01/06/2017 | 20:33
Nên lùi thời gian triển khai CT giáo dục phổ thông mới ít nhất 1 năm
Theo Nghị quyết của Quốc hội, việc áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông mới sẽ bắt đầu từ năm học 2018-2019.
Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới dự tính lộ trình triển khai chương trình mới như sau:
Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới dự tính lộ trình triển khai chương trình mới như sau:
- Năm học 2018 - 2019: Triển khai đại trà ở lớp 1
- Năm học 2019 - 2020: Triển khai đại trà ở lớp 2, lớp 6
- Năm học 2020 - 2021: Triển khai đại trà ở lớp 3, lớp 7, lớp 10
- Năm học 2021 - 2022: Triển khai đại trà lớp 4, lớp 8, lớp 11
- Năm học 2022 - 2023: Triển khai đại trà toàn bộ các lớp
Chất lượng giáo dục là quan trọng, không phải tiến độ
Góp ý về thời gian triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, TS Nguyễn Kim Hồng - Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm TPHCM cho hay: "Gần 1 triệu giáo viên từ mầm non đến THPT đã được đào tạo nhưng chưa được biết nhiều đến chương trình giáo dục phổ thông mới. Yếu tố chất lượng phải đặt lên hàng đầu".
GS Đào Trọng Thi - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, khẳng định chất lượng giáo dục là quan trọng, không phải tiến độ.
Theo GS Đào Trọng Thi, nếu ngành giáo dục thấy sự chuẩn bị quá gấp gáp, không đảm bảo chất lượng thì không nên câu nệ bằng mọi giá phải theo đúng lộ trình ban đầu.
"Bộ GD&ĐT cần có bản lĩnh, đừng vị sự thúc ép của dư luận xã hội hay phải có chạy theo thành tích, thực hiện đúng theo nghị quyết mà không thấy an tâm. Nếu thấy không ổn, Bộ GD&ĐT nên chủ động giải trình cụ thể với Chính phủ, để Chính phủ trình Quốc hội xin lùi thời gian triển khai chươn trình phổ thông mới".
Hay Đại biểu Dương Minh Tuấn - đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thẳng thắn cho hay, năm 2016 đại biểu Quốc hội từng chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về lộ trình thay sách giáo khoa mới.
"Chương trình thay sách tất cả các lớp hiện tại có ý định rút lại bằng cách thử nghiệm ở các lớp 2, 6, 10. Tức là bằng cách vừa dạy học vừa soạn sách giáo khoa các lớp tiếp theo. Nếu đúng như vậy thì quả là đầy thử thách và bất an".
Nên lùi lại ít nhất 1 năm
TS Trần Ngọc Giao - Nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục cho rằng, dự kiến chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm học 2018 - 2019 là quá sớm. Trong khi đó, công luận còn nhiều ý kiến khác nhau về chương trình mới.
Ông Giao đề nghị Chính phủ, Bộ GD&ĐT lùi thời gian thực hiện chương trình mới ít nhất 1 năm.
Hay chính GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình giá dục phổ thông mới cũng cho rằng nếu lùi thời hạn triển khai trong Nghị quyết của Quốc hội thì việc chuẩn bị sẽ tốt hơn.
Ông khẳng định: "Với tư cách là tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, tôi chỉ có thể đảm bảo hoàn thành chương trình, bao gồm cả chương trình tổng thể và chương trình môn học như quy định. Còn việc thực hiện đúng lộ trình đề ra hay không, là do cơ quản quản lý nhà nước quyết định, trên cơ sở xem xét thấy đủ điều kiện thực hiện.
Tuy nhiên, nếu Quốc hội quyết lùi thời gian thực hiện thì cũng tốt, càng có thời gian chuẩn bị tốt hơn".
Tổng hợp