.

Tôi từng bảo với hội đồng hãy đọc báo in vì nó chứa đựng những lời vàng ngọc của những người sắp chết. Nói chung, có nhiều câu "bá đạo" nữa và tôi thấy hội đồng mấy lần cười nghiêng ngả.

Thái độ trong phòng phỏng vấn cũng rất quan trọng, bạn nên tập trung, vui vẻ, chân thành và cầu thị.

Nhà báo Vĩnh Khang từng nhận học bổng Fulbright 2015 - 2016, nghiên cứu thạc sĩ ngành Báo chí. Hiện, anh công tác tại báo Nông Nghiệp Việt Nam.

Vĩnh Khang học tại Newhouse School and Public Communication (Syracuse University, New York, Mỹ). Đây là trường được xếp hạng tư trong danh sách các trường đào tạo Báo chí tốt nhất nước Mỹ năm 2015.

Anh cũng tham gia cộng tác với nhiều tờ báo như ELLE, Người Đẹp, 2!, Tiền Phong, VietNamNet.. và có một số bài đăng trên báo Mỹ.

Khảo sát ý kiến khách hàng

Theo bạn, Việt Nam nên học mô hình giáo dục của nước nào?

Mỹ
Trung Quốc
Singapore
Nga
Không nước nào

Mã xác thực