Giáo viên ở Sài Gòn muốn 'nới' quy định dạy thêm
"Gần 20 năm nghề, hầu như năm nào tôi cũng dạy thêm và năm nay cũng thế. Cách quản lý đang quá cứng nhắc làm tôi vừa dạy vừa sợ. Nhưng vì cuộc sống, tôi không còn lựa chọn khác", thầy Minh (42 tuổi, giáo viên tiểu học ở quận Bình Thạnh) cho biết.
Chủ trương quản lý chặt chẽ, minh bạch hoạt động dạy thêm học thêm của ngành giáo dục TP HCM vừa được nhắc lại vào đầu năm học, khiến không chỉ thầy Minh mà nhiều giáo viên phổ thông, đặc biệt là tiểu học tỏ ra lo ngại.
Theo thầy Minh, năm nào dịp họp phụ huynh họ cũng đề nghị ông tổ chức lớp học thêm ở nhà, dạy buổi còn lại trong ngày. Lớp học vừa là nơi cho con em ôn bài, vừa là nơi giữ trẻ để cha mẹ yên tâm đi làm, chiều tối về đón.
Năm ngoái, hơn một nửa học sinh trong lớp (khoảng 20 em) đăng ký học thêm, học phí 400.000 đồng mỗi tháng. Thầy Minh thuê một cơ sở bên ngoài với giá 2 triệu đồng, gồm cả phí điện nước. Nhờ khoản thu này cùng với 6 triệu thu nhập ở trường ông mới đủ lo cho cuộc sống gia đình với hai con nhỏ.
Học sinh tiểu học TP HCM trong lễ tựu trường năm học 2017-2018. Ảnh minh họa: Mạnh Tùng. |
Thầy Minh chia sẻ, nhiều đồng nghiệp của ông cũng dạy thêm "chui" như mình. Biết là sai họ vẫn làm, vừa làm vừa sợ phụ huynh, thanh tra giáo dục và dư luận xã hội.
Ông khẳng định ở trên lớp đã dạy trọn vẹn bài học nên không o ép, lôi kéo học trò học thêm. "Oái oăm là có lần tôi mời phụ huynh lên làm việc vì con họ hư, nghịch ngợm lại trúng ngay em không đi học thêm. Khi đó họ nghĩ mình đang tìm cách ép họ phải cho con đi học thêm. Tôi từng bị phụ huynh mắng vì hiểu lầm", thầy giáo kể, giọng chua chát.
Khi dạy ở lớp học thêm, ông luôn hồi hộp vì không biết đoàn kiểm tra có thể "ghé thăm" bất cứ lúc nào. Ông thấy sợ khi nghĩ đến cảm giác bị "bắt" tại trận trước mặt học sinh, như nhiều đồng nghiệp từng gặp phải.
Theo thầy Minh, ngành giáo dục cần có những thay đổi phù hợp về quy định dạy thêm, học thêm cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Đặc biệt, quy định "không dạy thêm bậc tiểu học" không còn phù hợp, bởi nó mâu thuẫn với nhu cầu của phụ huynh, điều kiện dạy học ở các trường. "Thay vì cấm đoán một cách quy chụp, hãy tạo điều kiện cho giáo viên chúng tôi được dạy thêm một cách chính đáng, hợp pháp", ông đề xuất.
Khác với thầy Minh, thầy Huy (35 tuổi, giáo viên Toán THCS ở quận 1) ở cấp học được phép dạy thêm, song phải được sự cho phép của hiệu trưởng và phải dạy ở một cơ sở được cấp phép. Anh kể, mọi năm vẫn tổ chức lớp dạy thêm với hơn 10 học sinh ở căn phòng đi thuê. Từ giữa năm ngoái, khi thành phố siết chặt quản lý, anh đăng ký dạy ở một trung tâm được cấp phép ở quận 3.
Đầu năm nay, dù chưa họp phụ huynh song nhiều người đã "đánh tiếng" muốn anh tổ chức lớp dạy thêm môn Toán tại nhà.
"Tôi từ chối nhưng phụ huynh cứ nằng nặc đòi. Họ nói thầy giáo dạy trên lớp thì dạy thêm cho chính học sinh đó sẽ tiện hơn", ông kể. Theo thầy Huy, chiếu theo quy định hiện hành thì bản thân ông không được đứng ra mở lớp học thêm vì đang trong biên chế của ngành, bởi việc này chỉ dành cho giáo viên ngoài biên chế hoặc hưu trí.
Thầy Huy cho rằng, quy định trên đang làm khó giáo viên và cả phụ huynh, học sinh bởi các cơ sở dạy thêm được cấp phép hiện không đáp ứng đủ nhu cầu. Trong khi nhiều giáo viên như ông có thể tự tổ chức những lớp dạy thêm có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất có sẵn lại không được phép.
Ngành giáo dục nên cho phép giáo viên tổ chức dạy thêm tại cơ sở riêng, miễn họ đăng ký đầy đủ thủ tục với cơ quan quản lý và trường nơi công tác.
"Cơ quan quản lý có thể kiểm tra việc dạy trên lớp của giáo viên có đầy đủ, đúng theo chương trình hay không, có sự o ép học sinh hay không, lớp dạy thêm của giáo viên có đáp ứng đủ tiêu chuẩn hay chưa. Nhưng đừng áp nhiều thủ tục hành chính, siết chặt một cách quy chụp hoạt động này", thầy Huy chia sẻ.
Chương trình học và thi cử còn nặng nề, nhiều học sinh buộc phải học thêm. Ảnh minh họa: Mạnh Tùng |
Tại cuộc họp giao ban giữa Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM với hàng trăm cơ sở dạy thêm trên địa bàn đầu tháng 9, một cán bộ phòng Giáo dục Thủ Đức cho biết, trên địa bàn rất ít cơ sở dạy thêm hoạt động. Thậm chí có phường không có cơ sở nào.
Trong khi đó, địa bàn này đông dân với nhiều con em công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất dẫn đến nhu cầu học thêm rất lớn. Mâu thuẫn này dẫn đến nhiều giáo viên dạy thêm ở nhà nhưng không dám khai báo với trường, cơ quan quản lý. "Nhiều phụ huynh than phiền vì muốn giáo viên dạy thêm cho con họ để chờ tan ca đến đón nhưng không được, họ tìm đủ cách xoay sở", bà nói.
Ông Lê Duy Tân (Trưởng phòng Giáo dục trung học - Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM) cho biết, để giải quyết khó khăn trên, các quận huyện có thể tổ chức các cơ sở dạy thêm tại các trung tâm học tập cộng đồng ở xã, phường căn cứ trên nhu cầu thực tế ở địa phương.
Sắp tới, mỗi phường, xã sẽ có một cán bộ phụ trách giáo dục để nắm tình hình thực tế hoạt động của các đơn vị dạy thêm học thêm. Giáo viên dù dạy thêm cho một học sinh phải xin phép và phải được cấp phép.
* Tên nhân vật được thay đổi.
Mạnh Tùng