Tâm thư của "những nhà giáo già" gửi Hội đồng Quốc gia Giáo dục
Trước thực trạng đáng lo ngại về việc đào tạo giáo viên, nhóm "những lão giáo già" do nhà giáo Hoàng Hữu Đức chắp bút gửi một bức tâm thư đến Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực và Ủy ban Quốc gia Đổi mới Giáo dục và Đào tạo.
Các nhà giáo kiến nghị một số giải pháp để nâng cao chất lượng và xoá bỏ lãng phí trong đào tạo giáo viên.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Không còn nghi ngờ gì nữa, việc đào tạo giáo viên tràn lan, đội quân thất nghiệp của ngành giáo dục tăng tốc chóng mặt.
Ước tính hiện nay đã có hàng trăm nghìn người và sẽ có thêm vài trăm nghìn nữa sau 3,4 năm tới như bài báo “Hàng vạn cuộc đời bị “hủy diệt” bởi sự lãng phí nguồn nhân lực giáo dục” của nhóm tác giả Việt Cường.
Bài viết vừa đăng trên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam số ra ngày 28/9/2017 đã phân tích cho thấy một thảm họa đối với ngành giáo dục nước ta.
Thảm họa này không chỉ lãng phí tiền bạc của Nhà nước, tiền nuôi con ăn học trong mấy năm của các gia đình, tuổi trẻ của nhiều nghìn thanh niên Việt Nam.
Nó còn là nguyên nhân chính khiến cho học sinh tốt nghiệp lớp 12 không còn mặn mà thi vào các trường Sư phạm, hầu hết học sinh khá giỏi đều lựa chọn các ngành nghề khác, dẫn tới mặt bằng điểm chuẩn vào các trường Sư phạm năm 2017 xuống thấp đến tận đáy.
Điều đó sẽ khiến cho chất lượng đào tạo giáo viên giảm sút nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam.
Giải pháp nào sẽ giúp nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên. (Ảnh minh hoạ: Báo Giáo dục và Thời đại) |
Vì thế, “những lão giáo già” chúng tôi khẩn thiết kêu gọi Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực và Ủy ban Quốc gia Đổi mới Giáo dục và Đào tạonhanh chóng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các địa phương quyết định ngay một số việc cấp bách như sau:
1. Năm 2018, cắt ngay chỉ tiêu đào tạo của các trường Trung cấp và Cao đẳng Sư phạm trên phạm vi cả nước, có kế hoạch chuyển đổi nhiệm vụ, mục tiêu, sứ mạng giáo dục của hệ thống các trường này
Bởi vì, đội quân giáo viên thất nghiệp đã quá dư thừa; ngân sách các địa phương đã quá lãng phí; chương trình đào tạo của các trường Cao đẳng Sư phạm đã quá lạc hậu;
Chất lượng đào tạo đã không còn đảm bảo; bằng tốt nghiệp Cử nhân Cao đẳng Sư phạm không còn phù hợp trong tình hình mới khi mà ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, muốn trở thành thầy cô giáo đều phải có bằng Đại học Sư phạm hệ chính quy, thậm chí có nước còn phải có bằng thạc sĩ.
Mặt khác, cắt chỉ tiêu đào tạo của hệ thống các trường này ngay từ năm 2018 vẫn chưa ảnh hưởng gì tới hoạt động cũng như đội ngũ cán bộ giảng viên của họ.
Với số sinh viên vừa tuyển vào trường năm 2017 và số sinh viên đã tuyển từ năm 2015, 2016, hoạt động đào tạo của các trường vẫn bình thường trong năm 2018 và sẽ giảm dần trong năm 2019 và 2020.
Quãng thời gian đó đủ lộ trình cho Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc cụ thể với các địa phương; chuyển đổi nhiệm vụ; mục tiêu, sứ mạng giáo dục của các trường; sắp xếp lại bộ máy nhân sự của họ cho phù hợp.
Hệ thống các trường Cao đẳng Sư phạm cả nước sau một thời gian dài hoạt động đã có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận và trân trọng công lao của họ. Tuy nhiên thực tế giáo dục hiện nay đã hoàn toàn thay đổi.
Các trường Cao đẳng Sư phạm đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình, đã đến lúc phải chuyển sang nhiệm vụ và phương thức hoạt động mới, phù hợp và hiệu quả hơn.
