03/06/2017 | 06:28

PGS Văn Như Cương: Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương bỏ biên chế

GD&TĐ - Thí điểm không còn công chức, viên chức giáo viên đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận gần đây. Tâm huyết và có rất nhiều năm gắn bó với giáo dục, PGS Văn Như Cương - Chủ tịch HĐQT trường THPT Lương Thế Vinh bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này. Trao đổi về quan điểm đối với vấn đề không còn công chức, viên chức giáo viên, PGS Văn Như Cương cho biết:

Mục đích của việc bỏ biên chế nhằm nâng cao chất lượng làm việc của các thầy cô. Tôi hoàn toàn đồng ý chủ trương này với điều kiện phải làm thí điểm, có lộ trình cẩn trọng và phải thay đổi từ các trường sư phạm.

Hiện nay đúng là có một bộ phận giáo viên thiếu tâm huyết, làm việc thiếu trách nhiệm, thiếu ý thức học tập nâng cao trình độ, điều đó khiến giáo dục trì trệ hơn.

Cái lợi của chế độ hợp đồng lao động đối với giáo viên là khiến các thầy cô phải luôn nỗ lực để được tiếp tục ký hợp đồng, không được phép chểnh mảng.

Ví dụ, một trong những yêu cầu với việc dạy học hiện nay là ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mới trong dạy học, điều này khá khó khăn với những giáo viên đã có tuổi. Tuy nhiên, nếu hợp đồng, các giáo viên này vẫn sẽ phải học hỏi để đáp ứng yêu cầu công việc.

Hiện nay, trên thế giới cũng có những nước có nền giáo dục phát triển không thực hiện biên chế đối với đội ngũ giáo viên.

Tuy nhiên, nếu thực hiện chủ trương này cần tính đến cơ chế trả lương cho giáo viên như thế nào, đồng thời hết sức lưu ý những vấn đề có thể nảy sinh, đó là nhân sự trong trường; sự chênh lệch khoảng cách về chất lượng giáo dục vì giáo viên giỏi sẽ có xu hướng dịch chuyển về các trường tốt…

- Là một trường ngoài công lập, ngay từ đầu đã thực hiện chế độ hợp đồng lao động với giáo viên, điều này có ảnh hưởng đến tinh thần đội ngũ, chất lượng dạy học của nhà trường hay không?

Giáo viên vào dạy ở Trường Lương Thế Vinh đều phải được chọn lọc, có thể qua thi hay qua phỏng vấn, để xem quan điểm giáo dục của thầy cô có phù hợp với quan điểm giáo dục của nhà trường hay không. Các giáo viên đầu quân vào trường là muốn có một chỗ đứng thật sự. Tuy nhiên, các thầy cô ở đây muốn gắn bó lâu dài với trường đều phải làm việc thực tâm.

Nhà trường trả lương các thầy cô theo năng suất lao động, theo công sức giáo viên bỏ ra. Ví dụ, nếu giáo viên được bố trí dạy lớp 12 thì dù đó là người nhiều hay ít tuổi, kinh nghiệm làm việc khác nhau, bằng cấp khác nhau… vẫn được trả công như nhau. Các giáo viên rất hoan nghênh cách làm này và luôn cố gắng phấn đấu để được dạy lớp 12 (vì các lớp này có số tiết cao hơn, từ đó thu nhập cao hơn).

- Bí quyết nào để nhà trường tạo môi trường tốt cho giáo viên làm việc, thu hút các được các thầy cô giỏi?

Ở Trường Lương Thế Vinh rất ít hình thức, họp hành, không bình bầu, thi đua.

Chúng tôi sẽ đánh giá giáo viên dựa trên phản ánh của học sinh, chất lượng học sinh. Có trường hợp một giáo viên mới về dạy, áp dụng phương pháp mới nên học sinh không thích và phản ánh lên nhà trường. Tôi đã trực tiếp dự giờ và trao đổi lại với học sinh; quả thật chỉ sau một thời gian học sinh lại thích cô dạy.

Thực tế cho thấy, các giáo viên của chúng tôi đều rất gắn bó với trường. Hiện nhà trường có tất cả 250 giáo viên, nhiều thầy cô gắn bó với chúng tôi từ những ngày đầu thành lập, tức là 28 năm nay. Các thầy cô cũng thực sự vì học sinh và quan hệ với học trò gắn bó, thân thiết.

- Xin cảm ơn thầy!

Hiếu Nguyễn (thực hiện)

Khảo sát ý kiến khách hàng

Theo bạn, Việt Nam nên học mô hình giáo dục của nước nào?

Mỹ
Trung Quốc
Singapore
Nga
Không nước nào

Mã xác thực