Chuẩn bị gì cho môn Văn kì thi THPT quốc gia 2017?
Th S. Đàm Thị Thu Hương, Giảng viên Khoa Ngữ Văn, Đại học Sư Phạm TP. HCM đã có những lời khuyên để các em ôn thi môn Văn đạt kết quả tốt cho kỳ thi THPT sắp tới. Theo Th S. Đàm Thị Thu Hương, trước khi bước vào kì thi THPT, các em cần chuẩn bị đầy đủ ba yếu tố: kiến thức và kỹ năng, phương pháp làm bài và tinh thần đi thi.
Môn Văn là môn thi quan trọng khiến nhiều học sinh lo lắng trước mỗi kỳ thi. |
Kiến thức và kĩ năng
Phần câu hỏi đọc hiểu, các em cần nắm các phương thức biểu đạt, các biện pháp tu từ và giá trị của từng biện pháp, phong cách ngôn ngữ cho từng loại văn bản…. Với phần Nghị luận xã hội (NLXH), các em phải “nằm lòng” các bước làm bài văn NLXH về một hiện tượng trong xã hội hay về tư tưởng đạo lí.
Ở bài về tư tưởng đạo lí, các em có thể ôn tập theo từng chủ đề như tình yêu thương, nghị lực vượt qua nghịch cảnh, lí tưởng sống, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, sự khẳng định giá trị bản thân ... Ở bài các hiện tượng xã hội, các em nên cập nhật những hiện tượng đang xã hội quan tâm để có những dẫn chứng chân thật, tiêu biểu và xác đáng cho bài viết của mình. Các em có thể trao đổi ý kiến cùng bạn bè trong những giờ lên lớp hay cùng bố mẹ trong những bữa cơm gia đình, để thực tập cách lập luận, khả năng trình bày chính kiến và mài sắc tư duy phản biện…
Phần Nghị luận văn học (NLVH), các em cần nắm vững tác giả, nội dung nghệ thuật chính yếu trong từng tác phẩm, đặc điểm tính cách nhân vật, dẫn chứng cụ thể. Điều quan trọng khi làm bài NLVH là phải thuộc dẫn chứng. Các em nên học thuộc thơ và văn xuôi. Có dẫn chứng mới có thể trích dẫn khi phân tích, bình giảng.
Các em cũng phải nắm vững các dạng bài phân tích thơ, phân tích nhân vật, làm rõ nhận định…Phần đề yêu cầu làm rõ nhận định nào đó thường ra trong nhiều năm trở lại đây, các em cần xác định kĩ nhận định để phân tích, chứng minh, bình luận nhằm làm sáng tỏ vấn đề. Các em nhớ là không nên kể lại câu chuyện hay cảm nhận về nhân vật nói đến trong nhận định. Đây là cách làm quen thuộc của nhiều bạn thí sinh và như vậy nó không đáp ứng yêu cầu của đề.
Phương pháp làm bài
Ngay khi nhận đề, các em phải đọc kĩ đề, gạch dưới những từ ngữ quan trọng, xác định phương hướng làm bài và viết nhanh dàn bài vào giấy nháp. Đây là công đoạn nhiều bạn xem thường và bỏ qua nhưng nó rất quan trọng trong việc định hình bài viết, các ý sẽ triển khai và thời gian cho mỗi phần. Nhất là khi càng về cuối, thời gian làm bài gần hết, các em thường mất bình tĩnh và bỏ quên nhiều ý quan trọng. Dàn bài sẽ là “người bạn đường” đầy tin cậy chỉ cho các em những ý cuối cùng để hoàn thiện bài viết.
Thời gian là điều không nên bỏ qua khi làm bất cứ một bài thi nào. Các em cần phân bố thời gian hợp lí cho các câu. Năm nay, đề thi minh họa môn Văn được Bộ Giáo dục công bố mới đây có giảm thời gian làm bài còn 120 phút, ít hơn kỳ thi năm ngoái 60 phút. Vậy nên các em cần chú ý kiểm soát và phân phối sao cho hợp lý. Đề thi cũng không yêu cầu phải viết bao nhiêu dòng hay bao nhiêu chữ nên không cần quá “tham” và viết dài.
Phần NLXH cũng nên cân đối để còn tập trung cho câu 3 nhiều điểm nhất. Cách trả lời và dung lượng ở mỗi câu cũng là điều các em cần chú ý. Câu 1 đọc hiểu năm nay cũng đã được giảm đi 4 câu nên các em cần lướt nhanh, trả lời trả lời ngắn gọn, đầy đủ, chính xác, tập trung đúng ý cho phần đó, không nên mất nhiều thời gian viết thành những đoạn văn dài, ảnh hưởng thời gian của hai câu quan trọng còn lại. Các câu hỏi trong phần đọc hiểu.
Ở trong cả hai phần NLXH và NLVH, các em đều phải tuân theo bố cục ba phần mở bài, thân bài, kết bài. Từng phần như vậy phải được phân tách bằng những đoạn riêng biệt. Đây tưởng là lời nhắc nhở thừa nhưng trong quá trình nhiều năm chấm thi, tôi thấy có không ít em viết chung mở bài và thân bài hay thân bài gắn với kết bài. Phần thân bài gồm nhiều đoạn văn khác nhau, mỗi đoạn tương ứng với một luận điểm lớn. Các em vẫn thường viết phần thân bài rất dài mà thường không có sự tách đoạn.
Nắm vững kỹ năng, phương pháp làm bài, các em cũng được khuyên nên tạo tâm thế vững vàng sẵn sàng để bước vào kỳ thi. |
Tinh thần là điều quan trọng!
Kiến thức và kĩ năng được các em tích lũy trong một quá trình dài, nó đã trở thành “vốn liếng” có sẵn. Trước khi đi thi, các em không cần cố dồn nén thêm nhiều bài học hay học kĩ những bài tủ sẽ ra, mà chỉ cần xem lại các ý chính trong từng bài, cách làm các dạng bài.
Các em cần tạo tâm thế thoải mái, nhẹ nhàng trước khi thi. Đầu óc thư thái sẽ tạo điều kiện để các em nhớ lại kiến thức, bình tĩnh để nhận diện và giải quyết yêu cầu của đề. Các em cũng có thể nghe bản nhạc yêu thích, đọc bài thơ hay bài văn hay. Nó có thể là chất xúc tác tuyệt vời để các em thăng hoa cảm xúc trong các bài văn, mạch văn cũng dồi dào và sâu sắc hơn.
Nắm vững kiến thức và kỹ năng, hiểu phương pháp làm bài và giữ tinh thần thật tốt, các em sẽ bước vào kì thi tự tin hơn và nhất định sẽ gặt hái được kết quả cao!
Thủy Nguyên
Theo VNM - PL.XH