30/09/2017 | 13:29

Viết kiểm điểm chỉ tốn thời gian chứ chẳng tác dụng gì...

Sau phản ánh về các hình thức kỷ luật mà giáo viên áp dụng với học sinh vi phạm nội quy tại Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), nhiều học sinh, cựu học sinh của trường và ngoài trường đã chia sẻ về áp lực khi chịu phạt trên lớp.

Những hình phạt "đáng sợ" nhưng không tác dụng...

Chị Thu Trang, tốt nghiệp phổ thông cách đây 10 năm, kể lại câu chuyện của mình: “Tôi thuộc dạng con ngoan trò giỏi suốt thời đi học, nhưng vẫn có 2 lần bị phạt. Tôi nhớ một lần bị phạt dọn nhà vệ sinh do điểm kiểm tra miệng dưới trung bình, không phải cô giáo bộ môn phạt, mà là quy định do cô chủ nhiệm đặt ra vì làm ảnh hưởng đến thành tích của lớp. Một lần bị phạt đi nhổ cổ vườn hoa vì tội không sơ vin”.

Trường THPT Lương Thế Vinh , Trường Lương Thế Vinh, giáo viên, học sinh
(Ảnh biếm họa: Kênh 14)

“Cả hai lần tôi đều sốc và rất xấu hổ, bởi với tôi bị phạt là cái gì đó rất kinh khủng, vì tôi nổi tiếng ngoan ngoãn, học lực thuộc nhóm đầu của lớp. 

Sau này nghĩ lại, tôi thấy việc bị phạt vì điểm kém thực sự là không có tính giáo dục. Vì tôi không phải nhóm lười biếng, không chịu học bài mà đơn giản là tôi không hiểu bài và trả lời bài kiểm tra miệng không tốt. Nhưng chẳng ai quan tâm đến việc tại sao tôi không thuộc bài, hay giúp tôi hiểu bài học đó, mà chỉ quan tâm đến kết quả là điểm của tôi thấp” - chị Trang nói.

Chị Thu Phương, một cựu học sinh ở Hà Nội, chia sẻ thời phổ thông, có vài lần phải viết bản kiểm điểm, nhưng chị thấy như vậy chỉ thấy tốn thời gian mà chẳng có tác dụng gì. 

"Có chăng là sợ bố mẹ biết thì đánh, nên sinh ra suy nghĩ muốn giả mạo chữ ký. Cuối cùng, viết bản kiểm điểm không khiến mình ngoan hơn mà còn hư đi" - chị Phương bình luận và cho rằng bản kiểm điểm có chăng "chỉ phù hợp với học sinh ngày xưa thôi"...

Còn với học sinh ngày nay, như Dương Bình, HS lớp 11A, Trường THPT N.H.H (Quận Thủ Đức, TP.HCM) cho rằng nhiều học sinh ngoan nếu bị phạt lần đầu rất sợ bố mẹ sẽ biết, và có tâm lý xấu hổ với bạn bè, nên khi phạt thường khóc lóc. Nhưng "khi "tiền sử" mất ngoan thì bị phạt thêm không vấn đề gì".

Bình kể rằng ở trường em học sinh nào vi phạm các lỗi như nói chuyện trong lớp, xả rác không đúng quy định, không làm bài tập về nhà, đánh nhau trong lớp, hỗn với giáo viên... đều bị phạt.

"Tuy nhiên, các bạn cũng biết cách lách để không bị phạt nặng như ghi sổ đầu bài hoặc gặp phụ huynh" - Bình cho biết. 

Nguyễn Thị Ngọc Ánh, học sinh lớp 11 một trường THPT ở Hải Phòng, chưa bao giờ bị thầy cô phạt hay phải viết bản kiểm điểm, nhưng các bạn em thì có. Theo Ánh, "em thấy những hình phạt này không có tác dụng với cả những bạn có ý thức và chưa có ý thức học tập".

Ánh nhận xét: “Những bạn bị phạt thường thuộc 2 loại, một là học lực ở môn học nào đó quá kém, điểm thi thấp, hai là vi phạm nội quy như đi học muộn, nói chuyện riêng trong lớp… 

Với những bạn học lực kém, em cho rằng thầy cô nên tìm cách cụ thể giúp các bạn ấy tiến bộ, chứ không phải dùng phụ huynh như một sự đe dọa để các bạn phải học. Nhiều bạn cũng rất muốn học nhưng bị hổng kiến thức từ trước, chưa có cách học hiệu quả, dẫn đến kết quả kém. 

Còn với những bạn vi phạm nội quy, đôi khi các bạn muộn học 1, 2 buổi do ngủ quên hay lý do gì đó thì em nghĩ phạt cũng được, nhưng thầy cô không nên làm cho nó trở nên quá nặng nề, đánh giá đến ý thức, nhân cách của học sinh, khiến các bạn tổn thương, xấu hổ với mọi người. 

Thậm chí, khi thầy cô mắng nhiếc nặng nề các bạn trước cả lớp cũng khiến các bạn bị ảnh hưởng tâm lý, từ đó lại gây tác dụng ngược tới việc học hành”...

