Trường ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định vị thế trường đại học trọng điểm về khoa học - công nghệ của quốc gia
Đến dự buổi lễ có các đồng chí: Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, cùng các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành, thành phố Hà Nội và các tỉnh thành…
Các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh gửi lẵng hoa chúc mừng nhà trường.
Bắt đầu từ “vạch xuất phát” nhiều khó khăn, chặng đường đầu đã ghi dấu những đóng góp quan trọng của trường ĐH kỹ thuật đầu tiên của Việt Nam. Trường Đại học Chuyên nghiệp Bách khoa, tiền thân của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, được thành lập cách đây đúng 60 năm nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật cho đất nước; là trường đại học kỹ thuật đầu tiên của nước ta có nhiệm vụ đào tạo kỹ sư công nghiệp, phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chỉ 10 năm đầu tiên, Trường đã đào tạo được gần 4.000 kỹ sư, thực hiện hơn 100 đề tài nghiên cứu khoa học – kỹ thuật phục vụ sản xuất và chiến đấu.
Sáu thập niên trưởng thành, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã đào tạo và cung cấp đội ngũ trên 200.000 chuyên gia kỹ thuật; trong đó có 190.000 kỹ sư và cán bộ kỹ thuật, 14.246 thạc sĩ và 838 tiến sĩ.
Các thế hệ kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ trưởng thành từ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã và đang có mặt trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng của đất nước. Nhiều người trong số họ được nhận danh hiệu Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, không ít người trở thành cán bộ lãnh đạo cao cấp.
Với những kết quả, thành tích, đóng góp to lớn của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong suốt 60 năm qua, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trân trọng gắn Huân chương Hồ Chí Minh lên lá cờ truyền thống của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Điểm lại chặng đường 60 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá, đi cùng với nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục - đào tạo, Trường luôn giữ vai trò tiên phong trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đổi mới công nghệ, gắn với nhu cầu thực tế trong sản xuất, kinh doanh và đời sống. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những cơ sở nghiên cứu đứng đầu Việt Nam trong bảng xếp hạng về năng lực nghiên cứu của các tổ chức quốc tế; đồng thời góp phần quan trọng vào việc hình thành và phát triển hệ thống các trường đại học và cao đẳng kỹ thuật của nước nhà.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, những năm gần đây, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những đơn vị đi đầu trong việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Mục tiêu chương trình đào tạo ngày càng được hoàn thiện, bám sát yêu cầu phát triển của thực tiễn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Đội ngũ cán bộ, giảng viên được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục - đào tạo; trình độ, năng lực, phương pháp sư phạm được nâng cao.
Chủ tịch nước biểu dương những kết quả, thành tích, đóng góp to lớn của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo, không những góp phần nâng cao vị thế và uy tín của nhà trường, mà còn tác động tích cực, ảnh hưởng lan tỏa sâu rộng tới toàn hệ thống giáo dục đại học nước nhà, đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cấp các ngành ghi nhận, đánh giá cao, tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý. Đặc biệt, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã vinh dự được Bác Hồ kính yêu ba lần đến thăm, động viên, khen ngợi; được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra một thời đại mới của các hệ thống thiết bị thông minh, tích hợp nhiều kỹ thuật và công nghệ, tác động mạnh mẽ đến sản xuất, thúc đẩy nền kinh tế thế giới chuyển sang kinh tế tri thức - “thông minh”. Các thành tựu mới của khoa học - công nghệ được ứng dụng để tối ưu hóa quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng và quản lý, quản trị... đặt ra cho ngành Giáo dục - Đào tạo nói chung và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nói riêng những yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang.
Chủ tịch nước lưu ý, với vị thế là một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học - công nghệ hàng đầu, giữ vai trò chủ lực trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước, nhà trường cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI); Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI).
Đồng thời, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đề nghị Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm: Triển khai tốt Đề án thí điểm đổi mới quản lý theo cơ chế tự chủ, đổi mới mô hình quản trị theo mô hình các trường đại học tiên tiến của khu vực và trên thế giới; Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ, bám sát định hướng chiến lược phát triển khoa học - công nghệ của đất nước và nhu cầu của xã hội, nhất là trong những lĩnh vực công nghệ trọng điểm, mang tính liên ngành, đóng vai trò then chốt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm, năng lực quản lý, coi đây là lực lượng nòng cốt, quyết định chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục - đào tạo của nhà trường; Chú trọng xây dựng môi trường giáo dục đại học thân thiện, lành mạnh, góp phần hình thành nhân cách, văn hóa giao tiếp, ứng xử chuẩn mực ở sinh viên; Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tiếp tục triển khai các chương trình hợp tác đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ với các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu khoa học - công nghệ có uy tín của các nước trong khu vực và các nước phát triển trên thế giới để phục vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học - công nghệ cho các nước bạn Lào, Campuchia, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam với Lào và Campuchia.
Chủ tịch nước khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn dành sự quan tâm đặc biệt, chăm lo sự nghiệp giáo dục - đào tạo của nước nhà nói chung và sự phát triển của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nói riêng. Vì vậy, nhà trường cần tiếp tục đổi mới, khẳng định vai trò, vị thế trường đại học trọng điểm về khoa học - công nghệ của quốc gia, phục vụ thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
Tin, ảnh: THU HÀ