Kinh nghiệm apply học bổng chính phủ Nhật Bản: Học Bổng MEXT
Mấy ngày trước hôm 24 ấy, mình bị trầm cảm nặng lúc nào cũng bồn chồn lo lắng, đêm cũng trằn trọc không ngủ được. Có điều nhận kết quả xong lại thấy dửng dưng, đúng là con người ta chẳng bao giờ quí trọng cái đã ở trong tay mình cả. Tuy nhiên thì cũng cảm giác cuộc đời sang trang và bản thân thì cũng thắng lợi trong cuộc đánh cược 1 mất 1 còn (mình đã cược hết mọi thứ mình đạt được trên đại học vào kì thi này: GPA tụt dốc không phanh, tất cả học bổng – dư dả để chi tiêu – bị treo hoặc bị cắt, quan trọng nhất là tiếng với bạn bè, làng xóm có khả năng bị hủy hoại.) Sau một chặng đường dài hơn 5 tháng chuẩn bị + apply chưa kể 3 tháng chờ kết quả, nói chung tự mình cũng nhận ra một số thứ nếu biết trước chắc sẽ thuận lợi hơn. Trong bài viết này mình sẽ cố gắng tường thuật lại toàn bộ quá trình mình apply MEXT (bậc đại học nhé), những cơ hội đến với mình, những tips mình tự học được và xen lẫn cả tâm trạng của mình lúc đó.
Lan man 1 chút về học bổng MEXT
Học bổng này do chính phủ Nhật Bản cấp cho sinh viên nước ngoài để học tại Nhật, gồm học bổng sau đại học và học bổng đại học.
Theo mình thấy thì học bổng sau đại học có vẻ dễ thở hơn vì số lượng lấy lớn, thông thường khoảng 25-30 người, bài thi viết chỉ gồm tiếng Anh và tiếng Nhật nên hầu như không mất công ôn luyện, tuy nhiên thì phải làm rất nhiều giấy tờ và phải tự liên lạc với trường đại học bên kia.
Bậc đại học thì căng thẳng hơn, thực ra là rất khó, số lượng lấy ít, 4 năm gần đây lần lượt là 6-9-4-5, năm 2013 có 9 người được chọn là năm kỉ niệm 40 năm quan hệ Việt Nhật – mình chỉ thấy trùng hợp thôi chứ không biết có được ưu ái gi hơn không nhé, phải thi viết nhiều môn: Toán, Hóa, Tiếng Anh, Tiếng Nhật, Lý (hoặc Sinh).
Bậc đại học gồm các vòng: hồ sơ, thi viết, thi vấn đáp. Các năm trước mình, bên kinh tế đều chiếm áp đảo, những ai được bên kĩ thuật hầu như học về IT. Tuy nhiên đến năm mình thì toàn bộ 5 người đều học kĩ thuật và không có ITer nào. Nói vậy để bạn yên tâm là không có thiên vị đặc biệt cho chuyên ngành nào nhé. Chỉ cần bạn show off được bản thân là okie.
Một số trang web sau bạn có thể tham khảo:
(1) Group facebook mọi người cùng bàn bạc về hb MEXT. Đây là group tiếng anh, nhiều người từ nhiều nước nên khá active: facebook.com/groups/111139462302653/
(2) gakutomo.com phần chia sẻ kinh nghiệm
(3) blog: nihonjinjanai.blogspot.jp/p/for-monbukagakusho-mext-scholars.html
Trước hết nếu bạn đang chuẩn bị muốn apply cho MEXT, hay bất kì học bổng nào khác bạn nên tìm cho mình 1 advicer đã từng được hoặc chí ít cũng từng apply học bổng đó. Những lời khuyên sẽ thiết thực hơn, quan trọng là họ qua kinh nghiệm bản thân sẽ biết được học bổng này chú trọng yêu cầu những điều gì, những gì có thể làm bạn trở nên competitive hơn. Mọi chương trình đều mong muốn tìm được ứng viên phù hợp nhất chứ không hẳn là người giỏi nhất vì thế có cái nhìn của người “trong cuộc” sẽ là lợi thế rất lớn. Nói vậy thôi chứ tự nhiên có được contact của 1 advicer như thế cũng không dễ dàng gì, như mình đầu tiên thì chịu không tìm được ai vì bạn bè mình không ai được MEXT cả.