2. Cắt, dừng ngay chỉ tiêu đào tạo giáo viên của các trường Đại học địa phương trên phạm vi cả nước ngay trong năm 2018
Các trường Đại học này phần lớn được nâng cấp từ các trường Cao đẳng Sư phạm địa phương, trở thành các trường Đại học đa ngành, đào tạo nhiều lĩnh vực.
Thậm chí nhiều trường còn coi chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm là điều kiện sinh tồn, nguồn thu nhập chính, cho nên chạy theo số lượng sinh viên để nhận được sự hỗ trợ học phí đào tạo từ ngân sách.Tuy nhiên, hầu hết các trường vẫn tiếp tục truyền thống đào tạo giáo viên của mình, liên tục tuyển sinh ngành sư phạm.
Điều này dẫn đến một cuộc chạy đua về chỉ tiêu đào tạo, dùng mọi biện pháp để xin xỏ chỉ tiêu, tuyển sinh được càng nhiều các tốt, lấy điểm chuẩn đầu vào bằng điểm sàn, thậm chí “xét học bạ” cũng được, bất chấp mọi hệ lụy và hậu quả.
Hầu hết các trường Đại học địa phương đều chưa có bề dày kinh nghiệm và thiếu đội ngũ giảng viên có trình độ cao trong đào tạo sinh viên Đại học Sư phạm hệ chính quy.
Đội ngũ giảng viên ở nhiều trường có số lượng tiến sĩ còn chưa bằng số lượng tiến sĩ ở một Khoa trong các trường Đại học Sư phạm truyền thống.
Chương trình đào tạo chủ yếu được chỉnh sửa, nâng cấp từ chương trình Cao đẳng Sư phạm hoặc “ăn theo” chương trình của các trường Đại học Sư phạm truyền thống.
Bởi vậy, chất lượng đầu ra thấp, trình độ và năng lực sinh viên tốt nghiệp nhìn chung là yếu, đa phần không đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục và nội dung chương trình sách giáo khoa phổ thông mới sắp được thực hiện.
Mặt khác, số lượng chỉ tiêu đào tạo giáo viên của các trường này cực lớn. Sơ bộ thống kê, chúng tôi nhận thấy năm 2017 có tới 24 trường tuyển sinh ngành sư phạm trên phạm vi cả nước.
Lướt nhìn Bắc – Trung – Nam, cụ thể như sau:
1-Đại học Tây Bắc (Sơn La), 2- Đại học Hùng Vương (Phú Thọ), 3- Đại học Tân Trào (Tuyên Quang), 4- Đại học Hải Phòng, 5- Đại học Thủ đô Hà Nội, 6- Đại học Hoa Lư (Ninh Bình), 7- Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa), 8- Đại học Hà Tĩnh;
9 - Đại học Quảng Bình, 10 - Đại học Tây Nguyên, 11 - Đại học Đà Lạt, 12 - Đại học Phạm Văn Đồng, 13 - Đại học Phú Yên, 14 - Đại học Quảng Nam, 15- Đại học Khánh Hòa, 16 - Đại học Phan Thiết;
17 - Đại học Thủ Dầu Một, 18 - Đại học Sài Gòn, 19- Đại học Đồng Nai, 20 - Đại học Kiên Giang, 21 - Đại học An Giang, 22 - Đại học Bạc Liêu, 23 - Đại học Cần Thơ, 24 - Đại học Đồng Tháp.
Ở đây, chúng tôi không tính đến các trường Đại học Sư phạm truyền thống như:
Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội II Xuân Hòa, Đại học Sư phạm - Đại học Huế;
Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cùng hai trường Đại học khác đều có đội ngũ nòng cốt từ các trường Đại học Sư phạm cũ là: Đại học Vinh, Đại học Quy Nhơn;
Một số trường có truyền thống và chất lượng đào tạo giáo viên như: Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội, các trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, các trường đào tạo giáo viên năng khiếu….
Chỉ riêng 24 trường đại học địa phương có chỉ tiêu tuyển sinh năm 2017, hàng năm cho ra trường một đội ngũ giáo viên khá lớn, đóng góp quan trọng vào đội quân thất nghiệp ngày càng tăng của ngành giáo dục.
Họ cũng đã góp phần không nhỏ vào sự lãng phí ngân sách của Nhà nước.
