30/05/2017 | 18:56
Tuyển sinh 2017: Nhóm xét tuyển phía Bắc và phía Nam khác nhau thế nào?
Tại hội nghị 40 trường đại học khu vực miền bắc bàn về phương án xét tuyển theo nhóm do Bộ GD&ĐT chủ trì vừa qua, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội - đơn vị chủ trì nhóm tuyển sinh chung các trường đại học phía bắc 2017 đã giải thích về phương thức xét tuyển của hai nhóm.
Nhóm xét tuyển phía Nam lọc ảo trước lọc trong nhóm nội bộ
Theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn, tính đến hiện tại nhóm xét tuyển phía Nam có khoảng 80 trường thành viên.
Nhóm này xét tuyển theo cách thức, các trường xét tuyển độc lập bình thường, trước khi đưa lên Bộ thì chạy phần mềm xét tuyển các trường trong nhóm với nhau. Nhóm có thể chạy vài tiếng một lần để cuối cùng số thí sinh trúng tuyển đưa lên Bộ sẽ không có ảo trong nhóm nữa.
Điều này tức là một thí sinh chỉ có danh sách trúng tuyển ở một trường vào một ngành trong nhóm. Rất có thể thí sinh đó trúng tuyền vào một trường ngoài nhóm nữa, nhưng với nhóm miền nam khả năng tỷ lệ đó ít.
PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội (giữa).
Trường nào có điểm chuẩn cuối cùng bằng điểm sàn (hoặc số nguyện vọng đăng ký vào thấp hơn chỉ tiêu) thì trường đó không cần tham gia vào nhóm. Trường nào có khả năng có một vài ngành có thể điểm chuẩn cao hơn điểm sàn, thì mới nên tham gia vào nhóm.
Ngoài nhóm thì thường sẽ là những trường có điểm chuẩn rất thấp và sẽ không ảnh hưởng gì. Như vậy số lượng ảo rất ít, số liệu dễ hội tụ hơn, Bộ sẽ l làm khâu cuối cùng.
Theo ông Sơn, cách làm này của nhóm xét tuyển phía Nam sẽ phải chạy nhiều lần, phải xét tuyển và điều chỉnh nhiều lần.
Nhóm xét tuyển phía Bắc, các trường vẫn được tự điều chỉnh điểm chuẩn
Với nhóm xét tuyển phía Bắc, ông Sơn cho biết nhóm dự kiến có khoảng trên dưới 50 trường tham gia với nòng cốt là các thành viên nhóm GX năm ngoái.
Theo ông Sơn, năm nay, nhóm xét tuyển này sẽ linh hoạt hơn, đơn giản hơn và cũng tôn trọng quyền tự chủ của các trường rất nhiều.
Nguyên tắc của nhóm phía Bắc như sau: Thứ nhất, tất cả những đăng ký của thí sinh sẽ giữ nguyên không thay đổi. Những gì một trường công bố với thí sinh là giữ nguyên, ví dụ như mã ngành... Thứ hai là các trường không bị mất tự chủ, điều chỉnh điểm chuẩn thế nào do anh hoàn toàn quyết định.
Nhóm sẽ hỗ trợ một phần mềm chung phân tán, chạy chia sẻ. Năm ngoái, 12 trường nhó GX tập trung tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội để học và chạy phần mềm chạy ba vòng là chốt.
Nhưng năm nay, các trường không cần phải đến tận đơn vị chủ trì, tất cả được thực hiện qua mạng, phần mềm sẽ kết nối với nhau thông qua một máy chủ.
Phần mềm sẽ thống kê có bao nhiêu thí sinh đăng ký các nguyện vọng và sẽ đưa ra dự báo là với số liệu thống kê đó, để các trường đủ chỉ tiêu thì sẽ phải lấy bao nhiêu điểm. Trong đó đưa ra số lượng có thể có những em nguyện vọng ngoài nhóm, số lượng trùng trong nhóm…
Các trường sẽ đưa ra điều chỉnh hoặc là giảm chỉ tiêu xuống, hoặc tăng điểm chuẩn lên. Mỗi trường tự điều chỉnh. Có trường thấy điểm năm ngoái thấp quá, tôi phải điều chỉnh lên...đều do trường quyết định. Phần mềm máy chủ sẽ điều chỉnh theo số liệu các trường cập nhật thay đổi, vài tiếng một lần, trong vòng vài ngày, và trường hoàn toàn có thể điều chỉnh thoải mái.
Trước khi đưa lên Bộ các trường sẽ có vài ngày để lọc trong nhóm như vậy. Hệ thống sẽ như chuyên gia hỗ trợ, bảo đảm nguyên tắc thí sinh đã trúng tuyển một trường thì không trúng tuyển trường khác nữa, còn các trường tự quyết định theo yêu cầu của mình.
Khi xét tuyển bằng phần mềm của Bộ GD&ĐT vẫn thực hiện tương tư như vậy và các trường vẫn được tự chỉnh sửa để làm sao sát với chỉ tiêu của trường mình nhất.