02/10/2017 | 19:33

Tôi hi vọng Chính phủ sẽ chấp nhận ý kiến của Bộ Giáo dục

Nguyên tư lệnh ngành giáo dục đồng tình với phương án của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xin giãn thời gian thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Thông tin với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cho hay:

Căn cứ ý kiến của các chuyên gia, các địa phương và tình hình cụ thể biên soạn chương trình mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản báo cáo Chính phủ xin giãn tiến độ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới 1 năm.

Như vậy sẽ có thời gian để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho việc xây dựng, biên soạn, thẩm định, thực nghiệm chương trình, sách giáo khoa mới cũng như các điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất - kỹ thuật thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Việc giãn tiến độ 1 năm cũng tạo điều kiện để nhiều tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa, góp phần thực hiện tốt chủ trương một chương trình nhiều sách giáo khoa…

Đánh giá về lộ trình thực hiện chương trình mới này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục đồng tình với phương án của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xin giãn thời gian thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới để có thêm thời gian chuẩn bị. 

Giáo sư Phạm Minh Hạc đồng tình với phương án của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xin giãn thời gian thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. (Ảnh: Báo Phụ nữ Việt Nam)

Bộ Giáo dục và Đào tạo làm như thế là rất hợp lý và đúng đắn vì làm giáo dục là phải tính đến chất lượng chứ không phải chạy theo số lượng, chạy theo thời gian.

Tôi hi vọng và mong rằng Chính phủ sẽ chấp nhận ý kiến này của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, Giáo sư Hạc kỳ vọng. 

Nguyên tư lệnh ngành giáo dục chia sẻ, đây là một sự đổi mới tổng thể, toàn diện và căn bản tức là đưa hệ thống giáo dục vào một giai đoạn mới. 

Do đó ngay từ lúc này khối trường sư phạm đặc biệt là các trường đại học sư phạm cần ngay lập tức bắt tay vào việc xây dựng chương trình đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới một cách quyết liệt, tích cực hơn nữa. Rõ ràng, đây là việc làm đại sự của đất nước vì vậy cần phải làm hết sức cẩn thận, không thể vội vàng được. 

Giáo sư Phạm Minh Hạc cho hay, rút kinh nghiệm từ những lần thay đổi chương trình trước đây thì việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên cần phải được tiến hành sớm đặc biệt khi chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều nội dung, phương pháp mới.


Các trường sư phạm cần tiến hành song song với quá trình làm chương trình bộ môn, biên soạn sách giáo khoa của Ban xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới chứ không thể chờ đợi có chương trình bộ môn, sách giáo khoa rồi mới xây dựng chương trình đào tạo”, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục nhắn nhủ. 

Trước đó, ngày 21/8, tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 của ngành giáo dục được kết nối cùng 63 tỉnh thành, nhiều địa phương đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo lùi thời gian triển khai chương trình giáo dục phổ thông tổng thể một năm, thay vì áp dụng từ năm học 2018 -2019 như kế hoạch.

Theo đó, bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, thông tin chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được làm bài bản, có lộ trình nhưng các địa phương sẽ gặp khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất.


Theo đó, người đứng đầu ngành giáo dục Nghệ An đề nghị lùi thời gian áp dụng chương trình mới để đạt hiệu quả tốt hơn.Cụ thể ở Nghệ An, cơ sở vật chất và giáo viên ở vùng cao còn nhiều hạn chế.


Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Văn Hùng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, cũng cho rằng lộ trình thực hiện năm học 2018-2019 hơi gấp. Việc lùi lại thời gian thực hiện cần thiết để Sở triển khai bồi dưỡng giáo viên…

Trước ý kiến của một số địa phương về việc xin lùi thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành từ lâu, các địa phương đều đã có thời gian chuẩn bị vì thế cần khẩn trương, tích cực hơn nữa.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, đổi mới là làm một lần để áp dụng cho nhiều năm vì vậy chất lượng là trên hết.

Trong quá trình chuẩn bị, nếu thấy chưa đảm bảo về chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể đề nghị với Chính phủ, Quốc hội để xin lùi thời điểm thực hiện nhưng quan trọng nhất là phải đưa được tinh thần đổi mới vào ngay từ bây giờ.

Tại hội nghị đó, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội cũng lưu ý vấn đề triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Một lần làm là một lần khó. Chúng ta phải chuẩn bị chương trình, phương pháp, thầy cô, chuẩn bị điều kiện cơ sở cũng là điều rất thử thách. Chúng ta phải làm thật chậm, kỹ càng và trọn vẹn, không thể tiếp tục triển khai, đổi mới và sửa sai”, ông Phan Thanh Bình nhấn mạnh. 

Thùy Linh

Khảo sát ý kiến khách hàng

Theo bạn, Việt Nam nên học mô hình giáo dục của nước nào?

Mỹ
Trung Quốc
Singapore
Nga
Không nước nào

Mã xác thực