22/08/2017 | 09:06

Đề xuất tách thi đại học và thi tốt nghiệp THPT

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Phan Thanh Bình cho rằng nên để các đại học tự chủ phương thức tuyển sinh.

Tại hội nghị tổng kết năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 21/8, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình chỉ ra nhiều kết quả tốt và cả hạn chế của giáo dục năm qua. Một vấn đề được ông đặc biệt nhấn mạnh là kỳ thi THPT quốc gia với hai mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học.

Ông Bình cho rằng, thi THPT là đánh giá đa số, để công nhận tốt nghiệp cho học sinh sau 12 năm học. Còn thi đại học là tuyển các em có năng lực vào từng ngành nghề. Việc tuyển sinh đại học phải là của các trường. Tùy theo yêu cầu, đặc thù của mình mà các đại học sẽ có cách tuyển riêng.

de-xuat-tach-thi-dai-hoc-va-thi-tot-nghiep-thpt

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình. Ảnh: Đăng Lương.

"Ta lấy thi phổ thông để áp dụng cho đại học thì khó. Việc nhiều em được 27-28 điểm thi THPT quốc gia, cộng ưu tiên vào thì 30 điểm là bình thường", ông Bình phân tích.

Nguyên giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM cho rằng, quyền tự chủ tuyển sinh của các đại học phải đặt ra mạnh mẽ. Điều này cũng phù hợp với định hướng của ngành giáo dục là đề cao tự chủ cho các trường.

2017 là năm thứ ba Bộ Giáo dục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Đề thi gồm 60% kiến thức cơ bản, 40% kiến thức phân loại và đều năm trong chương trình lớp 12. Với đề thi được đánh giá dễ, hình thức thi trắc nghiệm khách quan, cả nước có tới hơn 4.000 điểm 10, gấp hơn 60 lần so với năm ngoái. Tỷ lệ điểm 8 trở lên cũng tăng mạnh. Đây là lý do khiến điểm chuẩn nhiều trường tốp trên như công an, quân đội, y khoa tăng.

Ngành Y đa khoa của Đại học Y Hà Nội, Y dược TP HCM lấy 29,25 điểm, cao nhất từ trước đến nay. Một số trường quân đội, công an có điểm trúng tuyểnvượt mức tuyệt đối 30. Vì nhiều thí sinh điểm cao, lại được cộng điểm nên các trường này phải đề ra nhiều tiêu chí phụ. Có thí sinh 29,25 điểm vẫn trượt nguyện vọng một do không đáp ứng tiêu chí phụ.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong hội nghị ngày 11/8 đã thừa nhận đây là lỗi do đề thi phân hóa chưa tốt. Việc này sẽ đượckhắc phục bằng các giải pháp kỹ thuật trong những năm sau. "Kỳ thi THPT quốc gia sẽ giữ ổn định cho nhiều năm tới", ông Nhạ khẳng định.

Quỳnh Trang

Khảo sát ý kiến khách hàng

Theo bạn, Việt Nam nên học mô hình giáo dục của nước nào?

Mỹ
Trung Quốc
Singapore
Nga
Không nước nào

Mã xác thực