15/05/2017 | 13:22

Giáo sư Ngô Bảo Châu và lời khuyên chọn nghề

Hầu hết các cha mẹ có tâm lý muốn con phải ngoan, phải vào một trường đại học có danh tiếng..., nhưng ít khi quan tâm hiểu tâm tư và khả năng của con em mình.

Nhằm giúp học sinh phổ thông chủ động trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân, tối 3/5, Giáo sư Ngô Bảo Châu và các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực đã có những chia sẻ với phụ huynh và học sinh trong buổi tọa đàm về hướng nghiệp. 

Theo Giáo sư Ngô Bảo Châu, các em học sinh có nhiều sự lựa chọn và điều kiện khác nhau để định hướng nghề nghiệp, tuy nhiên một yếu tố định hướng quan trọng là gặp được những người có kiến thức, lòng yêu nghề và truyền được nhiệt huyết đam mê trong từng lĩnh vực.

Tại tọa đàm, các chuyên gia đã bàn luận câu chuyện định hướng nghề nghiệp theo sở thích của con cái và làm sao để biết rằng mình định hướng nghề nghiệp cho con đúng hay không thông qua những băn khoăn của phụ huynh và học sinh. 

Đặc biệt, khi hiện nay bản thân các em học sinh cũng khó khăn trong việc phân biệt sở thích của bản thân và nhu cầu thực tế của xã hội. 

 

Theo giáo sư Ngô Bảo Châu, các bậc cha mẹ đừng quá đặt nặng chuyện đúng sai mà cần tôn trọng tâm tư của các em. (Ảnh: Thanh Hùng)

Theo như em tìm hiểu thì việc lựa chọn nghề nghiệp phải dựa trên chính đam mê của mình nhưng đôi khi có những đam mê có vẻ không khả thi. Vậy làm như thế nào để em có thể lọc bớt được những đam mê của mình?” - Mạnh - một học sinh lớp 10 đặt câu hỏi. 

Trong khi đó, em Nguyễn Tuấn Hùng (học sinh lớp 12, Hà Nội) quá nhiều băn khoăn: “Cuộc sống có nhiều tác động lắm, nào bố mẹ, môi trường, rồi phim ảnh, báo chí…

Sở thích thì nhiều lắm nhưng làm cách nào để biết theo nghề nào thì sẽ gặp những áp lực gì trong cuộc sống, và yêu nghề đó nhưng liệu có đảm bảo đủ ăn, đủ tiêu, đủ nuôi gia đình hay không?"
Em thích làm nhà sử học, cũng muốn nghiên cứu về vũ trụ, thiên văn học.


Trước những câu hỏi cần lời tư vấn này, các chuyên gia đều bày tỏ sự chia sẻ với các bạn học sinh trước những áp lực trong hành trình tìm con đường lập nghiệp cho bản thân. 

Các chuyên gia đều đồng tình quan điểm rằng, việc gây áp lực cho con là rất không nên, nhưng đúng là các em vẫn rất cần được bố mẹ hỗ trợ, giúp đỡ khi hướng nghiệp.
 
Giáo sư Ngô Bảo Châu cho rằng hầu hết các cha mẹ có tâm lý muốn con phải ngoan, phải vào một trường đại học có danh tiếng..., nhưng ít khi quan tâm hiểu tâm tư và khả năng của con em mình.

Đừng quá đặt nặng chuyện đúng sai mà cần tôn trọng tâm tư của các em. Các em có thể thiếu kinh nghiệm sống hoặc chịu ảnh hưởng của truyền thông nên có những định hướng chưa được thực tế lắm. 

Tôi nghĩ, cần có cuộc đối thoại giữa cha mẹ và con cái trên tinh thần tôn trọng con, và để cả hai phía được đưa ra quan điểm của mình. 

Đây là việc cần nhiều thời gian. Nhưng tôi nghĩ rằng những cuộc đối thoại đó sẽ mang lại hạnh phúc cho những người làm cha, làm mẹ
”, Giáo sư Châu nói.

Bởi lẽ, theo Giáo sư Ngô Bảo Châu, nhiệm vụ của cha mẹ không phải là chọn cho con một nghề phù hợp mà là tạo ra những cuộc đối thoại đủ lâu với con, để giúp con tìm hiểu dần dần những nghề mà con có thể theo đuổi.

Khi con cái và bố hoặc mẹ có ước mơ khác nhau về nghề nghiệp của con, thì không nên mặc định ai đúng ai sai. 

Thùy Linh

Khảo sát ý kiến khách hàng

Theo bạn, Việt Nam nên học mô hình giáo dục của nước nào?

Mỹ
Trung Quốc
Singapore
Nga
Không nước nào

Mã xác thực