Turning point là khi mình đọc được bài báo này: “Don’t worry where you’ll be in 5 years” . Trong đó có 1 đoạn như thế này:
“Leverage your relationships to help you open doorsand create opportunities. Tactically, if you’re looking for a job, I recommend telling everyone you know—use your network as your eyes andears. This was my most important lesson during my previous job hunt.”
Điều mình muốn nói là hãy nói thật to, thông báo bù lu bù loa lên cho tất cả bạn bè, ông bà, bố mẹ của bạn về việc bạn sẽ apply MEXT. Mình nói vậy vì không ít bạn sẽ âm thầm làm. Có thể bạn không thích nói nhiều về việc bạn làm, bạn không thích gia đình biết vì sợ gia đình kì vọng, tăng áp lực. Quan trọng nhất là bạn SỢ nếu rất nhiều bạn bè giỏi giang của bạn biết thông tin về học bổng này thì họ cũng sẽ apply và như thế thì cơ hội vốn đã ít ỏi của bạn lại càng nhỏ đi. Thực ra đấy là những suy nghĩ nhỏ nhen của bản thân mình. Và suy nghĩ đó khiến mình không thể tìm được advicer nào cả.
Chỉ vài ngày sau khi bù lu bù loa vê ý định apply MEXT, mình quen được 1 anh sau đại học vốn là người iu của 1 chị cùng clb tiếng anh, quen được bạn nam duy nhất bên IT được MEXT undergraduate năm trước – bạn học cùng cấp 3 của bạn cùng lớp đại học. Sau đó là 2 anh undergraduate trước đó nữa – 1 anh thậm chí đang học cùng ngành với mình – qua 1 chị là advicer của mình khi apply 1 học bổng khác, chị này mình quen qua facebook và mới chỉ gặp mặt chớp nhoáng 2 lần. Cộng thêm 2 người bạn của mình apply năm trước nhưng không được, bây giờ mình đã có tận 6 advicers, mọi người ai cũng reply rất nhiệt tình các thắc mắc của mình. Nói như vậy để thấy khi mindset của bản thân thay đổi thì mọi việc cũng thay đổi rất nhanh. À, bạn cũng đừng sợ áp lực kì vọng mà không thông báo chogia đình, một cuộc đua đường trường như MEXT thì sự động viên, tiếp sức từ gia đình là rất quan trọng.
I. Vòng hồ sơ.
Hồ sơ MEXT thực ra không quá phức tạp, nhưng nhờ có Cục Đào tạo với nước ngoài mà số giấy tờ bạn phải chuẩn bị tăng lên đáng kể. Hồ sơ gồm 2 phần: phần tiếng việt: 1 bộ online, 1 bộ offline; phần tiếng anh (gồm 4 bộ con A,B,C,D). Nơi tiếp nhận và xét duyệt là Cục Đào tạo với nước ngoài. (vied.vn)
Hồ sơ của bạn sẽ được xử lí thế nào tại đây?! Cục sẽ dựa vàobộ tiếng Việt để quyết định xem ai sẽ đỗ vòng này, thông thường sẽ dựa vào GPA và các thành tích bạn đạt được: giải Quốc gia, Quốc tế, Olympic sinh viên …vv GPA thì càng cao càng tốt thôi, mức minimum an toàn có lẽ là 8.0/10.0 hay3.2/4.0 Sau khi hồ sơ của bạn được chọn, Cục sẽ gửi bộ hồ sơ tiếng Anh cho Đại sứ quán. Và từ đây bạn hầu như không liên quan gì đến Cục nữa. Như vậy, nếu GPA của bạn cao, thành tích của bạn ổn, thì bạn không cần bận tâm quá nhiều về bộ tiếng Việt – có điều đừng làm ẩu quá – mà nên tập trung chau chuốt cho bộ tiếng Anh.
