21/06/2017 | 06:42

Chuyên gia Ngọc Trinh khuyên '5 bước vàng' trong định hướng chọn nghề

Học sinh cả nước sắp bước vào đợt đăng ký xét tuyến khi từ ngày 1/4 bắt đầu lựa chọn nguyện vọng nghề nghiệp. Chuyên gia Nguyễn Thị Ngọc Trinh tư vấn có một số lời khuyên hữu ích để các phụ huynh có thể tư vấn nghề nghiệp phù hợp cho con.

Trao đổi với Báo PNVN, bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Giám đốc Trung tâm tư vấn việc làm thanh niên Hà Nội, cho rằng: Cha mẹ cần có một quá trình đồng hành lâu dài với con trước khi cùng đưa ra quyết định nghề nghiệp cho con.

 

“Tư vấn nghề nghiệp cho rất nhiều học sinh, phụ huynh nhiều năm nay, tôi luôn đưa ra lời khuyên về 5 bước lựa chọn nghề cần lưu ý, đó là cần dựa trên cơ sở trình độ văn hóa, khả năng, phẩm chất, sức khỏe và điều kiện gia đình”, bà Trinh cho biết.

Trong 5 bước này, bà Trinh cho rằng, các yếu tố đều có tầm quan trọng như nhau. Tuy nhiên, yếu tố nào có phần hạn chế hơn thì phụ huynh cần cân nhắc kỹ lưỡng và cùng con bàn bạc để đưa ra quyết định.

hoc-sinh.jpg

Học sinh cả nước chuẩn bị đăng ký xét tuyển để lựa chọn nguyện vọng ngành nghề. Ảnh: D.H

Theo bà, đây là thời điểm quan trọng đối với cả cha mẹ và con cái. Nhất thiết phải đồng hành cùng con một quá trình thì mới hiểu được đâu là niềm đam mê nghề nghiệp thực sự của con. “Đam mê là yếu tố quan trọng để con theo đuổi ngành nghề, có đam mê mới chủ động hơn với nghề mà con chọn”, bà Trinh nhấn mạnh.“Qua tư vấn, tôi biết có những cháu rất thích theo học ngành truyền thông báo chí, nhưng không có năng khiếu viết lách, nhiều cháu thích làm tiếp viên hàng không, song yếu tố về sức khỏe không cho phép... Rất nhiều trường hợp học sinh đỗ vào các ngành tự động hóa, cơ khí của bách khoa, nhưng mãi không hoàn thành tín chỉ vì học quá khó, các cháu không kham nổi, kéo theo sự mệt mỏi và lo lắng của cả gia đình”, bà Trinh chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh cũng cho rằng, cha mẹ nên xem việc dự báo nguồn nhân lực thị trường là kênh tham khảo quan trọng để có thêm thông tin định hướng cho con. Tuy nhiên, không nên quá phụ thuộc vào những dự báo này bởi nguồn nhân lực có thể biến động theo nhu cầu xã hội và nền kinh tế.

img_6039.JPG

Chuyên gia Nguyễn Thị Ngọc Trinh đưa ra lời khuyên "5 bước" cho phụ huynh trong định hướng nghề cho con. Ảnh: D.H

Một điều quan trọng nữa, theo bà Ngọc Trinh, bố mẹ ai cũng yêu thương con và muốn định hướng cho con nhưng thường không đánh giá đúng khả năng của con, kỳ vọng lớn và tạo áp lực không nhỏ trước cơ hội nghề nghiệp của con mình. "Tâm lý sính bằng cấp vẫn khá nặng nề với nhiều bậc cha mẹ là rào cản không nhỏ với chúng tôi khi tư vấn nghề nghiệp cho học sinh", bà Trinh tiết lộ.“Mọi ngành nghề đều có cơ hội việc làm cho sinh viên dù ở bất cứ thời điểm nào, trên cơ sở các em có đủ trình độ, kỹ năng, sự chủ động với công việc. Điều này phụ thuộc phần lớn vào quá trình nỗ lực của các em, còn cha mẹ chỉ có vai trò định hướng ban đầu. Con đường đi nhiều chông gai hay rải thảm, hoàn toàn do chính các em chủ động và đương đầu với điều đó ra sao”, bà Ngọc Trinh tư vấn.

Theo bà, chính cha mẹ mới cần thay đổi nhận thức nếu muốn định hướng nghề nghiệp tốt cho con. “Vào ĐH không phải là con đường duy nhất để lập thân và thành công. Nhiều người chỉ tốt nghiệp THPT nhưng đã tiến xa và thành công khi đi học nghề, làm công nhân, học qua những kênh khác nhau chứ không phải đau đáu vào ĐH bằng mọi giá”, bà Ngọc Trinh nhìn nhận. 

Dương Hà

Khảo sát ý kiến khách hàng

Theo bạn, Việt Nam nên học mô hình giáo dục của nước nào?

Mỹ
Trung Quốc
Singapore
Nga
Không nước nào

Mã xác thực