Vài điều gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trước thềm năm học mới
Từ góc độ của một người giáo viên, với sự quan tâm tới học sinh, tới đồng nghiệp cùng lòng yêu nghề và mong muốn nền giáo dục của nước nhà có được vị trí xứng đáng, thầy Thanh An đã gửi đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo những điều mong mỏi trước thềm năm học mới.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Thưa Bộ trưởng.
Chúng ta đều biết, ngành giáo dục là một ngành đặc thù của xã hội bởi đây là ngành đào tạo con người, đào tạo nên nguồn nhân lực cho đất nước trong tương lai. Thành hay bại đều do con người quyết định.
Chính vì lẽ đó mà từ khi Bộ trưởng mới được phân công giữ chức Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đã được rất nhiều người quan tâm và kì vọng, đã có rất nhiều “tâm thư” gửi Bộ trưởng.
Và, chúng tôi - những giáo viên đang trực tiếp giảng dạy dưới cơ sở cũng đã nghe, đã thấy được sự quyết tâm của Bộ trưởng đối với ngành giáo dục nước nhà.
Điều đó sẽ đồng nghĩa với việc năm này và những năm tới đây - trong nhiệm kì của Bộ trưởng sẽ cùng với những cộng sự của mình phải kế thừa được những cái hay, cái đúng đã đạt được trong thời gian qua. Những năm qua, ngành giáo dục đã làm được nhiều việc và cũng có những việc chưa làm được, hoặc có những việc đang làm dang dở…
Nhưng, cũng cần cương quyết và mạnh dạn loại bỏ những cái không phù hợp với hoàn cảnh giáo dục nước nhà để chúng ta vừa tiếp thu những tinh hoa của nền giáo dục thế giới vừa kế thừa được những giá trị giáo dục truyền thống mà vận dụng linh hoạt cho thực tiễn giáo dục Việt Nam.
Cái gì mới cũng sẽ còn nhiều bỡ ngỡ, còn nhiều lúng túng trong những năm đầu nhưng nó đã tạo được sự đồng thuận của xã hội. Giảm được chi phí cho nhân dân, giảm được áp lực thi cử cho các em học sinh. Việc kết hợp giữa kỳ thi tốt nghiệp lớp 12 và kỳ thi đại học thành kỳ thi quốc gia trong mấy năm qua dù còn nhiều bất cập, còn hiện tượng “mưa điểm 10” nhưng rõ ràng đây vẫn là điểm sáng của ngành.
Những thầy cô giáo và nhân dân cả nước tin rằng năm học này cũng như những năm học tiếp theo Bộ sẽ có điều chỉnh phù hợp, thuận lợi, đảm bảo được quyền lợi cho các em thí sinh, không gây nhiều áp lực cho xã hội để tiến tới một kỳ thi ít tốn kém, nhẹ áp lực mà các trường vẫn đảm bảo được chất lượng đầu vào.
Hiện nay, chúng ta đã vận dụng được nhiều cải cách trong nội dung giáo dục cả về phương pháp giảng dạy và cách tiếp cận của học sinh. Phần lớn học sinh đã dần quen với tinh thần tự học, tự tìm tòi, không còn phụ thuộc vào sự thuyết giảng đơn chiều của người thầy.
Các trường học đã vận động nhiều nguồn lực xã hội để đầu tư cho cơ sở vật chất nhà trường được khang trang hơn, phương tiện dạy học được áp dụng công nghệ thông tin nhiều hơn, tạo được sự hứng khởi cho học sinh.
Áp lực dạy thêm, học thêm đã giảm rất nhiều so với trước, các trung tâm ôn thi dần dần không còn “chỗ đứng” trong xã hội.
Tuy nhiên, ngành giáo dục cũng còn tồn tại nhiều hạn chế, thậm chí có lúc, có nơi gây bất bình cho dư luận và chưa nhận được sự đồng thuận của cả giáo viên và học sinh. Vừa qua, Bộ đã thông qua Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và đang nghiên cứu, thực hiện đề án thay sách giáo khoa trong những năm tới. Sự lắng nghe dư luận, cầu thị của Bộ giáo dục sẽ là tiền đề để chúng ra hi vọng một bộ sách giáo khoa gọn nhẹ, chất lượng và gần thực tế hơn, tránh hàn lâm, lí thuyết xa vời.
Đó là tình trạng bạo lực học đường, tình trạng lạm thu ở các trường học và sự chưa đồng thuận trong việc áp dụng mô hình VNEN ở cấp Tiểu học và Trung học cơ sở ở nhiều địa phương.
Có những nơi đã có sự phản đối quyết liệt của địa phương, của phụ huynh học sinh.
Tình trạng bạo lực học đường vẫn diễn ra khắp nơi đối với mọi lứa tuổi. Việc chấn chỉnh tình trạng bạo lực học đường là việc cần làm nhất trong lúc này.
