23/09/2017 | 18:10

Trăn trở của một giáo viên về nghề 'gõ đầu trẻ'

Có ai muốn ngày đi làm tối về dạy thêm? Chẳng ai muốn cả, nhưng phải dạy để có tiền lo cho con học hành, lo đám cưới đám ma…

Độc giả Thanh Y chia sẻ những áp lực của nghề giáo, khi đồng lương thấp, nhiều học sinh lười và hư... 

Ngày xưa khi nghề giáo còn được coi trọng, khi việc học để có thêm kiến thức được xem trọng thì giáo viên được xã hội tôn trọng. Đi đâu người ta cũng kính cẩn gọi một câu thầy, hai câu thầy.

Tôi còn nhớ hồi học lớp 3 vào năm 1993. Sau khi học buổi sáng thì buổi chiều gần như cả lớp kéo đến nhà cô học thêm. Gọi là học thêm nhưng chẳng có lớp. Đứa nào tiện đâu ngồi đó làm bài rồi cô giáo đến tận nơi kiểm tra, hướng dẫn. Vừa học vừa chơi thật là vui. Những bạn nào nhà khá giả thì cuối kỳ nộp cho cô vài nghìn, đứa nào khó khăn cô cho luôn, có khi còn cho thêm vở để viết.

Ngày đó bạn nào học kém, lười học bị cô quật cho sưng mông nhưng không dám hỗn. Về nhà bố mẹ thấy “lươn” hỏi ra lười học, bị cô đánh có khi còn đánh thêm cho vài roi. Để rồi đứa nào cũng sợ cô một phép nhưng đều học tốt lên, ngoan lên. Các lớp sau đó cũng vậy. Ai cũng quý cô giáo dù cô dữ hay hiền. Mỗi khi Tết đến hay 20/11 lại góp tiền mua chút quà như bộ ấm chén, hộp bánh đến nhà cô chúc Tết, nghĩ lại thật vui.

Tran tro cua mot giao vien ve nghe 'go dau tre'

Nhưng ngày nay thì sao? Học sinh đâu còn được như ngày xưa nữa. Lười học, nói chuyện trong lớp bị cô đánh cho vài roi là về mách mẹ, mách bố hoặc quay clip để rồi xã hội "ném đá" không thương tiếc. Các bạn có một hai đứa con hư ở nhà đã muốn điên lên, đằng này thầy cô mỗi lớp 40-50 em, chỉ cần 4-5 em mất trật tự, nô đùa, hỗn láo thôi thì đôi khi đòn roi cũng là biện pháp đưa các em vào khuôn khổ.

Đúng là chẳng luật nào cho phép thầy cô đánh học sinh, chẳng có phương pháp giáo dục nào nói đánh là tốt. Nhưng giữa sách vở và thực tế khác nhau xa lắm. Tôi đã đọc rất nhiều ý kiến, nhiều bạn thuộc thế hệ 7x, 8x, đầu 9x nói từng bị cô giáo cho ăn roi và cảm ơn cô vì những cái roi đó. Nhưng có nhiều người phản đối, lời lẽ gay gắt, không chỉ phụ huynh mà cả giáo viên. Có những thầy cô nói đi dạy cả đời chưa bao giờ đánh học sinh một roi nào.

Tôi cũng nghĩ đánh học sinh vài roi không phải việc hay. Nhưng xin thưa với phụ huynh và giáo viên ấy rằng các vị dạy trong trường chuyên lớp chọn, trong ngôi trường công lập có tiếng với điểm đầu vào cao chót vót, dạy những học sinh phải chọi với mấy chục em khác để vào được trường. Các em này vốn đã học tốt lại ngoan nên trong lớp ý thức tốt, chăm chỉ học tập, vậy thì cần gì dùng đòn roi.

Nhưng các vị hãy thử một tuần về trường tư thục, bán công, các trung tâm giáo dục thường xuyên hay những trường công không có tiếng, sẽ thấy giáo dục kiến thức đã mệt rồi, nhưng giáo dục đạo đức còn mệt hơn nhiều lần. Một lớp học có khi quá nửa học sinh cá biệt, hạnh kiểm trung bình sau khi trượt các trường công lập thì vào học.

