21/06/2017 | 06:47

Đừng Bị Xui Dại Bởi Những Lời Khuyên Lựa Chọn Nghề Nghiệp Sau

Trong cuộc sống, có những lời khuyên giúp bạn thành công, nhưng cũng có những lời khuyên khiến bạn thất bại. Những lời khuyên tưởng đúng nhưng thực chất nếu làm theo, bạn sẽ nhận lại thất bại ê chề. Định hướng nghề nghiệp của bạn sẽ rẽ theo một hướng khác, thậm chí rơi vào tình trạng thất nghiệp dài hạn nếu bạn lấy đó ra làm chuẩn mực. Sau đây là những lời khuyên lựa chọn nghề nghiệp bạn phải xem xét thật kỹ lưỡng trước khi có quyết định làm theo hay không:

Nhận tạm một công việc, kể cả bạn không thích nó

Làm một công việc bạn không yêu thích chả thú vị chút nào. Khi ép mình lựa chọn nghề nghiệp không phù hợp, bạn sẽ chẳng có động lực, thậm chí năng suất công việc chẳng bao giờ tăng. Hãy thử tưởng tượng xem mỗi ngày bạn uể oải ngồi làm việc hơn 8 tiếng đồng nhưng trong đầu bạn lúc nào cũng nghĩ về những thứ khác, tâm trí thì luôn trên mây còn đầu óc thì luôn nghĩ về giờ tan làm. Bạn không muốn cuộc sống sau này của bạn như thế chứ. Đừng chỉ vì đang thất nghiệp mà tặc lưỡi chọn bừa một công việc mà không thực sự đam mê. Ở Việt Nam, tôi được nghe rất nhiều bạn trẻ than thở về công việc buồn chán của họ, nhưng khi được khuyên về việc tìm một công việc mới thì họ lại không chịu, chỉ đơn giản là vì họ không muốn mạo hiểm mất đi số lương ổn định hiện tại họ đang có. Và thế là bài ca than vãn vẫn sẽ cứ được lặp đi lặp lại. Việc trung thành với công việc hiện tại có thể hiểu được nếu bạn đã trên 30 tuổi, nhưng nếu bạn còn trẻ thì việc không lựa chọn nghề nghiệp phù hợp sẽ thật là lãng phí thời gian và công sức của bạn.

 

Lựa chọn nghề nghiệp với mức lương cao nhất

Mặc dù tiền lương là một trong những yếu tố quyết định trực tiếp đến việc lựa chọn nghề nghiệp nhưng đó không phải thứ duy nhất khiến bạn chấp nhận một công việc. Còn có những yếu tố khác để ảnh hưởng có nhận một công việc hay không, như trách nhiệm công việc, cơ hội học hỏi, các chế độ phúc lợi, phụ cấp, văn hóa công ty, quá trình thăng tiến. Tiền bạc sẽ không còn quan trọng nữa nếu bạn bị mắc kẹt trong một công việc không mấy dễ chịu. Đừng vì tiền bạc mà khiến bạn đánh mất đi niềm đam mê thực sự của chính mình. Đặc biệt là đối với những bạn sinh viên trẻ mới ra trường, việc đặt nặng quá vào vấn đề tiền bạc, lương bổng là không nên, khi mà học hỏi được nhiều kinh nghiệm và xác định được đam mê mới là thứ quan trọng hơn cả vào giai đoạn này.

 

Bố mẹ là người có kinh nghiệm, hãy nghe theo họ

Không sai khi nói rằng, bạn sẽ an toàn nếu ở trong sự bao bọc của bố mẹ và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp cũng không phải là một ngoại lệ. Bố mẹ là người có kinh nghiệm đi trước, đã nuôi nấng bạn từ nhỏ nên hiểu rất rõ tính cách và con người của bạn. Những lời khuyên của bố mẹ dành cho bạn trong việc định hướng nghề nghiệp là rất quý giá. Sẽ không ai rảnh để lo cho sự nghiệp của bạn hơn bố mẹ bạn đâu. Tuy nhiên, cũng có nhiều bạn chia sẻ với mình rằng bị áp lực lớn từ phía gia đình để tìm một công việc theo ý bố mẹ mà bạn không thích khiến các bạn phải từ bỏ công việc và ngành học mà bạn đam mê và yêu thích thực sự. Điều này sẽ là sự hạn chế lớn để phát triển tài năng thiên bẩm của bạn. Cũng giống như việc bắt một chú hổ phải sống trong vườn bách thú vậy, mặc dù nó vẫn sống tốt nhưng sẽ chẳng có gì là thích thú nếu phải sống bên trong một lớp “hàng rào bảo vệ” cả. Lớp hàng rào này đôi khi cũng chính là bố mẹ bạn. Nếu không đi đúng hướng sẽ làm mai một cả tài năng cũng như tinh thần của bạn.

Để giải quyết vấn đề này, các bạn cần phải xác định được đam mê của mình sau đó lên một kế hoạch cụ thể và chi tiết để đạt được đam mê đó và rồi cố gắng thuyết phục bố mẹ bạn bằng những định hướng lựa chọn nghề nghiệp cụ thể. Để làm được điều này, hãy phân tích cho bố mẹ bạn biết việc làm trái ngành nghề mình yêu thích sẽ ảnh hưởng như nào tới bạn, hãy nói rằng bạn còn trẻ, trải nghiệm mới là thứ quan trọng và hơn hết là xin bố mẹ cho mình thêm thời gian để chứng minh. Bằng cách này, bố mẹ bạn sẽ tin tưởng bạn phần nào và sẽ trao cho bạn cơ hội để chứng tỏ bản thân.

