Nhà Tuyển Dụng Muốn Gì Ở CV Của Bạn?
Mục tiêu cụ thể
Điều đầu tiên để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng đó là một mục tiêu nghề nghiệp cụ thể. Nhà tuyển dụng muốn biết chắc định hướng việc làm trong tương lai để thấy những mong muốn, khả năng cầu tiến và hoạch định của bạn. Cách nhanh nhất để giúp nhà tuyển dụng nắm bắt được mục tiêu nghề nghiệp của bạn là chính là tập trung vào những thành tựu, kỹ năng, kiến thức mà bạn mong muốn đạt được trong quá trình làm việc hay những vị trí nhất định. Và những mục tiêu này phải có khả năng định lượng cũng như tính khả thi. Ngoài ra, hãy chắc chắn rằng bạn dành nhiều tâm sức để viết phần này thật ấn tượng vì nếu không sẽ vừa chẳng giúp ích gì cho bạn trong việc thu hút nhà tuyển dụng, mà còn làm cho CV thêm dài dòng.
Sắp xếp các mục theo đúng trật tự quan tâm
Thực tế cho thấy các nhà tuyển dụng chỉ dành 20 giây để nhìn vào bản CV của bạn. Họ không có nhiều thời gian để tìm hiểu hết những gì được thể hiện trong CV. Vì thế, để tạo ấn tượng với người đọc, bạn nên sắp xếp các nội dung quan trọng và nổi bật lên trên. Theo một nghiên cứu trên thế giới thì trong 6 giây đầu tiên khi nhìn vào CV, nhà tuyển dụng chú ý rất nhiều đến phần tên, chức danh, thời gian làm việc của bạn ở công ty trước đó; sau nữa là quan tâm đến định hướng công việc, học vấn và các kỹ năng của bạn. Điều sẽ giúp nhà tuyển dụng dễ dàng nắm bắt nhanh, chính xác những ý bạn muốn trình bày, cũng đồng nghĩa với việc CV của bạn sẽ có nhiều cơ hội lọt vào vòng phỏng vấn hơn.
Kinh nghiệm các công việc dài hạn
Kinh nghiệm làm việc chính là mục đầu tiên thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng. Đó không chỉ là nhân tố lớn nhất xác định bạn có phù hợp với vị trí họ đang tuyển hay không mà còn là điều mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm ở một ứng viên. Chính vì vậy, nhà tuyển dụng dành nhiều thời gian để xem xét phần này hơn bất kỳ một phần nào khác trong CV của bạn. Bất kể bạn tìm cách gây ấn tượng thế nào về bản CV của mình cần phải tuân thủ một nguyên tắc: không nói dối về khả năng của mình, bởi vì nhà tuyển dụng sẽ có ấn tượng xấu khi phát hiện ra bạn đang cố tô vẽ bản thân. Các nhà tư vấn tuyển dụng khuyên bạn rằng hãy để cho nhà tuyển dụng có cảm giác chân thực khi đọc phần nói về lịch sử và kinh nghiệm làm việc. Hãy bắt đầu với công việc gần nhất của mình, tiếp sau đó là những công việc khác với thứ tự thời gian đảo ngược.
Bên cạnh đó, nhà tuyển dụng cũng quan tâm đến các khoảng trống cũng như các công việc ngắn hạn của bạn qua CV. Nếu bạn có một lịch sử nhảy việc sau khi làm chỉ một thời gian ngắn thì chắc chắn các nhà tuyển dụng sẽ đặt câu hỏi liệu bạn có phải là người quá dễ chán, không có quyết tâm hay không đủ khả năng cho công việc.
Không mắc lỗi trình bày, ngữ pháp chính tả
Chưa có sự thống nhất về cách trình bày trong toàn văn bản, không có trọng tâm, quy cách trình bày văn bản xấu, sai lỗi chính tả là những lỗi có thể khiến CV của bạn bị loại ngay lập tức, bởi những lỗi này truyền tải tới nhà tuyển dụng thông điệp rằng, bạn không chú ý tới chi tiết. Có một nghiên cứu cho thấy có đến hơn 50% CV đều gặp phải lỗi chính tả hoặc ngữ pháp, nhất là các hồ sơ tiếng Anh. Nếu không cẩn thận, bạn sẽ không còn cơ hội nào khác để tạo ấn tượng ban đầu tốt với các nhà tuyển dụng. Chính vì thế hãy thận trọng và kiểm tra kỹ càng những gì bạn viết trước khi gửi đi, nếu không bạn có thể mất điểm nặng vì sai lầm không đáng có này. Hãy chứng tỏ sự chuyên nghiệp và ấn tượng thông qua chính hồ sơ xin việc của mình.
Lối diễn đạt
Một trong những lỗi căn bản mà hầu hết các CV mắc phải đó chính là lỗi diễn đạt kém và bộc lộ rõ khuyết điểm bản thân. Khi đọc một bản CV mà mong muốn về công việc không rõ ràng, lủng củng trong lối hành văn, nội dung hồ sơ không chân thật, được đánh bóng một cách quá tay và chưa biết cách sắp xếp nội dung một cách hợp lý thì sẽ khiến nhà tuyển dụng thiếu tin tưởng. Ngay cả đối với những công việc không đòi hỏi kỹ năng viết lách hoàn hảo, nhà tuyển dụng vẫn muốn bạn là một người có khả năng diễn đạt tốt. Nếu bạn không viết rõ ràng và súc tích, nhà tuyển dụng sẽ lo ngại về năng lực của bạn trong công việc.
Kỹ năng
Phần kỹ năng có thể giúp bạn nhấn mạnh lợi thế như một ứng viên tiềm năng. Vì vậy, hãy đưa ra các kỹ năng/phẩm chất gần sát với yêu cầu của công việc mà bạn đang ứng tuyển, nhấn mạnh những kỹ năng/phẩm chất cơ bản/nổi bật. Có những kỹ năng mà nhà tuyển dụng đặc biệt đánh giá cao như kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, tổ chức và lắng nghe. Hãy khéo léo lồng góp những điều này vào CV của bạn mà vẫn tạo cảm giác chân thực.
Ngoài ra, Các nhà tuyển dụng thường khó chịu khi đọc trong hồ sơ xin việc thấy những từ quá văn vẻ vì nó tạo cảm giác sáo rỗng và tô vẽ. Bạn nên viết thật đơn giản để nhà tuyển dụng có thể nhận biết một cách dễ dàng tài năng của bạn và thật rõ ràng về những gì bạn có thể cống hiến được cho công ty của họ.
Văn bằng và chứng chỉ
Dù nhà tuyển dụng chưa biết ngoại hình, khuôn mặt của bạn như thế nào cũng như khả năng làm việc của bạn, nhưng căn cứ vào trình độ học vấn của bạn qua CV đủ để lại ấn tượng cho nhà tuyển dụng. Nhà tuyển dụng cần biết về trình độ và bằng cấp của bạn, đặc biệt là các chứng chỉ bổ sung bên cạnh bằng cấp như chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ. Để từ đó xem xét sự phù hợp và khả năng làm việc của bạn trong công ty.
Trong thời buổi hiện nay, ngoài việc đối đầu với các đối thủ nặng ký thì bạn cần phải hiểu được mong muốn của nhà tuyển dụng qua CV của mình.