24/04/2017 | 07:56

Học sinh Hà Nội tranh biện về quyền bất khả xâm phạm cơ thể

Có nên chấp nhận kết quả mang tính đột phá cao cho khoa học của dự án nghiên cứu man rợ trên cơ thể người? Đây là chủ đề được học sinh Hà Nội hào hứng tranh biện.

Chiều 3/4, hàng trăm học sinh, sinh viên Hà Nội đã có mặt tại trường phổ thông liên cấp Olympia (quận Nam Từ Liêm) theo dõi trận đấu cuối cùng cuộc thi tranh biện Debate Tournament với chủ đề Quyền bất khả xâm phạm cơ thể. 4 đội chơi của 2 bảng tiếng Việt và tiếng Anh, được chọn từ 34 đội tham gia.

Mỗi đội chơi sẽ bốc thăm để chọn mình thuộc bên đồng tình hay phản đối một kiến nghị nào đó của chính phủ giả định. 3 thành viên mỗi đội sẽ lần lượt đưa ra luận điểm, bảo vệ chính kiến của bên mình và phản bác ý kiến của đối phương.

Ở bảng tiếng Việt, kiến nghị được đưa ra là có nên chấp nhận kết quả của dự án X khi đã thực hiện những thí nghiệm man rợ trên cơ thể người nhưng đem lại thành tựu mang tính đột phá cho khoa học. Các học sinh đến từ trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) vào vai nghị viện phản đối kiến nghị. Đội chơi đến từ trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam ủng hộ sử dụng kết quả dự án X.

Tranh biện của đội trường Ams.

"Cái saicủa dự án X là ở cách thức thực hiện chứ không phải mục đích. Chúng tôi phản đối cách nghiên cứu này. Tuy nhiên, dự án đã diễn ra và kết quả mang tính đột phá cho khoa học. Vì thế, để không mạng sống nào bị bỏ đi một cách vô nghĩa, đồng thời bù đắp phần nào công lao của những người đã hy sinh thân thể thực hiện nghiên cứu, chúng tôi cho rằng nên sử dụng kết quả của dự án này", nhóm học sinh Ams nói. Các em nhấn mạnh, chỉ công nhận kết quả của duy nhất dự án X, không chấp nhận bất cứ dự án vô nhân đạo nào trên cơ thể người khác. 

Nhóm học sinh trường Chu Văn An thì cho rằng, việc công khai dự án X là lan truyền bạo lực, gây ảnh hưởng xấu cho xã hội và "chỉ đường" cho kẻ xấu làm theo. Dự án X vi phạm quyền con người, bao gồm quyền bất khả xâm phạm thân thể và quyền được sống nên "nghị viện" của trường Chu Văn An không xứng đáng được chấp nhận kết quả.

"Các bạn cho rằng kết quả đột phá của X mang đến những cách đi mới cho khoa học và vì văn minh của nhân loại. Nhưng chúng tôi cho rằng, văn minh nằm ở chỗ các bạn thực hiện dự án như thế nào. Các bạn cho rằng X sai ở cách thức chứ không phải mục đích nhưng chúng tôi khẳng định rằng cách thức sai dẫn đến kết quả sai. Một bài toán có thể giải bằng nhiều cách, nhưng để có kết quả đúng thì không phải cách thức nào được đề xuất cũng có thể cho ra kết quả", nhóm trường Chu Văn An phản biện luận điểm của trường Ams.

Tranh biện của đội trường THPT Chu Văn An.

Trận thi đấu trở nên gay cấn với sự phản biện hùng hồn, mạch lạc từ thành viên thứ hai trong đội trường Chu Văn An. Giám khảo và khán giả đã dành nhiều tràng pháo tay khen ngợi cho thí sinh này. Tuy nhiên, với sự mềm dẻo và đồng đều "chất lượng", các thành viên của đội trường Ams khiến giám khảo bị thuyết phục hơn. Chung cuộc, các Amser chiến thắng.

Ở bảng tiếng Anh, 2 đội chơi đến từ trường phổ thông liên cấp Olympia đã tranh biện về kiến nghị có nên xóa bỏ cảm xúc của các chiến binh nếu có một công nghệ xóa được cảm xúc của con người. Đội ủng hộ cho rằng, những cảm xúc tiêu cực như nỗi sợ hãi nếu được xóa đi sẽ giúp chiến binh tập trung hơn cho nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ đất nước. Điều này cũng giúp người lính không còn bị ám ảnh bởi bom đạn, chiến tranh sau khi giải ngũ.

Tuy nhiên, đội phản đối kiến nghị cho rằng, chính sách này sẽ gây hại cho xã hội khi tạo ra những "con robot" không biết sợ điều gì. Mặt khác, nỗi sợ đôi khi là động lực để con người chiến đấu, sống tốt hơn.

Debate Tournament là cuộc thi tranh biện gồm hai bảng Anh và bảng Việt dành cho học sinh, sinh viên tại Hà Nội được thực hiện bởi học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam từ năm 2013. Đây là sân chơi giúp người trẻ rèn khả năng tư duy, kỹ năng tranh biện, nâng cao hiểu biết và nhận thức về các vấn đề xã hội. Debate Tournament đồng thời là môi trường giúp giới trẻ được nói lên quan điểm, suy nghĩ của bản thân. 

Quỳnh Trang

Khảo sát ý kiến khách hàng

Theo bạn, Việt Nam nên học mô hình giáo dục của nước nào?

Mỹ
Trung Quốc
Singapore
Nga
Không nước nào

Mã xác thực