 

Làm việc chăm chỉ đi, rồi bạn sẽ được thăng tiến

Ông chủ của bạn quan tâm tới giá trị mà bạn mang lại cho công ty, chứ không phải bạn chăm chỉ tới mức nào. Đôi lúc bạn có thể “lười”, nhưng bạn lại luôn là người nảy ra những ý tưởng đột phá trong công ty thì chắc chắn bạn sẽ được trọng dụng. Như vậy còn hơn là những người cả ngày cắm cúi làm nhưng lại chẳng có hiệu quả. Nếu bạn muốn thăng tiến, hãy lên tiếng. Còn nếu cứ ngồi yên ở chỗ của mình, lặng lẽ làm việc chăm chỉ, nghĩa là bạn đang gửi đi thông điệp “tôi ổn với công việc và vị trí hiện tại”. Những gì nói trên không phải muốn bạn “lười”, mà ở đây, mình muốn nhấn mạnh với các bạn rằng, làm việc hiệu quả mới là yếu tố chính giúp bạn được cân nhắc thăng tiến. Trong công ty, có thể bạn hay bắt gặp tình trạng, bạn làm bao nhiêu mà cũng không hết việc, trong khi đồng nghiệp của bạn luôn có thời gian rảnh rỗi để buôn dưa lê, đi chơi hoặc làm việc riêng nhưng đến cuối tháng vẫn được sếp khen vì hoàn thành tốt công việc còn bạn thì luôn bị phê bình vì chậm tiến độ. Có thể bạn nhìn bề ngoài thấy vậy, nhưng bạn không biết rằng, tốc độ làm việc và giải quyết công việc của những người đó có thể hiệu quả gấp 3 lần bạn. Chuyện này hoàn toàn là sự thật và một ví dụ thực tế bạn có thể dễ dàng bắt gặp nếu dành một buổi quan sát một nhân viên kế toán hoặc kiểm toán làm việc. Đừng shock khi nhìn tốc độ gõ bàn phím của họ nhé.

 

Cứ an phận thủ thường với công việc đang làm

Đã phải làm việc 8 tiếng ở cơ quan, sẽ có nhiều người cảm thấy như thế là quá đủ để tiếp tục làm hoặc nhận thêm việc ở nhà. Những người đó là những người thường dễ dàng hài lòng với những thứ hiện tại. Mặc dù mỗi người có một phong cách và quan niệm về công việc khác nhau, nhưng nếu ngại vất vả và cứ an phận thủ thường thì chắc chắn sẽ khó có cơ hội để thành công. Khi bạn còn trẻ, hãy cứ làm việc chăm chỉ hết mức có thể. Việc phấn đấu, tìm tòi và làm thêm việc sẽ giúp bạn không ngừng nỗ lực và cải thiện bản thân, đem lại nhiều cơ hội thăng tiến việc làm cho bạn. Để trở nên nổi trội trong công việc, bạn cần phải làm khác đi và làm nhiều lên, thay đổi tư duy làm việc. Công ty bạn hoạt động theo một cách và một lượng nhất định không có nghĩa là chỉ cần đáp ứng đủ khối lượng công việc được giao là bạn đã hết trách nhiệm. Hãy tìm cách cải thiện hiệu quả làm việc của mình hơn nữa, để cho nhà tuyển dụng thấy bạn là một người không thể thay thế ở công ty và sẽ có rất nhiều công ty khác sẽ săn đón bạn.

 

Lựa chọn nghề nghiệp mà bạn thấy thoải mái

Thoải mái không có nghĩa là phù hợp. Bởi ngày nào cũng làm một việc dễ ợt, việc lựa chọn nghề nghiệp chẳng có tí thử thách nào, bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy nhàm chán. Sự hài lòng trong công việc lên đến đỉnh điểm khi bạn sử dụng kỹ năng và sự sáng tạo để làm công việc mà bạn thích. Hãy tìm một nơi mà bạn bị thách thức và cho bạn cơ hội học hỏi và phát triển. Nó có thể không thoải mái, không nhàn tênh nhưng chắc chắn sẽ hữu ích. Cuộc sống mà cứ bằng phẳng thì chẳng có gì vui, đúng không? Điều tồi tệ hơn là nếu một ngày công ty bạn phải cắt giảm nhân sự và bạn là một trong số người thuộc biên chế cắt giảm, vậy sau khi đã thôi việc, với kinh nghiệm làm những công việc “dễ ợt” đó của bạn thì cơ hội tìm việc là rất thấp.

 

Đừng nghỉ việc, ngay cả khi bạn ghét nó

Bạn không đủ năng lực, không đủ dũng cảm, bạn sợ thất nghiệp dài hạn, vì vậy bạn chẳng bao giờ có ý định nhảy việc. Nhàm chán nhất là cảnh bạn làm việc ở một công ty suốt 2/3 đời người, sau đó nghỉ hưu. Bạn đã ném cả tuổi trẻ của mình vào một công việc nhàm chán. Phải sống chung với thứ mình ghét chắc chắn không vui vẻ gì. Nếu bạn thấy mình không hạnh phúc, hãy tìm kiếm một công việc khác. Cơ hội là khi bạn tìm thấy một công việc không chỉ phù hợp với mình, mà còn giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn.

Theo 8morning

Khảo sát ý kiến khách hàng

Theo bạn, Việt Nam nên học mô hình giáo dục của nước nào?

Mỹ
Trung Quốc
Singapore
Nga
Không nước nào

Mã xác thực