23/04/2017 | 06:52

Nhà tuyển dụng đánh giá cao những kĩ năng nào?

Những nhà tuyển dụng tin rằng những người họ thuê luôn luôn có một kĩ năng và tiêu chuẩn nhất định để phù hợp với công việc. Thông thường, những yêu cầu kĩ năng đó được đăng trên mô tả công việc, tuy nhiên, có trường hợp, họ sẽ không nhắc đến. Nếu bạn biết được họ muốn những yếu tố nào, bạn sẽ tạo cơ hội cho bản thân mình vượt trội hơn các thí sinh khác. Với từng vị trí khác nhau thì nhà tuyển dụng sẽ có các yêu cầu về kĩ năng khác nhau. Chẳng hạn như công việc bán hàng thì nhà tuyển dụng sẽ cần đến giao tiếp và thuyết phục người khác… Sau đây là những kĩ năng mà nhà tuyển dụng đánh giá cao.

Kĩ năng giao tiếp:

Giao tiếp luôn là một yếu tố quan trọng trong cuộc sống con người nói chung. Kĩ năng giao tiếp mà  các nhà tuyển dụng cần có thể qua các hình thức như:

  • Gặp mặt trực tiếp với người khác, chia sẻ ý kiến, thông tin.
  • Nói chuyện qua điện thoại- biết cách xử sự, hiểu rõ vấn đề và giải quyết tình huống.
  • Trao đổi qua thư từ, e-mail hay các tài liệu khác.

Kĩ năng thích ứng và linh hoạt:

Hay nói cách khác, nhà tuyển dụng muốn nhìn thấy ở một nhân viên tiềm năng sự cống hiến qua việc đảm đương nhiều việc khác nhau. Họ không muốn thuê một người cứng nhắc và thụ động trong môi trường làm việc thay đổi liên tục. Thích ứng và linh hoạt có nghĩa là bạn phải:

  • Sẵn sàng ở lại công ty trễ hay đi làm ngay cả những ngày nghỉ khi có quá nhiều công việc để làm.
  • Giúp đỡ người khác lúc công việc họ bị quá tải mặc dù đó không phải là trách nhiệm của bạn.
  • Lắng nghe ý kiến người khác và luôn sẵn sàng tiếp thu, học hỏi cái mới.
  • Giữ sự bình tĩnh trước mọi tình huống khó khăn.
  • Lên kế hoạch trước, trong trường hợp có vấn đề gì xảy ra, cũng phải có một kế hoạch B.

Kĩ năng làm việc nhóm:

Cho dù bạn là một cá nhân nổi trội, tuy nhiên, nếu bạn không thể làm việc nhóm thì nhà tuyển dụng cũng không chọn bạn. Hoạt động nhóm với nhiều người thì qua những ý kiến khác nhau, sẽ có nhiều cách giải quyết vấn đề hơn. Kĩ năng hoạt động nhóm bao gồm có:

  • Trợ giúp đồng nghiệp giải quyết vấn đề.
  • Cho người khác lời khuyên, nhận xét về công việc của họ để giúp họ hoàn thành công việc tốt hơn.
  • Tỏ thái độ tích cực, háo hứng để giữ tinh thần đồng đội, ủng hộ đồng nghiệp nói ra ý kiến về những điều họ cảm thấy chưa hài lòng.

Kĩ năng giải quyết vấn đề:

Hằng ngày chúng ta đối mặt với nhiều vấn đề phát sinh từ nội bộ hay bên ngoài. Nhà tuyển dụng muốn tuyển một người có thể đảm đương những thử thách, khó khăn và tìm ra hướng giải quyết.  Ví dụ như:

  • Nhìn ra vấn đề và nghĩ ra những hướng giải quyết khác nhau.
  • Thu thập thông tin nếu cần thiết.
  • Đánh giá, phân tích các khía cạnh gồm điểm mạnh, điểm yếu của các hướng giải quyết đó và đưa ra sự chọn lựa cuối cùng.

Kĩ năng hòa đồng:

Tại công ty, bạn không chỉ giao tiếp với khách hàng mà còn giao tiếp với đồng nghiệp. Không chỉ trong công việc, nhà tuyển dụng còn muốn các ứng viên phải biết cách tiếp xúc, trao đổi với nhau, thể hiện qua:

  • Thái độ tích cực, thân thiện, hòa đồng với đồng nghiệp, khách hàng hay bất cứ ai mình gặp.
  • Giải quyết rắc rối, mâu thuẩn với đồng nghiệp trên cơ sở bình đẳng.
  • Thể hiện hăng hái, nhiệt tình, truyền cảm hứng cho người khác.

Kĩ năng tạo động lực cho bản thân:

Khi công việc trở nên khó khăn hơn, người ta có thể bị chán nản. Do đó, nhà tuyển dụng muốn thuê một người biết tự tạo động lực cho chính mình và nỗ lực nhiều hơn để hoàn thành công việc. Kĩ năng này bao gồm:

  • Thể hiện thái độ “mình luôn làm được” trong mọi trường hợp. Thay vì đùn đẩy trách nhiệm, chấp nhận thiếu sót trong công việc thì luôn tìm cách tốt hơn.
  • Cố gắng, nỗ lực sau khi thất bại, hoặc bị phê bình.
  • Nhìn ở nhiều khía cạnh khác nhau, biết đào sâu, tìm hiểu vấn đề hơn là chỉ nhìn ở bề mặt.

Kĩ năng thuyết phục:

Trong thời đại mới, người chủ không muốn họ là người duy nhất đưa ra lời nói và những người khác phải làm theo. Do đó, họ cũng đánh giá cao kĩ năng thuyết phục và tạo sự ảnh hưởng. Thông thường, kĩ năng này liên quan nhiều đến công việc bán hàng, tuy nhiên, trong công sở, nó có thể được thể hiện qua:

  • Làm mọi người thay đổi hướng suy nghĩ của họ thiên về hướng tích cực và có lợi hơn.
  • Trình bày quan điểm cá nhân và sự đề nghị của mình theo cách logic và thuyết phục mọi người nghe theo.

Kĩ năng quản lí thời gian

Đôi lúc bạn thấy mình cực kì rảnh rỗi, cũng có lúc, bạn cực kì bận rộn. Đó là khi bạn nhận ra kĩ năng quản lí thời gian của bạn có vấn đề. Do đó, nó là một trong những kĩ năng rất quan trọng mà nhà tuyển dụng muốn nhìn thấy ở một ứng cử viên tiềm năng biết quản lí thời gian, sắp xếp công việc hợp lí. Cụ thể là:

  • Sắp xếp, lên lịch việc làm hợp lí- qua việc phân chia thứ tự việc nào nên làm trước, việc nào nên làm sau.
  • Tách từng phần, hợp tác với nhiều người khi khối lượng công việc quá đồ sộ.
  • Đưa ra hạn chót hoàn thành công việc.

Khảo sát ý kiến khách hàng

Theo bạn, Việt Nam nên học mô hình giáo dục của nước nào?

Mỹ
Trung Quốc
Singapore
Nga
Không nước nào

Mã xác thực