Vì giấy tờ khá nhiều nên bạn cần chuẩn bị trước khi có thông báo chính thức vào giữa hoặc cuối tháng 4 hàng năm: công chứng, dịch thuật trước các chứng chỉ, học bạ cấp 3; xin trước bảng điểm đại học; điền trước application form; scan giấy tờ, viết bài luận cho bộ online… Danh sách hồ sơ không có nhiều khác biệt giữa các năm, tuy nhiên cũng có thể có thay đổi nhỏ. VD: các năm trước đều có mẫu thư giới thiệu sẵn nhưng năm của mình thì được viết tự do. Tuy vậy, theo kinh nghiệm cá nhân thì dù bạn có chuẩn bị trước kĩ như thế nào thì trong 1 tháng thông báo hồ sơ, bạn cũng sẽ bù đầu lên với giấy tờ mà không làm được việc gì khác đâu. Định lý 80-20 mà: 80% công việc được hoàn thành vào 20% thời gian cuối cùng!
Về application form, mình nghe đồn nếu bạn để phông chữ đậm cho những chỗ bạn điền thì giám khảo sẽ rất thích. Có lẽ vì nó nổi bật và dễ nhìn. Kinh nghiệm bản thân thì mình để toàn bộ ở font Time New Roman, size 8.0, kiểu chữ đậm. Như vậy sẽ cân đối với font chữ có sẵn trong application form và trông gọn gàng, đẹp mắt. (Có lẽ bạn sẽ nghĩ mình tủn mủn vụn vặt nhưng SteveJob từng nói: “Tiểu tiết làm lên lịch sử”, cho nên mình luôn muốn làm mọi thứ hoàn hảo nhất có thể. Vì rất có thể bạn sẽ fail bởi vài điều rất ư vụn vặt. Từ giờ đến cuối bạn sẽ gặp nhiều cái tiểu tiết như vậy!).
Một vài thứ phụ gia làm tăng tính cạnh tranh cho bạn lên rất nhiều là: chứng nhận thành tích thi học sinh giỏi và chứng chỉ tiếng Anh hoặc tiếng Nhật. Bạn đi công chứng và gửi kèm vào bộ Tiếng Anh dù họ không yêu cầu. Chú ý là chỉ gửi những cái tiêu biểu nhất thôi nhé. Nhiều quá sẽ bị loãng họ không đọc đâu (mình có bằng chứng hẳn hoi đấy nhé, lúc nào đến phần phỏng vấn mình sẽ nói). Ngoài ra mình còn làm 1 bản CV liệt kê các thành tích và hoạt động xã hội gửi kèm nữa. Thư giới thiệu thì nếu xin được của thầy nào nhiều học hàm học vị; trưởng, phó khoa chẳng hạn thì rất tốt.
II. Vòng thi viết.
Tùy theo ngành và bậc học bạn đăng kí mà số môn thi sẽ khác nhau. Để cho rõ thì bạn nên check lại thông báo các năm trước. 5 bạn năm nay đều khối kĩ thuật nên các môn sẽ là: Toán học, Vật Lý (Sinh học), Hóa học, Tiếng Anh, Tiếng Nhật. Các bạn chú ý môn Toán gồm Toán A (cho khối kinh tế), Toán B (khối kĩ thuật). Hồi mình ôn thi lại tưởng ngược lại, thành ra chủ quan không thèm làm đề Toán B, chỉ tập trung vào Toán A. Lúc vào phòng thi mới ngã ngửa là mình nhầm, rất may major là Toán nên vẫn qua được. Kể cũng hú hồn! :))))
Nếu bạn không biết tí tiếng Nhật nào thì phần thi Tiếng Nhật chỉ cần ghi tên lên giấy thi rồi nộp lại. Yêu cầu tiếng Nhật có lẽ bằng 0 đối với khối kĩ thuật, cả 5 người năm nay đều không biết chút gì hoặc rất ít. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin thì bạn cần phải có khả năng tiếng Nhật tốt nếu muốn apply khối kinh tế. Bí kíp cho vòng thi viết này chỉ có một câu duy nhất: Ôn luyện kiến thức thật kĩ, thật tốt vào mà thôi.