Địa điểm đặt các trường này cũng không xa các trường Đại học Sư phạm truyền thống, thậm chí nhiều trường rất gần nhau, nhất là ở miền Trung.
Điều đó dẫn đến tình hình tranh giành chỉ tiêu, các trường giẫm chân lên nhau, tạo sự hỗn loạn trong việc đào tạo nguồn nhân lực giáo dục.
Chúng tôi đề nghị Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực cắt dừng ngay việc tuyển sinh sư phạm năm 2018 của 24 trường đại học này.
Tiếp theo, từ nay đến năm 2019, tổ chức đánh giá, kiểm định, thanh tra toàn diện và nghiêm túc các trường cả về đội ngũ giảng viên, cơ chế quản lý, nội dung chương trình đào tạo;Việc cắt dừng đó cũng chưa ảnh hưởng đến hoạt động và sự tồn tại của các trường.
Chuẩn đầu ra, chất lượng sinh viên tốt nghiệp, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm, điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ dạy học, hệ thống giáo trình, đề cương bài giảng và đề cương môn học, tình hình nghiên cứu khoa học giáo dục…
Trên cơ sở đó, năm 2018 và 2019 sẽ quyết định trường nào được tiếp tục đào tạo giáo viên, trường nào không được phép đào tạo;
Có kế hoạch liên kết giữa các trường Đại học địa phương với các trường Đại học Sư phạm truyền thống cùng địa bàn để đào tạo giáo viên đảm bảo chất lượng.
Trong lộ trình từ nay đến năm 2019, trên cơ sở cắt, dừng chỉ tiêu đào tạo, rà soát và đánh giá tổng thể năng lực đào tạo của các trường này, chúng tôi tin rằng sẽ chấm dứt được sự hỗn loạn trong đào tạo giáo viên hiện nay, giảm thiểu tối đa sự lãng phí tiền bạc của Nhà nước và Nhân dân…
3. Giao chỉ tiêu đào tạo cụ thể cho các trường Đại học Sư phạm truyền thống, đặc biệt là các trường có bề dày kinh nghiệm, có đội ngũ giảng viên trình độ cao đạt chuẩn, có năng lực đào tạo tốt, có đầy đủ cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ công việc đào tạo giáo viên
Đặc biệt, bắt đầu từ năm 2018, sinh viên vào trường Đại học Sư phạm cần được giúp đỡ và hỗ trợ hơn nữa về kinh phí đào tạo.
Có thể xét cấp học bổng cho sinh viên sư phạm.
Nguồn ngân sách tiết kiệm được từ việc cắt dừng chỉ tiêu đào tạo ở các trường Trung cấp, Cao đẳng Sư phạm và 24 trường Đại học địa phương kia quá dư thừa để hỗ trợ cho số lượng sinh viên được tuyển mới từ năm 2018 ở các trường Đại học Sư phạm có chất lượng tốt.
Một điều vô cùng quan trọng là các trường Đại học Sư phạm được giao chỉ tiêu đào tạo có thẩm quyền cấp: Chứng chỉ Hành nghề Giáo viên cho sinh viên tốt nghiệp đạt được chuẩn đầu ra.
Việc cấp Chứng chỉ Hành nghề Giáo viên chỉ giao cho các trường Đại học Sư phạm đã đạt chuẩn. Tất cả sinh viên tốt nghiệp ở các cơ sở đào tạo giáo viên khác phải có chứng chỉ hành nghề này mới được phép làm thầy cô giáo.
Các trường, các địa phương có nhu cầu tuyển dụng giáo viên phải tuyệt đối tuân thủ quy định này.Sinh viên đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm, đã có Chứng chỉ Hành nghề Giáo viên sẽ có quyền làm thầy cô giáo ở bất cứ địa phương nào, không cần phải qua khâu thi tuyển phức tạp, lộn xộn, tùy tiện và nhiều tiêu cực như hiện nay.
Nếu trường nào có số người xin tuyển dụng vượt quá chỉ tiêu, lúc ấy mới xét đến các chỉ số phụ, các chỉ số ưu tiên theo luật định.