Nhiều thầy cô bạo lực học trò, nhiều học trò coi thường, thậm chí đánh cả thầy cô, rồi việc học trò với học trò đánh nhau diễn ra khá nhiều, những clip ghi lại cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mà thôi.
Tình trạng lạm thu ở nhiều trường, nhiều cơ sở giáo dục đang gây bất bình cho dư luận.
Nó đang trở thành gánh nặng đối với các bậc phụ huynh khi cho con em họ đến trường.
Tuy nhiên, các hình thức kỉ luật đối với những cá nhân vi phạm chưa đủ sức răn đe nên nhiều cá nhân vẫn lợi dụng chính sách xã hội hóa giáo dục để tư lợi cá nhân.
Chương trình dạy học VNEN vẫn đang được tiếp tục duy trì ở nhiều địa phương nhưng chưa tạo được sự yên tâm cho phụ huynh, học sinh và ngay cả sự nghi ngại của giáo viên có lẽ do chúng ta tập huấn chưa tốt, chưa đồng nhất.
Mỗi lớp học của chúng ta hiện nay có sĩ số từ 35- 50 học sinh nhưng khi làm việc nhóm thì một giáo viên không thể nào quản nổi, chỉ chuyển hướng các em nghiêm túc thảo luận cũng đã khó lắm rồi. Đó là chưa kể cơ sở, phương tiện giáo dục của chúng ta còn nhiều hạn chế…
Vì thế, Bộ cần có những hướng dẫn cụ thể, thống nhất để nơi nào, trường nào tiếp tục dạy VNEN phải “thông” được cả về tư tưởng, lí trí, rõ được nội dung, phương pháp thì mới đạt được hiệu quả.
Hiện tượng nhiều trường sư phạm tuyển sinh chỉ có 3-4/ môn, thậm chí có em môn chuyên ngành được 2-3 điểm đang trở thành mối lo ngại cho toàn xã hội.
Rồi, chuyện sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm, muốn được đi dạy cũng phải qua nhiều “cửa ải” đang gây bất bình cho dư luận.Rồi đây, những thí sinh này có trở thành những giáo viên có đủ tri thức để đảm nhận vai trò người thầy trong chương trình mới và hội nhập với giáo dục tiên tiến của thế giới hay không, có đảm nhận được trọng trách đổi mới của nền giáo dục nước nhà hay không?
Những giáo viên đang dạy có thâm niên hàng chục năm bỗng dưng bị cắt hợp đồng đang trở thành nỗi lo canh cánh cho người thầy.
Phải làm sao để những người giáo viên này yên tâm với công việc, toàn tâm với giáo dục nước nhà?
Điều này, đòi hỏi Bộ trưởng cần phải tham mưu, xây dựng kế hoạch và có những chấn chỉnh kịp thời.
Bệnh thành tích trong giáo dục hiện nay đang tràn lan khắp nơi.
Nhiều trường, nhiều giáo viên cứ mải mê theo thành tích của cá nhân, của tập thể mà quên đi chất lượng đào tạo.Thành tích trong việc đánh giá học sinh, thành tích trong việc đánh giá giáo viên, trong giáo dục phổ cập và trong rất nhiều các hội thi nữa.
Hàng ngàn thí sinh thi Trung học phổ thông Quốc gia, thi Tuyển sinh vào lớp 10 sao thấy xót xa, rồi bao em học sinh lên đến cấp 2, cấp 3 còn chưa đọc thông, viết thạo một đoạn văn, làm một bài toán giản đơn nhất!
Chương trình sách giáo khoa mới đang gây ra nhiều tranh luận về việc “tích hợp” nhiều môn học cũ thành môn học mới.
Tuy nhiên, những người biên soạn sách trả lời dư luận là “1 sách 3 thày dạy” liệu có nhất thiết phải như thế không?.
Đó là chưa kể hàng loạt những phát sinh trong việc cho kiểm tra, cho điểm bình quân, phân công, ghi sổ đầu bài sau này.
Hi vọng, những người đang thực hiện chương trình, nhất là trên vai trò tư lệnh ngành, Bộ trưởng cần nghiên cứu, bàn bạc thấu đáo để bộ sách giáo khoa tới đây được phù hợp nhất.
Hàng triệu giáo viên cơ sở đang trông chờ vào những quyết sách của Bộ giáo dục, đặc biệt là sự sáng suốt, tiên phong của Bộ trưởng.
Tương lai của đất nước đang chờ vào sự khởi sắc của ngành giáo dục nước nhà từ hôm nay.
Đừng để giáo viên nản lòng, xã hội mai một niềm tin vào nền giáo dục nước nhà thưa Bộ trưởng.
Thanh An