22/04/2017 | 21:05

Chỉ 15% sinh viên CNTT mới tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp

Theo thống kê của Viện Chiến lược CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện 72% SV ngành CNTT không có kinh nghiệm, thực hành; 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm và thiếu kỹ năng mềm. Chỉ khoảng 15% SV mới tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu.
Nguồn nhân lực CNTT chất lượng đang rất thiếu
 
Sáng ngày 21/5 tại TPHCM, Hội Tin học TPHCM đã tổ chức “Giao Lưu Giảng Viên – Doanh Nghiệp CNTT” nhằm tạo kênh chia sẻ, cập nhật thông tin công nghệ trực tiếp giữa các Giảng viên CNTT và các Doanh nghiệp CNTT trong và ngoài nước. Chương trình thu hút gần 100 giảng viên CNTT của các trường Đại học, Cao đẳng tại TPHCM và các doanh nghiệp CNTT tham gia, góp phần thực tế hóa hoạt động đào tạo, kết nối Nhà trường – Doanh nghiệp và phát triển nguồn nhân lực CNTT.
 
Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Hồng Trang, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông cho biết: “Theo thống kê của Bộ Thông tin - Truyền thông, 37% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phần mềm tại nước ta có số lượng nhân viên dưới 20 người, 39% doanh nghiệp có số nhân viên dưới 50 người, chỉ 4% doanh nghiệp có hơn 200 nhân viên. Nhìn vào những con số trên có thể thấy chúng ta mới chỉ đáp ứng được số lượng rất nhỏ so với nhu cầu của thị trường.”
 
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội phần mềm VN (Vinasa), hiện tổng nhân lực làm công nghệ thông tin của Việt Nam khoảng 250.000 người (trong đó có khoảng 50.000 người trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số). Theo khảo sát nhận định về xu hướng nhu cầu nhân lực của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM tại 27.000 DN thuộc các ngành nghề trên địa bàn thành phố cho thấy, các năm 2010-2012, ngành CNTT có nhu cầu nhân lực lớn nhất, chiếm 7,75% và nhu cầu nhân lực chuyên ngành công nghệ thông tin và nhân lực phần mềm giai đoạn năm 2012-2015 và đến 2020, mỗi năm TP HCM cần thu hút trên 6% trong tổng số chỗ làm việc tại thành phố là 270.000 - 280.000 nhân lực/năm.
 
Dự báo từ năm 2015 trở đi, nhu cầu tuyển dụng ngành CNTT sẽ tập trung vào lĩnh vực lập trình viên, kỹ sư hệ thống mạng, kỹ sư phần cứng, kỹ thuật viên - chuyên viên thiết kế lập trình web, lập trình điện thoại di động, game… Nhất là đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên an ninh mạng, IT.
 
Từ các số liệu trên có thể thấy nhu cầu về nguồn nhân lực CNTT chất lượng của các doanh nghiệp CNTT hiện nay rất lớn. Trong khi đó, sự phát triển công nghệ ngày càng vượt bậc, môi trường doanh nghiệp, khả năng ứng dụng CNTT hay việc mở rộng ứng dụng nhanh hơn, đơn giản hơn... đặt ra yêu cầu mới hơn đối với các nhân sự CNTT. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay chỉ ra rằng, chỉ có 15% sinh viên CNTT mới tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu đó. Dẫn số liệu thống kê của Viện Chiến lược CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện 72% SV ngành CNTT không có kinh nghiệm, thực hành; 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm và thiếu kỹ năng mềm. Chỉ khoảng 15% SV mới tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu.
 
Cần sự thay đổi trong chương trình giảng dạy CNTT
 
Theo bà Nguyễn Hồng Trang, để có thể giải quyết thực trạng trên đòi hỏi chương trình giảng dạy CNTT cần được cập nhật thường xuyên theo thực tế phát triển công nghệ của thế giới. Đồng thời, cần gia tăng thời lượng thực hành trong đào tạo, tăng cường đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng mềm cho sinh viên và nâng cao chất lượng giảng viên ngành CNTT…
 
Theo chuyên gia của Microsoft, 4 xu hướng Công nghệ lớn đang ảnh hưởng trên toàn cầu là Di dộng, Mạng xã hội, Điện toán đám mây và Dữ liệu lớn (Big data). Trong đó, Microsoft dự báo đến 2016, số lượng nhân viên làm việc di dộng trên toàn thế giới sẽ đạt con số 1,3 tỉ, chiếm 37% lực lượng lao động. Với xu thế điện toán đám mây, sự chuyển hướng ngày càng mạnh mẽ trên toàn cầu! Theo đại diện của Acumatica, thị trường công nghệ đám mây sử dụng phần mềm như là dịch vụ (software as a service - SaaS) sẽ tăng trưởng gấp đôi, lên đến 78 tỉ USD vào năm 2016, so với việc đầu tư vào hệ thống ERP truyền thống sẽ giảm hơn 30% xuống còn thấp hơn 15 tỉ USD.
 
Do đó, để thay đổi thực trạng trên, cung cấp cho các doanh nghiệp những nguồn nhân lực CNTT chất lượng, đáp ứng đúng nhu cầu mà doanh nghiệp cần, đòi hỏi phía nhà trường, nhất là các giảng viên CNTT không ngừng tiếp cận thực tế, đổi mới chương trình giảng dạy CNTT, bắt kịp xu thế công nghệ của thế giới, qua đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp giảm thời gian tuyển dụng và đào tạo lại.
 
Chương trình “Giao Lưu Giảng Viên – Doanh Nghiệp CNTT” lần 1-2015 do Hội Tin học TPHCM tổ chức vào sáng ngày 21/5, với sự đồng hành của Công ty Ươm tạo Doanh nghiệp Phần mềm Quang Trung (Quang Trung Incubator), CLB Đào Tạo thuộc HCA (HCA-TC) và Trường Cao Đẳng Viễn Đông. Chương trình lần này không chỉ tạo ra cầu nối Doanh nghiệp – Nhà trường mà còn quan tâm đến giải quyết bài toán nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Hiện CLB Đào tạo thuộc Hội Tin học TPHCM (HCA-TC) có chương trình thực tập/đào tạo/chuyển giao để ứng viên là sinh viên mới ra trường đáp ứng yêu cầu công việc dù thuộc chuyên ngành CNTT như chuyên viên phát triển phần mềm, an ninh mạng; hay công việc ứng dụng CNTT như quản trị mạng, marketing Online, quản trị website, nhân viên nhập liệu, xử lý dữ liệu… Tại buổi giao lưu, HCA-TC đã ký kết hợp tác với 3 doanh nghiệp là Công ty Global Cyber Soft VN, Công ty TNHH Luxoft Việt Nam, Công ty TNHH Swiss Post Solutions để triển khai chương trình đào tạo – chuyển giao nguồn nhân lực CNTT, qua đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp giảm thời gian tuyển dụng và đào tạo lại.
Theo dantri.com.vn

Khảo sát ý kiến khách hàng

Theo bạn, Việt Nam nên học mô hình giáo dục của nước nào?

Mỹ
Trung Quốc
Singapore
Nga
Không nước nào

Mã xác thực