23/04/2017 | 14:26

Tiến tới kỳ thi THPT quốc gia 2017: Có nên đăng ký nhiều nguyện vọng?

Trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, thí sinh (TS) không bị giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký vào các ngành, trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) mà mình thích. Các TS sẽ đăng ký nguyện vọng trước khi thi và được điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết kết quả thi - đây là một “đặc cách” mà Bộ GD-ĐT giúp TS tăng cơ hội trúng tuyển. Tuy nhiên, nếu không cân nhắc kỹ thuận lợi này dễ trở thành “con dao hai lưỡi” đối với TS.

Nhiều thuận lợi...

Đầu tháng 4 này, TS lớp 12 sẽ đồng loạt đăng ký xét tuyển (ĐKXT) cùng với đăng ký dự thi. Điều này được các chuyên gia giáo dục đánh giá là sẽ tạo ra nhiều thuận lợi cho công tác tuyển sinh 2017 và người được lợi nhiều nhất chính là các TS.

Bởi lẽ, việc cho TS được phép ĐKXT nhiều nguyện vọng trước tiên là thể hiện sự tôn trọng lựa chọn ngành nghề phù hợp với nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của TS. Điều này cũng giúp Bộ chủ động hơn trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu xét tuyển, cung cấp thông tin cho các trường ĐH, CĐ có căn cứ để dự báo xây dựng các phương án xét tuyển.

Hơn nữa, việc ĐKXT trước khi thi còn giúp hạn chế những sai sót trong thông tin đăng ký vì TS sẽ có thời gian để kịp thời sửa chữa những sai sót khi ĐKXT. Bên cạnh đó, sau khi có kết quả thi, TS được phép thay đổi nguyện vọng phù hợp kết quả thi của mình để tăng cơ hội trúng tuyển và cơ hội được chọn trường, ngành học phù hợp với sở thích, nhu cầu xã hội.

Nói về những thuận lợi trong việc cho ĐKXT sớm, lãnh đạo các trường THPT trên địa bàn tỉnh cho rằng: “Sự chủ động này sẽ tạo thuận lợi cho TS, đảm bảo quyền lợi, tăng cơ hội trúng tuyển cho các em, cũng như hạn chế đến mức thấp nhất các khó khăn có thể có về mặt kỹ thuật và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các trường tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh ĐH, CĐ. Tuy nhiên, trước khi kỳ thi diễn ra, Bộ GD-ĐT cũng cần chuẩn bị kỹ các điều kiện kỹ thuật, nhất là hệ thống công nghệ thông tin, mạng máy tính để thực hiện trôi chảy công việc này, không để xảy ra tắc nghẽn như mọi năm”.

...Nhưng phải cân nhắc kỹ

Dù được ĐKXT nhiều nguyện vọng, được thỏa thích chọn ngành, trường ĐH, CĐ mà bản thân mong muốn, nhưng nếu chủ quan, không cân nhắc kỹ trong lựa chọn thì những thuận lợi nêu trên lại là “con dao hai lưỡi” đối với các TS.

Khi được hỏi về việc đã xác định được nguyện vọng đăng ký, cũng như sẽ đăng ký những nguyện vọng cụ thể nào, em Tác Vũ Hảo (lớp 12CA, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh) chia sẻ: “Dự kiến ngày 1/4 tới, chúng em sẽ hoàn thành việc ĐKXT nguyện vọng, dù được biết năm nay TS có quyền đăng ký nhiều nguyện vọng và sẽ được điều chỉnh phù hợp sau khi có kết quả thi. Nhưng em đang rất cân nhắc để có thể đăng ký được nguyện vọng 1 sao cho phù hợp nhất. Bởi vì, nếu đăng ký nguyện vọng quá cao, khi biết điểm thi thấp mà điều chỉnh có khi lại không theo được ngành, trường như mong đợi”.

Theo ông Trần Văn Nghĩa (Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT), tuy TS được đăng ký nhiều nguyện vọng, nhưng các em phải tính toán thật kỹ. TS phải xác định được đam mê của mình và phải tìm hiểu kỹ về ngành, trường mà mình mong muốn theo học; không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng”. Ông Nghĩa lý giải, việc điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi chỉ là yếu tố phụ trợ để TS có thể đăng ký lại cho phù hợp nếu trước đó đã đăng ký vào các ngành, trường vượt quá sức của mình. Khi đăng ký dự thi sẽ có phiếu ĐKXT đi kèm. TS phải trả lời “có” ĐKXT; nếu nguyện vọng ban đầu không phù hợp thì sau khi có kết quả, các em có thể điều chỉnh nguyện vọng. Nếu TS đánh dấu “không” hoặc để trống, khi có kết quả thi sẽ không được điều chỉnh nguyện vọng.

Bởi vậy, lời khuyên chân thành mà chúng tôi gửi đến các bạn là hãy xác định rõ nguyện vọng đầu tiên và trước nhất của mình sao cho phù hợp với năng lực, sở thích và điều kiện kinh tế của bản thân. Việc đăng ký nhiều nguyện vọng chỉ khiến quá trình xét tuyển thêm rườm rà, phức tạp và gây ảnh hưởng đến việc xét tuyển của người khác, cũng như chính bản thân mình!

 

Khảo sát ý kiến khách hàng

Theo bạn, Việt Nam nên học mô hình giáo dục của nước nào?

Mỹ
Trung Quốc
Singapore
Nga
Không nước nào

Mã xác thực