06/10/2017 | 19:17

Lớp “con nhà giàu” trong trường học

Xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh để cho con được học trong môi trường “khác biệt” và sự chấp nhận của nhà trường, không ít lớp học “con nhà giàu” tồn tại ngay trong trường công lập.

Lớp “VIP” xuất hiện trong trường công lập không phải là chuyện bây giờ mới có, đã có nhiều năm nay. Cho dù dư luận, các chuyên gia giáo dục có nhiều ý kiến phản đối không nên tồn tại lớp “VIP” này nhưng thực tế ngày càng nhiều lớp học như vậy xuất hiện trong trường học với nhiều mức độ khác nhau.

Tại TPHCM, nhiều năm nay đã có nhiều tiếng xầm xì về những lớp “đẳng cấp” tại một số trường học điểm. Có lớp học như “ốc đảo” thật sự với thiết kế, vật dụng, trang thiết bị... khác biệt với toàn trường bởi chính sự đóng góp của phụ huynh. Mà mức đầu tư có những lớp có thể lên đến hàng trăm triệu đồng.

 

Đề xuất đóng tiền lót sàn gỗ trong lớp của Ban đại diện cho mẹ học sinh ở TPHCM bị phản ứng

Đề xuất đóng tiền lót sàn gỗ trong lớp của Ban đại diện cho mẹ học sinh ở TPHCM bị phản ứng

 

Chưa kể, ở một số lớp VIP phụ huynh còn có chế độ riêng như thuê thêm lao công, bảo mẫu để phục vục các em, giáo viên phụ trách lớp cũng có những “ưu tiên” đặc biệt...

Đầu năm học này, nhiều phụ huynh lớp 1/7 của Trường tiểu học Lê Văn Sĩ (Q.Tân Bình, TPHCM) bức xúc khi phải đóng trên cả trăm triệu đồng để “hóa phép” cho lớp học của con theo kêu gọi của Ban đại diện phụ huynh. Ban đầu, Ban đại diện đề xuất lắp máy lạnh, sơn tường... Trong quá trình thực hiện, công trình tiếp tục được “nâng cấp” lót lại sàn gạch, mua tivi, kệ tủ, thay công tơ điện riêng và đặc biệt thay vì sữa lại bàn ghế như kế hoạch ban đầu thì lại thay mới toàn bộ.

Như vậy có thể thấy, với sự “chịu chơi” của phụ huynh, lớp học VIP nghiễm nhiên được thực hiện trong trường học. Nhiều phụ huynh bức xúc không chỉ vì phải đóng một khoản tiền không nhỏ mà còn lo ngại xây dựng một lớp học khác biệt trong điều kiện chung của nhà trường làm mất công bằng giáo dục giữa các lớp, giữa các học sinh.

Ở không ít trường học nở rộ phong trào phụ huynh đứng ra “hiện đại hóa” lớp học với tivi, máy chiếu, máy lạnh, lót sàn gỗ, rèm cửa như khách sạn nhiều sao... Đẹp hơn, sang hơn, cao cấp hơn nhưng trở nên lố bịch và phản cảm không chỉ về mặt kỹ thuật trong điều kiện tổng thể của trường trường học mà còn về mặt tinh thần giáo dục.

Con học trường công lập, nơi hoạt động bằng ngân sách nhà nước, nhất là ở bậc tiểu học là phổ cập thì việc học sinh chấp nhận điều kiện thụ hưởng như nhau là việc hiển nhiên. Nhiều phụ huynh không hiểu hoặc cố tình không hiểu, họ có tiền nên muốn “lót bông giữa sỏi đá” cho con đi, muốn con có điều kiện khác.

Vậy nhưng, nhiều lãnh đạo nhà trường lại “tiếp tay” cho sự bất bình đẳng ngay trong môi trường giáo dục với lý lẽ, phụ huynh tự nguyện, phụ huynh đề xuất...

Lớp “VIP” trong trường không chỉ tạo sự lệch pha giữa lớp này lớp nọ mà nhiều khi khổ nhất chính là người trong “cuộc chơi”. Rơi vào lớp con nhà giàu, quay theo vòng xoay “con mình khác người” không ít phụ huynh mệt mỏi vì không phải ai cũng có điều kiện để “tự nguyện” hoặc do quan điểm giáo dục khác. Nhưng nếu từ chối tham gia thì muốn hay không con họ cũng mang tiếng “dùng chùa” bởi sự đóng góp của các phụ huynh khác.

 

Lớp học Tiếng Anh ở Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, Q.1, TPHCM (Ảnh minh họa)

Lớp học Tiếng Anh ở Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, Q.1, TPHCM (Ảnh minh họa)

 

Ở nhiều trường, đồng phục được “tận dụng”một cách triệt để, không chỉ ở quần áo mà còn đồng phục ở cặp sách, giày dép, thậm chí cả bìa sách, hộp bút. Nhiều gia đình hết sức khổ sở vì đồng phục biến tướng nhưng các trường luôn bám vào tinh thần đồng phục nhằm tránh phân biệt giàu nghèo, để tạo sự bình đẳng trong môi trường học đường... Vậy nhưng một mặt, nhiều ban giám hiệu lại “mở đường” cho sự bất bình đẳng, phân biệt giàu nghèo bằng những lớp học “con nhà giàu” trong trường công.

Thầy Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM chia sẻ, việc tồn tại lớp học VIP trong trường công lập là điều không nên, nó gây phản cảm và phản giáo dục. Bên ngoài nhà trường, các em có điều kiện sống khác nhau nhưng đã vào trường học thì cần chấp nhận điều kiện chung cơ bản. Nếu không sẽ khó tránh điều tiếng “hóa công thành tư” cũng như ảnh hưởng không tốt đến việc giáo dục sự bình đẳng, công bằng cho trẻ nhỏ.

Một nhà giáo khác cũng bày tỏ, nhiều phụ huynh nghĩ mình có tiền nên con mình cần có điều kiện khác. Mong muốn này là nhu cầu bình thường nhưng vô tình có thể tạo cho các em tâm lý "mình có tiền mình có quyền" ngay trong môi trường giáo dục bình đẳng, công bằng. Và trách nhiệm của việc “nói không” với các lớp con nhà giàu trong trường học thuộc về hiệu trưởng.

Hoài Nam

Khảo sát ý kiến khách hàng

Theo bạn, Việt Nam nên học mô hình giáo dục của nước nào?

Mỹ
Trung Quốc
Singapore
Nga
Không nước nào

Mã xác thực