Lựa chọn nguyện vọng đúng cách, tránh trượt oan
Thí sinh sẽ đăng ký thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học trên cùng một phiếu
Mặc dù không bị hạn chế nguyện vọng, không hạn chế môn thi để xét tuyển đại học nhưng các chuyên gia giáo dục cũng cảnh báo thí sinh về những lỗi dễ mắc phải và là nguyên nhân dẫn tới bị trượt đại học oan.
Không chọn nguyện vọng 1 với ngành không muốn học
Ông Trần Văn Nghĩa khẳng định, để đảm bảo an toàn, thí sinh nên chọn nguyện vọng mình thực sự thích và một nguyện vọng “chắc chân” để tránh bị trượt oan. “Khi các em thuộc quy chế, nắm vững kiến thức, thì chắc chắn đỗ đại học, trừ khi bị điểm liệt hoặc đăng ký nguyện vọng ở tốp trường quá cao so với khả năng” - ông Trần Văn Nghĩa nói thêm.
Quy chế năm nay cho phép học sinh được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ nhưng các nguyện vọng được xếp theo thứ tự ưu tiên. Khi tính điểm, nếu xét nguyện vọng 1 thí sinh đã đỗ thì phần mềm xét tuyển sẽ không xét nữa. Nếu thí sinh không đỗ nguyện vọng 1, phần mềm mới chuyển sang xét nguyện vọng 2.
Nếu ngành, trường nào có số lượng hồ sơ đăng ký nhiều hơn so với chỉ tiêu, sẽ xét thêm tiêu chí phụ, trong đó có tính đến mức độ ưu tiên nguyện vọng. Tuy nhiên, nguyên tắc quan trọng là thí sinh không thể đăng ký rồi trúng tuyển lại không vào học và chọn nguyện vọng khác.
“Thầy cô phải giải thích cho thí sinh, phần mềm sẽ rà theo thứ tự các nguyện vọng. Khi đăng ký nguyện vọng 1, các em phải chọn ngành, trường yêu thích nhất, có khả năng học nhất. Nguyện vọng tiếp theo sẽ chọn những ngành “chắc chân” để đảm bảo cơ hội trúng tuyển nếu trượt nguyện vọng đầu tiên. Thực tế cho thấy, nhiều thí sinh những năm trước trượt ĐH không phải vì điểm thấp, mà ngược lại, điểm rất cao. Các em trượt do chọn nguyện vọng không chuẩn” - ông Trần Văn Nghĩa cho biết.
Bên cạnh đó, ông Trần Văn Nghĩa cũng lưu ý những lỗi có thể khiến thí sinh bị trượt oan như đem điện thoại vào phòng thi, dùng nhiều loại mực thi trong một bài thi, nhầm lẫn khi dùng bút chì và bút bi...
Chỉ được sửa đổi nguyện vọng một lần
Theo lịch tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, để thống nhất thực hiện trên toàn quốc, từ ngày 1 đến 20-4 là khoảng thời gian các điểm thu nhận hồ sơ thuộc các sở GD-ĐT tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia và đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ đợt 1 của thí sinh. Thông tin đăng ký của thí sinh sẽ được nhập vào Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.
Sau khi đăng ký, mỗi thí sinh sẽ được cấp một tài khoản và mật khẩu cá nhân để truy cập vào Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT để các em có thể kiểm tra thông tin cá nhân và thực hiện điều chỉnh đăng ký xét tuyển trực tuyến. Thí sinh sẽ được cán bộ tuyển sinh các điểm thu nhận hồ sơ hướng dẫn cách sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để truy cập.
Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Theo quy định, thời điểm đó, Bộ cũng đã công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, các trường ĐH, CĐ đã điều chỉnh hoặc công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ và trang thông tin điện tử của trường trước ngày 15-7.
Mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh đăng ký xét tuyển một lần trong thời gian này và chỉ được sử dụng một trong hai phương thức tự điều chỉnh trực tuyến hoặc bằng phiếu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Sau 17-7, các đơn vị phải tổ chức thu nhận thí sinh điều chỉnh lại đăng ký xét tuyển, ưu tiên làm trực tuyến. Bộ sẽ có phần mềm tự kiểm soát được đúng sai về thông tin.
Ông Trần Văn Nghĩa cũng lưu ý thí sinh về việc điền phiếu đăng ký dự thi năm nay có điểm khác so với các năm trước. Cụ thể, phiếu này có hai mặt, một mặt đăng ký dự thi THPT quốc gia, một mặt đăng ký xét tuyển ĐH. “Các trường phổ thông cần lưu ý thí sinh nắm vững hướng dẫn đăng ký trước khi điền phiếu vì trước đây phiếu này có in hướng dẫn ở mặt sau nhưng năm nay sẽ không có” - ông Trần Văn Nghĩa cho biết.