Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2017: Khó cho các trường trong tỉnh
Không nhất thiết là đại học
Từ năm 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chính sách ưu tiên tuyển thẳng đối với thí sinh là người dân tộc thiểu số, có hộ khẩu thường trú tại các huyện nghèo. Đây là một chủ trương lớn mang tính nhân văn sâu sắc nhằm mục tiêu chính là phát triển nguồn nhân lực nhằm đảm bảo kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Tại tỉnh ta, với 3 huyện nghèo là Tương Dương, Quế Phong, Kỳ Sơn, dự kiến mỗi năm sẽ có gần 2.000 học sinh lớp 12 tốt nghiệp THPT và có thể tuyển thẳng vào các trường đại học. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, học sinh không mấy hứng thú với chính sách này dù quyền lợi cho các em là rất lớn.
Ở Trường THPT huyện Quế Phong, năm học trước, toàn trường chỉ có 125/372 em đăng ký xét tuyển vào các trường đại học. Năm nay, số học sinh thi để lấy bằng tốt nghiệp có xu hướng tăng lên và chiếm gần 70% tổng số học sinh của trường. Theo cô giáo Từ Thị Vân - Phó Hiệu trưởng nhà trường: Mặc dù chính sách rất “mở” và tạo nhiều thuận lợi cho học sinh nhưng các em vẫn còn nhiều lưỡng lự bởi lo ngại học xong không có việc làm.
Về phía nhà trường, trong quá trình định hướng phân luồng cho học sinh cũng không nặng nề việc phải có thành tích cao. Điều quan trọng là hướng cho các em lựa chọn những ngành nghề mà địa phương đang cần, phù hợp với năng lực, trình độ và hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của gia đình.
Ngay ở các huyện đồng bằng, quan điểm về học đại học cũng đã có nhiều thay đổi. Lớp 12 A3, Trường THPT Lê Hồng Phong (Hưng Nguyên) là một trong những lớp theo khối tự nhiên và được đánh giá là chất lượng khá đồng đều. Thế nhưng, trong năm học này, qua khảo sát có đến 16/36 học sinh không tham gia thi xét tuyển vào đại học mà chọn học nghề, đi làm hoặc dự kiến đi du học, đi xuất khẩu lao động.Tại Trường THPT Kỳ Sơn, dự kiến tỷ lệ học sinh đăng ký để xét tốt nghiệp trong năm học này cũng xấp xỉ 80%. Em Xà Bá Trừ (lớp 12K, ở bản Thâm Thỉn, xã Nậm Càn) cho biết: “Em không biết sau khi ra trường sẽ xin việc ở đâu. Em chỉ muốn tốt nghiệp xong là có nghề, đi làm có lương ngay".
Như em Hồ Thị Mạnh Kiên, dù là một trong những học sinh khá của lớp nhưng hiện tại Kiên đã quyết định sẽ không thi đại học. Ngược lại, em vừa đăng ký một lớp tiếng Hàn để dự định đi du học sau khi có bằng tốt nghiệp.
Chia sẻ về lý do, Kiên cho biết: “Đi du học theo hình thức vừa học, vừa làm vất vả nhưng em nghĩ điều này sẽ tốt hơn cho em. Thứ nhất là em vừa có bằng, thứ 2 em lại có kinh nghiệm, ngoại ngữ. Hơn nữa, em vẫn có thể kiếm tiền để trang trải cuộc sống cho mình”.
Thầy giáo Nguyễn Viết Hùng - Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết: “Mỗi năm nhà trường có hơn 30% học sinh đăng ký thi để xét tốt nghiệp. Đây là một dấu hiệu tích cực cho thấy các em đã biết chủ động hơn trong việc chọn trường, chọn nghề và không còn “ảo tưởng” về năng lực, trình độ...”.
Áp lực tuyển sinh
Nghệ An được đánh giá là một trong những trung tâm về giáo dục của khu vực Bắc Trung Bộ với 6 trường đại học và 8 trường cao đẳng, cao đẳng nghề. Quy mô đào tạo sinh viên đạt trình độ đại học, cao đẳng tăng mạnh trong những năm qua với hơn 20.000 sinh viên.
Ngoài ra, mỗi năm có hàng nghìn sinh viên hệ vừa học, vừa làm, học sinh, sinh viên theo học các lớp liên kết đào tạo. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho các thí sinh trong kỳ xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trong năm học tới, nhất là khi chủ trương cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng và bỏ điểm sàn được thông qua.
Với quy chế này, về lý thuyết sẽ “mở” cho các nhà trường trong quá trình tuyển sinh, không giới hạn về đầu vào. Tuy nhiên, thực tế lại không dễ dàng khi hiện nay, xu hướng của thí sinh vào các trường đại học đang ngày một giảm.
Cuộc cạnh tranh để thu hút sinh viên vào các trường cũng sẽ căng thẳng hơn, và rất dễ xảy đến tình trạng các trường đua nhau tuyển sinh để đủ chỉ tiêu, không quan tâm đến chất lượng, đầu vào.
Năm nay, nếu áp theo quy chế mới, nhà trường sẽ lo lắng hơn vì theo bà Nguyễn Thị Thanh Đức - Trưởng phòng Đào tạo: “Tâm lý chung của nhiều gia đình Nghệ An vẫn muốn cho con vào đại học. Vì vậy, khi cơ hội vào đại học và cao đẳng đều “ngang” nhau thì rõ ràng các em sẽ đăng ký vào những trường có trình độ đào tạo cao hơn”. Như ở Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An, năm ngoái dù nhà trường đã có nhiều đổi mới về phương thức tuyển sinh như vừa xét tuyển học bạ, vừa xét tuyển dựa theo kết quả Kỳ thi THPT quốc gia nhưng số thí sinh nhập học chỉ chiếm khoảng 50% chỉ tiêu.
Ở các trường khác, áp lực tuyển sinh vẫn rất nặng nề. Như ở Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, liên tục nhiều năm nhà trường tuyển không đủ chỉ tiêu, trong đó có nhiều ngành không có sinh viên đăng ký theo học.
Ở Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, dù là trường có truyền thống nhưng chỉ có ngành Cao đẳng mầm non là còn “khả quan”; các ngành còn lại có những ngành chỉ tuyển được vài chỉ tiêu. Ngay như Trường Đại học Vinh năm học vừa rồi, toàn trường cũng chỉ tuyển được hơn 3.000 sinh viên, thay vì hơn 5.000 sinh viên như các năm trước đây..
Do việc trúng tuyển vào đại học ngày một dễ dàng nên rõ ràng khó có thể đòi hỏi về chất lượng và tình trạng “đầu vào dễ, đầu ra khó” là điều có thể dự đoán trước.
Trong hoàn cảnh trên, trước mùa tuyển sinh, học sinh cần phải tìm hiểu kỹ càng. Các trường THPT và phụ huynh cũng cần định hướng cho học sinh chọn đúng trường, đúng ngành, đúng nghề, đúng năng lực; đồng thời, cần cởi mở, tôn trọng, tạo điều kiện để các em có thể chủ động, tự tin vào bản thân mình trước các quyết định về nghề nghiệp, tương lai.
Mỹ Hà