... Hay đòn đau nhớ lâu?

Dù nhiều năm trôi qua, anh Minh (một cựu học sinh ở Nghệ An) vẫn chưa quên được hình phạt mà anh cảm thấy khủng khiếp nhất là bị thầy chủ nhiệm xé áo. Dù bây giờ, câu chuyện này với anh như một kỷ niệm của thời học trò nghịch ngợm.

"Trường tôi yêu cầu cả nam và nữ đều phải sơvin. Một số bạn nữ chống đối bằng việc may áo bo chân. Còn con trai chúng tôi dù mặc áo gì cũng phải sơvin. Tôi thấy việc này bó buộc quá nên nhiều lúc không làm, nên đôi lần bị cờ đỏ trừ điểm. Một lần tôi quên sơvin, thầy chủ nhiệm gọi lại, cầm áo tôi xé từ dưới lên trên. Tôi rất hoảng nhưng lúc đó cũng chỉ cười" - anh Minh kể.

Theo anh Minh, hiện nay nhiều giáo viên phạt học trò bằng những biện pháp như úp mặt vào tường, chép phạt, viết bản kiểm điểm là không hợp lý. Điều này chỉ làm học sinh sợ trước mắt và đôi lúc có tác dụng ngược. 

"Dù phạt gì thì giáo viên cũng phải cho học sinh tâm phục khẩu phục trước đã. Khi đó, hình phạt mới có ý nghĩa" - anh Minh bình luận.

Trở lại với câu chuyện kỷ luật của Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), nhiều cựu sinh viên kể rằng bản thân họ từng bị phạt bởi trường rất nghiêm.

Anh Nguyễn Tùng, khóa 2006-2009, tiết lộ về những năm học cấp ba tại trường này: Năm lớp 10 "yên ổn" dù chủ nhiệm lớp là một giáo viên rất nghiêm khắc, nhưng sang lớp 11 và 12 thì từng bị phạt.

"Năm lớp 11, tôi có thái độ không đúng với cô Hoà dạy Sử. Năm lớp 12, tôi từng trốn tiết Văn đi chơi điện tử. Lúc đó, tôi phải lên văn phòng trường viết bản kiểm điểm, bị đình chỉ học một tuần. Điều khiên tôi bất ngờ là hết một tuần, trở lại học, tôi không bị trù ghét mà thậm chí còn luôn được giáo viên tạo điều kiện để gỡ lại điểm” - anh Tùng kể.

Trường THPT Lương Thế Vinh , Trường Lương Thế Vinh, giáo viên, học sinh
(Ảnh: Đinh Quang Tuấn)

Anh Tùng cho biết trước đây từng nghĩ việc bị kỉ luật như thế là nặng, nhưng sau này lại cảm thấy rất hối hận vì lỗi của mình.

Còn anh Nguyễn Dũng, từng học khoá 2005-2008, kể rằng lớp của anh rất nghịch. Cả lớp từng trốn học đi đá bóng, chơi trò ném bánh kem ra lớp, trốn học đi tập văn nghệ, đi học muộn... nên chuyện bị phạt là bình thường. 

 

“Tôi thấy chuyện học sinh bị kỷ luật là một... thương hiệu của Trường THPT Lương Thế Vinh. Nhà trường áp dụng các biện pháp kỷ luật “thép” như đuổi học, gọi phụ huynh tới trường. Có giáo viên nghiêm khắc, có giáo viên không nghiêm khắc, nhưng đa phần đều dạy tốt” – anh Dũng nói.

Theo anh Dũng, dù trường rất nghiêm khắc nhưng nếu học sinh tuân thủ đúng nội quy thì mọi việc lại rất bình thường. 

"Mặt khác, đây cũng trường tư thục và có điểm đầu vào rất cao, nên thực tế trường không cần học sinh lắm. Vì vậy, học sinh làm sai bị phạt hay chuyển trường là bình thường" - anh Dũng nhìn nhận. 

Cựu học sinh này đưa ra quan điểm: "Học sinh hiện nay được gia đình bao bọc kỹ quá, nên khi bị phạt hay kỷ luật sẽ thấy sự việc rất lớn. Lúc tôi còn bé, nếu phạm lỗi bố mẹ còn mang chổi ra vụt. Tôi cũng giận bố mẹ, nhưng sau này mới thấm đòn đau nhớ lâu”.  

Tuy nhiên, anh Dũng cũng cho rằng "trong từng trường hợp, phụ huynh và học sinh nên thông cảm cho thầy cô, vì thầy cô cũng phải lo cơm áo gạo tiền. Còn nếu thầy cô thực lòng quan tâm, thì nên tìm hiểu nguyên nhân để đưa ra hình thức kỷ luật phù hợp, tránh việc không tìm hiểu nguyên nhân mà cứ sai là phạt”

Khảo sát ý kiến khách hàng

Theo bạn, Việt Nam nên học mô hình giáo dục của nước nào?

Mỹ
Trung Quốc
Singapore
Nga
Không nước nào

Mã xác thực