Các thầy cô cũng chẳng phải vị thánh. Họ cũng có hỉ, nộ, ái, ố, chỉ là những con người bình thường được đào tạo nghiệp vụ sư phạm để đứng trên bục giảng thôi. Vậy nên trong môi trường học sinh như vậy, nếu họ có không kìm chế được, vụt em nào vài roi thì cũng xin nhìn bằng con mắt thông cảm. Đương nhiên tôi vẫn phản đối việc giáo dục bằng roi nhưng đôi khi vài roi vô hại vào mông lại có thể cứu vãn tương lai một học sinh.

Tôi cũng đọc khá nhiều ý kiến bình luận về việc dạy thêm của giáo viên? Nhiều người nói thầy cô chỉ lợi dụng để thu tiền học sinh. Dạy thêm để mua xe hơi, xây nhà lầu, đi xe ga đắt tiền, mua quần áo hàng hiệu... Vậy tôi xin hỏi cả nước có bao nhiêu thầy cô dạy thêm mà tậu nhà lầu, xe hơi? Số đó ít lắm các bạn à. 10 giáo viên tôi biết thì chỉ 1-2 người dạy thêm giúp kinh tế khá hơn thôi, chứ để xây được nhà lầu, xe hơi thì rất rất ít.

Có bao nhiêu thầy cô bắt ép học sinh học thêm? Không nhiều lắm đâu. Số giáo viên ép học sinh học thêm để thu tiền, rồi học sinh không học thêm bị giáo viên đì ít lắm. Đó chỉ là một số rất rất ít những “con sâu” làm mất hình ảnh ngành giáo dục thôi. Số còn lại dạy vì học sinh, để học sinh có thêm kiến thức bước vào các kỳ thi chuyển cấp, thi đại học...

Quay lại vấn đề tại sao thầy cô phải dạy thêm - dạy thêm chân chính? Có ai muốn ngày đi làm tối về dạy thêm hay không? Chắc chẳng ai muốn cả, nhưng có những thầy cô dạy thêm vì được học sinh, phụ huynh gửi gắm niềm tin, có thầy cô vì cơm áo, gạo tiền mà ngày dạy trên trường tối lại về dạy thêm, khuya thì soạn bài, chấm bài. Các thầy cô cũng có gia đình, cũng phải ăn, phải mặc, phải xây nhà xây cửa, phải lo cho con học hành, lo tiền đám cưới đám ma, tiền quan hệ xã hội… trong khi đồng lương ít ỏi, có khi ít hơn cả lương công nhân.

Nhiều người lại bảo sao không bỏ đi làm công nhân đi. Xin đừng nói như vậy vì đó là cái nghiệp đã chọn, cái nghề đã yêu. Các thầy cô dạy thêm cũng góp phần nâng cao kiến thức cho các em. Truyền thụ kiến thức là điều tốt thì ai cũng biết. Ấy vậy mà người ta coi khinh công việc dạy thêm đó, người ta “săn lùng” các thầy cô dạy thêm để kỷ luật. Tại sao các ngành nghề khác làm thêm thì được mà giáo dục lại không thể làm thêm trong khi không vi phạm pháp luật?

Có lẽ đến đây nhiều người sẽ nói tôi nói quá, cổ vũ cho phong trào dạy thêm. Không, tôi không cổ vũ, nhưng nghề giáo trong mắt xã hội thực sự không còn cao quý nữa. Người ta luôn nghĩ giáo viên phải là hình mẫu hoàn hảo, không được phép lệch khỏi những điều họ nghĩ. Nhưng họ lại chẳng coi trọng, chẳng cho con cái thi sư phạm vì lương thấp. Họ không cho con cái lấy giáo viên vì nghĩ vất vả, lương ít thì bao giờ mới khá lên được.

Như vậy cuối cùng ai cũng nghĩ đến đó là đồng tiền để rồi đầu vào đại học sư phạm chỉ là 15 điểm, cao đẳng là 9 điểm… Vài năm sau thế hệ này dạy con họ, họ lại mắng dạy dốt. Biết sao cho vừa lòng đây? Vậy là trong mắt xã hội hiện nay giáo viên đâu còn cao quý đâu. Chỉ là một nghề mà cũng sào mới phải vào. Cao quý chỉ là câu nói động viên nhau mỗi dịp 20/11 mà thôi.

Theo Vnexpress

Khảo sát ý kiến khách hàng

Theo bạn, Việt Nam nên học mô hình giáo dục của nước nào?

Mỹ
Trung Quốc
Singapore
Nga
Không nước nào

Mã xác thực