4. Lời kết
Nếu trong năm 2018, chúng ta thực hiện được ngay việc cắt chỉ tiêu đào tạo, dẫn tới việc xóa bỏ hệ thống các trường Cao đẳng Sư phạm ở nước ta;
Cùng với việc cắt chỉ tiêu đào tạo của 24 trường Đại học địa phương, thẩm định đánh giá toàn diện chất lượng đào tạo của các trường này, đi tới việc quyết định xóa bỏ hay tiếp tục việc đào tạo giáo viên ở các trường;
Quyết định giao chỉ tiêu cụ thể cho các trường Đại học Sư phạm truyền thống, có chính sách đãi ngộ khuyến khích sinh viên sư phạm tốt hơn trong quá trình học tập tại trường và xin việc sau khi ra trường, chúng tôi tin chắc rằng chúng ta sẽ đạt được những kết quả vô cùng tốt đẹp.
Thứ nhất, sẽ xóa bỏ tận gốc sự lãng phí về tiền bạc của Nhà nước và Nhân dân; xóa bỏ được sự lãng phí về thời gian tuổi trẻ của một nguồn nhân lực lớn.
Thứ hai, nâng cao toàn diện chất lượng đào tạo giáo viên, đưa hệ thống nguồn nhân lực giáo dục vào nền nếp và quy củ, góp phần thiết thực vào công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà.
Thứ ba, tạo ra sự kích thích và hấp dẫn to lớn đối với những thanh niên có khát khao và nguyện ước được gắn bó với ngành giáo dục, nâng điểm chuẩn đầu vào các trường Đại học Sư phạm cao ngang các trường tốp đầu cả nước.
Điều đó sẽ khiến cho ngành giáo dục chọn lựa được những nhân tài, những thanh niên có đầy đủ trình độ, năng lực và tâm huyết cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Thứ tư, tránh được việc xét tuyển, thi tuyển viên chức giáo dục đang rất lộn xộn, thiếu đồng bộ và nhiều tiêu cực như hiện nay, tạo ra một môi trường giáo dục lành mạnh, trong sáng và nền nếp.
Việc cắt bỏ chỉ tiêu đào tạo ở các trường Cao đẳng Sư phạm và cắt dừng chỉ tiêu đào tạo ở các trường Đại học địa phương tuy có đau đớn, khó khăn nhưng không thể chần chừ được nữa.
Đau cũng phải cắt khi nó đã bắt đầu hoại tử trên cơ thể giáo dục đất nước hôm nay.
Đây là những biện pháp hoàn toàn khả thi, không khó thực hiện mà hiệu quả lại vô cùng to lớn.
“Những lão giáo già” chúng tôi đã dành nhiều năm tháng và tâm huyết để nghĩ suy, bàn bạc, trao đổi, mong gửi đến Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực và Ủy ban Quốc gia Đổi mới Giáo dục và Đào tạo, đồng thời gửi tới Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ những lời gan ruột của mình.
Chúng tôi tin rằng nếu chúng ta đồng tâm hiệp lực, tất cả vì con em chúng ta, tất cả vì quốc gia dân tộc thì sự nghiệp giáo dục nước nhà sẽ phát triển tốt đẹp, đổi mới giáo dục chắc chắn sẽ thành công.
Một nền giáo dục yếu đuối và bệnh tật sẽ khiến cho quốc gia dân tộc suy vong.
Nhiều khi những người đang làm công tác quản lý, lãnh đạo lại khó nhìn thấy những căn bệnh trầm kha của ngành giáo dục; và càng khó tìm ra thuốc chữa.
Ngược lại, nhiều khi trí tuệ của Nhân dân lại có thể đưa ra những góp ý và giải pháp hữu hiệu.
Chúng tôi tin rằng với tầm vóc, chức năng, quyền lực và trách nhiệm to lớn trước Nhân dân của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực, thực hiện ba vấn đề nêu trên không có gì là khó.
Chúng tôi có niềm tin chắc chắn rằng đây là những giải pháp vô cùng cấp thiết và hiệu quả để chấn chỉnh nền giáo dục nước nhà, góp phần quan trọng thực hiện Nghị quyết 29 của Đảng về Đổi mới Giáo dục.
Bởi thế, chúng tôi gọi bài viết này là bức tâm thư xin được gửi tới Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực và Ủy ban Quốc gia Đổi mới Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các cơ quan quản lý cấp cao của Đảng, Quốc hội và Nhà nước.
Kính mong quý vị đón nhận, xem xét, đánh giá và quyết định.
Xin trân trọng cảm ơn!
Hoàng Hữu Đức