“Đổi tình lấy biên chế”: Xin hãy rời bục giảng!
Đó là người thầy, người cô vẫn ngày ngày khoác áo “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” ư? Đó là những người thầy “đạo cao đức trọng” mà xã hội đang tôn vinh ư? Đó là những người xứng đáng đứng trên bục giảng để dạy tri thức và nhân cách cho con trẻ ư?... Bao câu hỏi trăn trở mà dư luận đang đặt ra như xoáy sâu vào nỗi đau của ngành giáo dục.
Nó phản ánh trần trụi mặt trái của giáo dục khi một giáo viên hợp đồng sẵn sàng đánh đổi nhân cách, lòng tự trọng để cố kiếm bằng được “chiếc vé” vào biên chế. Và một lãnh đạo cũng là một người thầy lợi dụng sự cả tin để gạ gẫm, biến đồng nghiệp thành thú tiêu khiển rồi “lật mặt” đe dọa, tống tình.
Cô giáo ơi, xin đừng “quàng” câu chuyện quan hệ bất chính giữa hai con người đã yên ấm gia đình vào từ khóa nhạy cảm “biên chế”! Tìm đến một hiệu phó chưa bao giờ nắm chút quyền hành gì trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức giáo dục để bấu víu, tìm chỗ dựa! Một người phụ nữ đồng ý bắt đầu một mối quan hệ đen tối, đồng ý quay clip thì đừng dễ dàng đổ lỗi cho hoàn cảnh đẩy đưa!
Thương xót cho hoàn cảnh của cô giáo ư? Tôi không hề thương, chỉ là có chút xót xa cho một nhà giáo uổng công dùi mài kinh sử, bôn ba xin việc và lận đận với hai chữ “biên chế”. Biên chế vẫn mãi là giấc mơ của khá nhiều người. Người ta sẵn sàng đánh đổi không chỉ là tiền bạc như bao lâu nay dư luận vẫn đồn thổi, mà thậm chí còn cho đi cả nhân phẩm của mình!
“Xin biên chế”, “chạy biên chế” trở thành nỗi ám ảnh của xã hội, không chỉ riêng gì ngành giáo dục. Và khi người ta “xin” và “chạy”, tất yếu tiêu cực đã nảy sinh. Bao nhiêu người “xin” và “chạy” kia là người tài? Câu trả lời rất mơ hồ. Bởi vậy, mong muốn nâng cao chất lượng nhà giáo, phát huy tấm gương sáng của người thầy sẽ mãi là câu chuyện xa vời!
Và đáng sợ hơn nữa là dã tâm của vị hiệu phó kia. Ngoài kia những người quyền uy vẫn thỉnh thoảng bị phanh phui chuyện tình công sở. Nhưng trong ngành giáo lại rất khó chấp nhận tồn tại một nhân cách như thế! Gạ gẫm đồng nghiệp để thỏa mãn dục tính, quay clip như một thú tiêu khiển bệnh hoạn, ra tay hành hung, dọa dẫm, tung clip để níu kéo mối quan hệ tội lỗi… Bao nhiêu hành vi là bấy nhiêu bức xúc, tức giận dâng cao trong dư luận.
Giáo dục là lĩnh vực nhạy cảm, chỉ cần một biểu hiện lệch lạc trong thái độ, lời nói, hành động của người thầy đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm, bình luận, thậm chí là chỉ trích, phản pháo của phụ huynh và học sinh.
Chính vì vậy, câu chuyện tội lỗi của hai người thầy kia đã vượt khả năng tưởng tượng và giới hạn của sự thông cảm, lòng vị tha. Xin hãy rời bục giảng! Để trả lại màu trắng tinh khôi của nghề “gõ đầu trẻ”. Để xã hội níu giữ niềm tin vào sự thanh cao của người thầy.
Hãy chọn cho mình một công việc khác, đừng liên quan gì đến việc giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ. Bởi một tấm gương mờ sao có thể phản chiếu ánh sáng cho người soi?!
Thùy Mai