13/01/2021 | 12:04

Đề án tuyển sinh chưa sát với thực tiễn: Nhiều ngành học ế ẩm

Hiện nhiều trường ĐH đang rục rịch công bố đề án tuyển sinh 2021. Một trong những băn khoăn đang được đặt ra là không ít ngành học từng thiếu thí sinh vì không có người đăng ký. Giải pháp nào để cơ sở đào tạo không gặp khó trong quá trình tuyển sinh?

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh


Đóng cửa những ngành ít thí sinh

Câu chuyện nhiều ngành học khó hút sinh viên đã diễn ra từ nhiều mùa tuyển sinh trước. Gần đây nhất, theo số liệu thống kê từ Bộ GDĐT: Tổng số thí sinh trúng tuyển nhập học năm 2019 bằng các phương thức xét tuyển đạt 77,7%. Đáng lưu ý có 5 nhóm ngành có tỉ lệ thí sinh nhập học thấp, gồm: Nhóm ngành Nông lâm nghiệp và Thủy sản, tỉ lệ nhập học đạt 32,6%; nhóm ngành Khoa học tự nhiên đạt 34,58%; Môi trường và bảo vệ môi trường đạt 45,28%; Dịch vụ xã hội đạt 45,71% và Khoa học sự sống đạt 50,04%.

Theo lý giải của các chuyên gia tuyển sinh, việc chọn ngành học của thí sinh nhiều năm gần đây khá thực dụng. Đó là ưu tiên chọn ngành “hot” dễ tìm việc làm, lương cao, tránh việc nặng nhọc và có cả việc chọn ngành theo phong trào. Đơn cử nhiều năm qua, tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, những ngành học như Thiết kế thời trang, Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng (hệ chất lượng cao, tiếng Anh), Điện tử Viễn thông hệ chất lượng cao Việt - Nhật hay ngành Môi trường chất lượng cao… có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển và nhập học rất thấp. Do đó, trong đề án tuyển sinh 2020, trường đã quyết định dừng tuyển sinh 2 ngành Công nghệ vật liệu dệt may và Kỹ thuật nữ công.

Tương tự, năm học 2020 - 2021, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM cũng đã dừng tuyển sinh hai ngành học là Khoa học thủy sản và Công nghệ vật liệu. Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng chính thức dừng tuyển sinh 4 ngành đào tạo: Hoạt hình manga Nhật Bản, Cartoon Mỹ 3D, Thiết kế tạo dáng công nghiệp 3D, Thiết kế trang trí nội - ngoại thất, Ngôn ngữ Pháp vì khó tuyển sinh…

Tránh mở ngành ồ ạt

Tại Hội nghị trực tuyến công tác tuyển sinh ĐH, CĐ 2020, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ- Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng, Bộ GDĐT cần rà soát những ngành khó tuyển nhưng xã hội đang cần nhân lực để đề xuất chủ trương, nhằm khắc phục bất cập trong đào tạo ở 5 nhóm ngành trên. Theo đó, những ngành mà xã hội cần nhân lực phải có cơ chế “đặt hàng” các cơ sở đào tạo hoặc có chính sách hỗ trợ.

Nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác tuyển sinh 2020, theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ: Khi xây dựng phương án tuyển sinh, các cơ sở đào tạo cần phải tính toán kĩ việc mở ngành, tránh tình trạng chỉ căn cứ vào một số nhu cầu nhất thời của một số đơn vị mà mở ra một ngành mới; không đưa ra tổ hợp xét tuyển thiếu cơ sở khoa học và căn cứ thực tiễn. Thực trạng có trường xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh trong phương án tuyển sinh chưa sát với thực tiễn, dẫn đến nhu cầu người vào học ít, một số trường căn cứ vào đó để hạ ngưỡng đầu vào.

Riêng với một số ngành đặc thù, Quy chế tuyển sinh vẫn tiếp tục phải bảo đảm chất lượng, như việc quy định điểm sàn cho khối ngành sư phạm/sức khỏe. Ông Nhạ nhấn mạnh: Bây giờ không phải là tiếp cận theo hướng nhất quyết phải tuyển đủ chỉ tiêu, đông người học mà là tuyển người học có chất lượng không. Người học đông nhưng chất lượng đầu ra không đảm bảo thì cũng sẽ khó được thị trường lao động chấp nhận.

Thay đổi để hút người học

Liên quan đến những ngành học khó tuyển sinh, Bộ GDĐT đã chỉ ra một số nguyên nhân khiến các trường khó tuyển sinh, nhiều trường phải bỏ một số ngành học như: Tình hình tuyển sinh của các cơ sở giáo dục ĐH hiện đang gặp nhiều khó khăn, nhiều ngành đào tạo của các cơ sở không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội, nhiều ngành không thu hút được sinh viên; Chương trình đào tạo của các trường tuy đã được tổ chức rà soát, cập nhật và hoàn thiện lại nhưng vẫn chưa được đánh giá cao; Có khả năng do nhiều trường cùng tuyển sinh 1 ngành nên số lượng sinh viên được đào tạo một số ngành quá nhiều gây hiện tượng cung vượt quá cầu trong giai đoạn trước làm cho số lượng sinh viên đăng ký vào các ngành đó cũng sẽ giảm do nhu cầu của thị trường lao động giảm; Việc hợp tác giữa trường ĐH và doanh nghiệp chưa diễn ra trên phạm vi rộng và hiệu quả như mong đợi; Việc đào tạo trong các cơ sở GDĐH hiện nay thiếu các nghiên cứu tổng thể về nguồn nhân lực, nhu cầu nguồn nhân lực gắn kết với thị trường lao động của từng vùng, yêu cầu năng lực đặc thù nghề nghiệp đối với nhu cầu lao động; Nhiều cơ sở đào tạo khi thực hiện liên kết đào tạo không đúng quy định để đảm bảo chất lượng...

PGS. TS Trần Trung Kiên- Trưởng phòng Tuyển sinh - ĐH Bách Khoa Hà Nội chia sẻ, một vài năm trở lại đây, 5-7 ngành của trường cũng không đạt chỉ tiêu tuyển sinh như: Vật liệu, vật lý, Môi trường, Sư phạm kỹ thuật, Hạt nhân… Tuy nhiên, năm vừa qua, sức hút của các ngành này đang dần trở lại. Nguyên nhân là trường đã có những thay đổi về chương trình đào tạo theo hướng phát triển mới, có những cơ hội cho sinh viên trong thực tập tại các doanh nghiệp, trao tặng học bổng khuyến khích sinh viên…

Bên cạnh thay đổi chương trình đào tạo, phương thức đào tạo thì làm tốt công tác tuyển sinh là một yếu tố quan trọng thu hút thí sinh vào những ngành truyền thống. Ông Vũ Tuấn Anh- Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Thủy lợi cho rằng các trường phổ thông cần đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, để các em hiểu rõ sự cần thiết của các ngành truyền thống, dù thời điểm hiện tại không được hấp dẫn nhưng xã hội rất cần, ra trường có nhiều cơ hội việc làm…

 

Khảo sát ý kiến khách hàng

Theo bạn, Việt Nam nên học mô hình giáo dục của nước nào?

Mỹ
Trung Quốc
Singapore
Nga
Không nước nào

Mã xác thực