Sau đây mình sẽ nói về cách ôn luyện của mình:
Tài liệu mình đã dùng:
– Một số đề thi các năm trước: studyjapan.go.jp/en/toj/toj0308e.html#1 mediafire.com/download/ggmx1p41k244y2k/De+thi+MEXT.zip
– Lên group facebook (1) để hỏi han về tài liệu.
– Hóa: Bộ sách giáo khoa Hóa nâng cao cấp III: lớp 10,11,12.
– Vật lý: Chủ yếu là quyển Physics A level, nhà xuất bản Springer, hình như tài liệu của trung tâm Hexagon. (Tiếc là mình không có bản mềm). Một chút trong bộ sách Cơ sỏ Vật lý của Haliday.
– Toán: vì là major nên mình không ôn luyện gì cả.
– Tiếng Anh: đề thi đại học khối A1, khối D các năm; đề reading IELTS.
Mình biết đến MEXT và quyết định apply khá muộn, khoảng tháng 2/2014. Tính đến cuối tháng 6 thi viết thì chỉ có 4-5 tháng ôn luyện. Khoảng thời gian này không phải là dài vì mình mất gốc hoàn toàn môn Hóa, biết lơ mơ môn Lý. Vì không có nhiều đề thi khoảng 6 đề gì đó nên mình làm 1 mạch 4 đề trước để nắm được bao quát phạm vi kiến thức và dạng câu hỏi. Làm xong 4 đề đó thì mình thấy kiến thức trong quyển Physics A level và bộ sách Hóa cấp 3 khá sát, có thể nói là bao trọn luôn rồi. Chỉ có 1 vài phần Vật Lý về hiệu ứng Dopler … là phải dùng đến sách của Haliday. Đề Toán thì kiểu khó hơn đề thi đại học (có lẽ vì nó kháckiểu hoàn toàn) và dễ hơn đề thi học sinh giỏi. Đề Vật lý khá dễ, các câu hỏi chỉ có 1 nút tư duy, không hề đánh đố học sinh, chỉ cần bạn biết kiến thức về câu hỏi đó là trả lời được một cách dễ dàng. Đề Hóa với mình thì thực sự khó khăn vì mình rất dốt Hóa. Đề Tiếng Anh yêu cầu ngữ pháp và đọc hiểu, bạn nên làm đề đại học, nếu làm được đề reading của IETLS thì càng tốt. Mình tự ước lượng thời gian mà minh có và lượng kiến thức cần học để lên lịch học tập. Có cho mình lộ trình ôn luyện cẩn thận sẽ làm tăng độ hiệu quả lên rất nhiều. Kiểu mỗi chương học trong bao nhiêu ngày, sáng thì học Lý, chiều học Hóa, tối làm đề đại học tiếng Anh. Hầu như minh trốn học hẳn trên lớp để tập trung ôn cho MEXT. Thậm chí lúc gần đến ngày thi viết, trường mình cũng bắt đầu thi học kì, mình dù không học trên lớp nhưng ôn tập cũng rất qua loa, kiểu ngày mai thi thì hôm nay mới ôn, môn 5 tín chỉ ôn 1 ngày, môn 2-3 tín chỉ ôn 1 buổi. Tất nhiên là kết quả học trên lớp của mình thảm hại vô cùng. Có điều cuộc sống này vốn công bằng, không ai có thể làm được tất cả mọi việc, có những lúc tự bản thân phải biết đánh đổi, phải biết cái gì quan trọng hơn với mình là lựa chọn! Từ vựng chuyên môn mình chủ yếu học trong đề thi là chính và cũng thấy đủ dùng.
Sau khi hoàn thành quá trình ôn luyện miệt mài căng thẳng, mình test lại bản thân bằng 2 đề thi còn lại để tăng độ tự tin cũng như lên tinh thần cho cuộc chiến 1 mất 1 còn sắp tới. Trước ngày thi, mình vê quê tĩnh dưỡng 2-3 ngày, nghỉ ngơi thư giãn. Mình luôn luôn tránh việc sát ngày thi rồi mà vẫn còn cày cuốc. Trạng nguyên Lương Thế Vinh từng nói: “Trước khi thi mà học thì không phải là thi” mà.
