Nhà tuyển dụng thất vọng gì ở sinh viên Việt Nam?
Tại hội thảo “Kỹ năng xã hội của sinh viên Việt Nam gia nhập cộng đồng ASEAN” vừa tổ chức tại TP HCM, ThS Vũ Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Học viện quản lý Việt Nam cho rằng các sinh viên Việt Nam không chịu khó, lười tìm tòi. Ông chia sẻ: “Hình như các sinh viên hiện nay càng ít có niềm tin rằng “làm việc chăm chỉ, chu đáo, tử tế ắt sẽ thành công”.
Với tư cách là một nhà tuyển dụng, ông Tuấn Anh cho rằng điều mà các công ty cần ở sinh viên là khả năng tư duy, sau đó đến thái độ rồi mới đến kiến thức, kỹ năng. Trong vấn đề đào tạo kỹ năng cho sinh viên, theo ông Tuấn Anh, các thầy cô hãy truyền thông đến cho các sinh viên rằng hãy tự học kỹ năng mềm thay vì đến lớp học. Kỹ năng mềm là những gì sinh viên tích lũy hàng ngày chứ không thể nào đến lớp học dăm ba ngày để lấy cái chứng chỉ khoe ra. Người tuyển dụng cần kỹ năng mềm của sinh viên thể hiện trong lúc triển khai công việc chứ không phải là tấm bằng mà thực chất không có giá trị.
TS Tăng Hữu Tân, Giám đốc Trung tâm đào tạo phát triển kỹ năng xã hội Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng việc đào tạo kỹ năng mềm tại các trường ĐH, CĐ hiện nay chưa được chú trọng toàn diện, dù được đưa vào đào tạo chính quy nhưng chưa đảm bảo số lượng lẫn chất lượng. Dẫn chứng là chỉ có 45% các trường đưa kỹ năng mềm vào giảng dạy như môn học chính quy. Còn trong các trường có dạy môn học này thì tỷ lệ trung bình chỉ chiếm 3% trong tổng chương trình đào tạo. Mặc dù sinh viên đã bắt đầu chủ động tìm hiểu kỹ năng mềm nhưng chưa đầu tư có hệ thống. Điều này dẫn đến thực trạng các nhà tuyển dụng đánh giá sinh viên ra trường vẫn thiếu kỹ năng mềm, chưa đáp ứng được yêu cầu vị trí công việc mà nhà tuyển dụng đưa ra.
Th.S kinh tế Calvin P.Trần, Giám đốc ASEAN Trade Center của Tập đoàn UIMEX Hoa Kỳ, khi nói chuyện tại Trường CĐ công nghệ và quản trị Sonadezi (Đồng Nai) luôn yêu cầu các sinh viên phải học tiếng Anh để đạt những chứng chỉ quốc tế. Ngoài ra, việc học thêm một chút ngoại ngữ của các nước thành viên ASEAN cũng là lợi thế để hội nhập. Ông cho biết, khi phỏng vấn bằng tiếng Anh, nhiều sinh viên Việt Nam không thể trả lời đúng với những câu hỏi của nhà tuyển dụng nên dễ bị đánh rớt.
Theo các chuyên gia, hiện có rất nhiều sinh viên mới ra trường rất giỏi, có năng lực nhưng lại không thể tiếp cận được với các chương trình đào tạo của các doanh nghiệp vì không thể giao tiếp bằng tiếng Anh, đó là một hạn chế lớn trong hành trang hội nhập. Một số sinh viên có khả năng đọc và hiểu tiếng Anh rất tốt, nhưng lại không thể nói được. Sinh viên Việt Nam chưa thể nói tiếng Anh tốt, bởi một lẽ đơn giản là sợ bị sai, bị người khác cười.
Ông Calvin P.Trần lưu ý 3 điều các sinh viên nên chuẩn bị ngay từ bây giờ, đó là trau dồi các kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp...; nắm vững các kiến thức chuyên môn khi còn ngồi trên ghế giảng đường; tìm hiểu về văn hóa, con người của các quốc gia Đông Nam Á sẽ giúp các sinh viên ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.