Hiệu trưởng đại học nói khó cấm giảng viên 'chạy sô' dạy thêm
Tại buổi giới thiệu chương trình kỷ niệm 60 năm thành lập Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM), khi được hỏi về thực tế nhiều giảng viên của trường phải "chạy sô" dạy thêm ở các đại học khác, PGS.TS Võ Văn Sen (Hiệu trưởng trường) thẳng thắn: "Mình không quản, không cấm được chuyện này".
PGS.TS Võ Văn Sen. Ảnh: Mạnh Tùng. |
Theo ông Sen, trường hiện có hơn 900 giảng viên, bao gồm 300 người trình độ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ. Trong khi đó nhiều đại học khác ở thành phố số giảng viên cơ hữu có trình độ này rất thấp, có trường chỉ 10-15 người. Do đó, họ buộc phải mời giảng viên từ các trường khác về dạy, trong đó có Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Ông Sen cho rằng, việc "chạy sô" dạy thêm của giảng viên cũng là thực trạng chung của đại học Việt Nam. Một số trường dù trả lương cho giảng viên 20-30 triệu mỗi tháng cũng không "giam" được nhân sự của mình vì không bằng trường khác trả lương 7-8 triệu mà được đi dạy thêm.
Hiệu trưởng này cho biết, các luật về giáo dục hiện nay chỉ quy định giảng viên không hoàn thành nhiệm vụ tại nơi công tác sẽ không được làm thêm việc khác. Do đó, nếu một giảng viên hoàn thành giờ dạy, nghiên cứu ở trường thì không thể cấm họ làm ngoài.
Sắp tới trường sẽ tăng tỷ lệ sau đại học, giảm số lượng hệ vừa học vừa làm, từ 8.000 chỉ tiêu xuống 3.000. Điều này dẫn đến nguồn thu của trường bị giảm, song lương trả cho giảng viên không bị thay đổi.
Năm nay, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn kỷ niệm 60 năm thành lập, với tiền thân là Đại học Văn khoa (Viện Đại học Sài Gòn) ra đời năm 1957. Hiện, đây là một số trung tâm đào tạo, nghiên cứu nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn của cả nước.
Mạnh Tùng