Phòng thi viết nằm trên tầng 2 đại sứ quán, đây cũng là phòng phỏng vấn luôn. Kì thi chia làm 2 buổi, sáng thi Lý, Hóa, chiều thi Toán, Anh, tiếng Nhật. Giữa các môn thi được nghỉ 10′, lunch time 1 tiếng: từ 12h đến 1h. Máy tính cầm tay, điện thoại di động bị cấm sử dụng. Ngoài môn tiếng Anh, mỗi thí sinh được phát cho 1 quyển từ điển Anh-Việt (làm cảnh vì bạn sẽ không có thời gian mà dùng nó) và không được đặt gì lên bàn thi ngoài bút, thước, đồng hồ… Mình nói không được đặt gì lên bàn thi là bởi bạn được đem mọi thứ vào phòng, có điều phải cho vào trong ba lô đạt dưới chân bàn. Mình nghĩ họ muốn thử luôn cả độ tự giác của thí sinh, tài liệu ngay dưới chân, ai không chịu được mà mở ra thì chắc chắn bị loại. Đi thi nên mang theo đồng hồ để ước lượng thời gian. Mình mang theo chai nước để uống trong giờ, uống từng ngụm nhỏ giúp giữ bình tĩnh rất tốt. Sau mỗi môn thi nên ăn nhẹ, vì nói chung thi cử rất căng thẳng, mỗ imôn chỉ có 60′ mà trong 60′ ấy não bạn phải hoạt động rất mệt mỏi, nên sạc lại năng lượng ngay khi có cơ hội. Với mình thì 1 chiếc chocopie cho mỗi 10′ nghỉ! Ngày thi tốt nhất nên kìm nén tâm trạng, để không hồi hộp lolắng thì đừng có nghĩ gì đến chuyện thi cử, đầu óc để trống rỗng, cực kì trống rỗng, kiểu thùng rỗng luôn ý nhé, đừng có mà nhẩm lại những kiến thức đã học. Mình thấy rất lạ là hôm thi nhiều bạn học đại học rồi mà trước giờ thi hoặc sau khi thi một môn vẫn miệt mài ôm quyển vở ngồi học như học sinh cấp 2 hoặc cả hội túm tụm lại bàn bạc xem câu này làm thế nào câu kia làm thế nào.Nói thật mình đánh giá rất thấp các bạn này! Giờ nghỉ là để nghỉ cơ mà. Học hành lúc ý được bao nhiêu, bàn bạc lại bài thi chỉ tổ làm mình thêm lo lắng, làm tốt cũng được, làm kém cũng xong rồi. Bạn hãy nhớ “cái gì chưa đến thì kệ nó, cái gì đã qua rồi cũng kệ nó luôn, cái gì trong hiện tại thì hẵng tính”.
Trong khi buổi thi đang diễn ra, tốt nhất đừng nói chuyện với các thí sinh khác, vì nó rất dễ làm tâm lý xao động. Bài thi làm được càng nhiều thì càng tốt, không có mức yêu cầu tối thiểu nào được đưa ra cả. Kết thúc buổi thi, mình làm cũng tàm tạm. Theo mình suy đoán thì Toán: 100%, Lý: 90%, Tiếng Anh: 85-90%, Hóa: 60% . Hóa mình làm kém vì ôn chưa tới, 1 tuần cuối cùng mình phải học 10 chương Hữu cơ thì bạn biết rồi đó.:D Thi xong xuôi mình về nhà nghỉ ngơi, chờ được gọi đi phỏng vấn. Bạn đừng nghĩ nhiều đến kì thi viết. Nghĩ nhiều cũng làm được gì đâu, lại đau cả đầu, mệt cả người thêm ý chứ.
III. Vòng phỏng vấn.
Sau thi viết khoảng 3 tuần thì có thông báo shortlist. Thi phỏng vấn diễn ra 1 tuần sau đó, mọi năm thì vòng này còn khá nhiều người (năm trước là 35 người), đến năm mình chỉ có 11, ít đột xuất … (mình sẽ viết tiếp khi có thời gian, chắc là trước khi vòng phỏng vấn năm nay diễn ra).
Theo Scholarship Planet (Hữu Phúc – Akira.edu.vn)