Giáo viên bức xúc vì kết quả thi tuyển viên chức giáo dục bỗng nhiên thay đổi
Những ngày qua, nhiều giáo viên hợp đồng (dưới 2 năm) tham dự kỳ thi tuyển viên chức giáo dục tỉnh Quảng Nam (diễn ra hồi tháng 2) đã gõ cửa các cơ quan chức năng để trình bày những bức xúc trước nguy cơ bị đánh rớt. “Sốc” vì thay đổi kết quả vào phút chót
Theo phản ánh những các giáo viên này, sau kỳ xét tuyển, đến tháng 4 thì Hội đồng xét tuyển đã công bố số điểm của các thí sinh rộng rãi trên website của Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở giáo dục.
Các thí sinh tham dự một kỳ thi tuyển dụng công chức ở Quảng Nam. Ảnh: CTV |
Dựa vào bảng điểm, cũng như sắp xếp thứ tự (từ điểm cao xuống thấp), số lượng chỉ tiêu từng môn thì nhiều giáo viên cho rằng mình đã trúng tuyển.
Chị Võ Thị Kim Hiếu (ngụ huyện Tiên Phước, Quảng Nam) cho biết, trong kỳ thi vừa qua đã đạt 343 điểm, đứng thứ 17 trên tổng số chỉ tiêu cần tuyển môn Toán của tỉnh là 24 giáo viên. Với số điểm và vị thứ như trên, chị Hiếu nghĩ chắc rằng mình đã trúng tuyển.
Phía Sở đề nghị các giáo viên xác nhận điểm học tập ở bậc Đại học theo hình thức tín chỉ và thông báo kết quả đã công bố (trên website) là không chính xác. Sở đã xác minh lại điểm theo từng hệ đào tạo để chỉnh sửa.Tuy nhiên, vào ngày 20/7 vừa qua, sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam gọi điện thoại cho chị Hiếu cùng 16 giáo viên khác đến sở làm việc liên quan đến việc thay đổi cách tính điểm.
Chị Hiếu cũng như nhiều giáo viên khác cho rằng, Sở đã áp dụng sai quy định dẫn đến tính sai điểm nhưng lại đổ lỗi cho thí sinh.
“Ngay từ danh sách xét tuyển, Sở đã ghi cụ thể điểm học tập và điểm tốt nghiệp thành hai cột điểm khác nhau đối với cả hai hệ thống đào tạo tín chỉ và niên chế.
Trong đó, không hề có ghi chú thí sinh nào học tín chỉ, thí sinh nào học niên chế một cách rõ ràng.
Đồng thời, ngay trong tờ khai xét tuyển Sở cũng không ghi chú rõ ràng ở mục điểm tốt nghiệp (hoặc luận văn)”, một giáo viên bức xúc nói.
“Trong khi có rất nhiều người học chứng chỉ tham dự kỳ thi (gần 1.000 người dự kỳ thi) như chúng em mà Sở chỉ gọi cho 17 người.
Mục đích của Sở là 17 người này nằm trong danh sách tốp đầu (Sở tự tính, tự xét) nhưng giờ Sở muốn thay đổi vị trí.
Và tất nhiên là những người này bị loại ra. Cán bộ Sở yêu cầu các giáo viên ký vào bản xác nhận đã học chứng chỉ để họ tính lại điểm nhưng mọi người không ký.
Vì nếu tính lại điểm thì phải ký và tính lại đồng đều (gần ngàn thí sinh) chứ sao chỉ riêng 17 người”, chị Hiếu phản ánh.
“Sở sai thì phải nhận và xin lỗi”
Chị Hiếu chia sẻ, từng có hai năm dạy hợp đồng ở Gia Lai, tháng 2 vừa qua thì về tham gia xét tuyển ngành sư phạm Toán trong kỳ xét tuyển viên chức ngành giáo dục tỉnh Quảng Nam 2017.
Bảng điểm xét tuyển viên chức ngành giáo dục của tỉnh Quảng Nam. Ảnh: TT |
Do nghĩ mình đã đỗ nên chị không tiếp tục ký hợp đồng với nhà trường trong năm học đến.
“Bây giờ thay đổi cách tính đểm thì em cũng không biết đứng thứ mấy nữa vì Sở chưa đưa ra bảng điểm cuối cùng. Nhưng gần như chắc chắn em và 16 bạn còn lại sẽ bị đánh rớt”, chị Hiếu nói giọng buồn.
“Nhưng chỉ vì thay đổi cách tính điểm, nhiều người từ đậu trở thành rớt. Hụt hẫng, buồn chán, có người đã nhập viện, thậm chí có người nghĩ quẩn…”, một giáo viên chia sẻ.Cùng chung tình cảnh như chị Hiếu, nhiều giáo viên căn cứ vào số điểm để tổ chức ăn mừng hoặc không tiếp tục ký hợp đồng vì tin chắc mình đã trúng tuyển.
Theo các giáo viên này, nếu sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam đã sai (trong cách tính điểm) thì phải thừa nhận, chứ không thể đổ hết lỗi cho thí sinh. Rồi lại đổ lỗi cho các trường Đại học tính điểm không thống nhất…
Đại diện sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam sẽ giải thích về sự thay đổi cách tính điểm cũng như “số phận” của 17 giáo viên này như thế nào, chúng tôi sẽ thông tin trong số sau.
Cũng liên quan đến kỳ thi xét tuyển viên chức giáo dục của tỉnh Quảng Nam, trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh việc 104 giáo viên dạy hợp đồng (trên 36 tháng) có nguy cơ thất nghiệp trước thềm năm học mới.
Các thầy cô này cho rằng, họ đã bị đối xử thiếu công bằng trong xét tuyển. Ngoài ra, việc ký hợp đồng lao động liên tục nhiều năm liền nhưng không đóng bảo hiểm, bảo hiểm xã hội cho các giáo viên hợp đồng cũng là “sai luật”.
Tấn Tài