Băn khoăn thực trạng thí sinh đổ xô vào ngành Công an, Quân đội
Nhìn điểm trúng tuyển vào các học viện, trường đại học CAND năm 2017 theo công bố của Tổng cục CAND, các ngành khác không khỏi ngưỡng mộ. Điểm chuẩn các ngành bình quân ở trong khung 25-27 điểm, trong đó, nhiều ngành lên đến 29, thậm chí một số ngành chỉ tiêu dành cho nữ lên đến 30,5 điểm.
Điểm chuẩn vào ngành Công an, Quân đội cao đã dấy lên không ít băn khoăn, câu hỏi của những người làm công tác giáo dục. Một giảng viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM đã đặt câu hỏi tại sao điểm chuẩn vào các ngành Công an, Cảnh sát, Quân đội lại cao đến như vậy? Các bạn trẻ đổ xô vào các ngành này theo bà là một điều hết sức kỳ lạ. Đây có thể xem là một xu hướng vận động phát triển không giống ai và bà cũng thắc mắc ai đang định hướng nghề nghiệp cho các em?
Điểm chuẩn vào các trường Công an, Quân đội nằm ở top cao. (Ảnh minh họa)
Phân tích một cách khách quan, anh Trần Phú, công tác trong ngành Phòng cháy chữa cháy cho rằng với việc cải cách thi cử như hiện nay đã nghiễm nhiên đẩy kết quả thi cao hơn so hình thức thi cử cũ.
Từ trước tới giờ điểm chuẩn khối trường Công an, Quân đội đã vốn dĩ cao hơn mặt sàn so với các trường ngoài ngành. Cùng với đó với việc giảm chỉ tiêu còn 1.500 chỉ tiêu cho 7 trường khối Công an so với 3.200 chỉ tiêu năm 2016 mà lượng hồ sơ nộp vào không thay đổi thì đương nhiên đã đẩy điểm lên cao hơn so với năm trước. Cùng với đó là khối trường Công an, Quân đội còn phải tiếp nhận một lượng lớn thí sinh là lính nghĩa vụ tham gia thi và ứng tuyển trong tổng số chỉ tiêu đề ra.
Anh P.Đ.P., một sĩ quan phân tích, các ngành Công an hay Quân đội bị khống chế chỉ tiêu. Theo nguyên tắc "bó đũa chọn cột cờ" nên ai điểm cao mới trúng.
Anh P. cho rằng, con học hai ngành này thì trong quá trình học, bố mẹ yên tâm hơn vì con mình được quản lý chặt chẽ, hầu như không bị sa ngã do những tác động của xã hội. Cũng phải nhìn nhận mấy năm gần đây lương Công an, Quân đội có khá hơn trước, học xong cũng không lo "xin việc".
Ngoài các yếu tố khách quan, anh Trần Phú cũng thừa nhận học các ngành này không phải lo các yếu tố về sinh hoạt, chi phí trong quá trình học tập và điều đặc biệt là không "thất nghiệp" khi ra trường là yếu tố quan trọng nhất.
Đáng lo và đáng tiếc?!
Sau khi đặt câu hỏi tại sao, nữ giảng viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM đã nhận được rất nhiều phản hồi của đồng nghiệp của bạn bè. Cô ghi nhận được ngành Công an, Quân đội được “bao việc làm” là lý do hàng đầu để các bạn trẻ chen chân vào. Theo cô, quyền lợi này đã có từ lâu nhưng trước đây các ngành này cũng không “nóng” như vậy. Các bạn trẻ bây giờ mà vẫn tiếp nhận tư tưởng được “dọn sân” thì rất đáng lo.
Không thể phủ nhận tình trạng thất nghiệp, ra trường khó xin việc làm đã tác động rất lớn đến lựa chọn nghề nghiệp của các bạn trẻ. Tuy nhiên, đây sẽ điều hết sức đáng ngại và đáng tiếc nếu các bạn trẻ, nhất là các bạn có điểm thi cao chọn nghề vì lý do “được bảo đảm” chứ không xuất phát từ đam mê hay hiểu biết về ngành nghề.
Liệu chăng các em chỉ nhìn thấy vào học ngành Công an, Quân đội là yên ổn, lương cao, có sẵn việc làm... mà không hiểu những khó khăn, thử thách và cám dỗ của nghề. Chọn nghề mới chỉ nhìn thấy “vàng” chứ chưa thấy “bạc”.
Trong khi, các bạn giỏi, điểm thi cao như thế mà chăm chăm chọn nghề “ưu tiên” để không phải xin việc cũng đáng tiếc. Các bạn học giỏi, có năng lực thì lo gì không xin được việc nhưng vẫn đeo nặng tư tưởng “bao việc làm”, “chạy việc”.
Chưa kể, với lý do con đi học các trường này được quản lý, cha mẹ không lo con hư hỏng cũng bị phản bác lại. Cha mẹ đã chăm chăm giữ con 18 năm, giờ con đi học đại học vẫn mong có người “trông trẻ”? Bây giờ còn mong chờ như vậy, sau khi ra trường đi làm với rất nhiều thử thách, nguy hiểm và cám dỗ thì các em nhờ ai “giữ mình?”.
Đối với các em chọn chỉ vì điều kiện gia đình, không phải lo chi phí học tập cũng hết sức đáng tiếc. Hiện nay, các em hoàn toàn có thể tự đi làm thêm, kiếm tiền nuôi mình ăn học, theo đuổi đam mê bản thân. Khó nhưng không phải không thể.
Từ thực trạng này, nhiều người nêu ý kiến cảnh báo về việc định hướng nghề nghiệp của gia đình và các trường phổ thông những năm gần đây dựa vào những con số, những thứ định lượng được trước mắt có thể dẫn đến rất nhiều hệ lụy cho chính bản thân các em và cả xã hội.
Hoài Nam