Kỳ thi THPT Quốc gia: Còn hạn chế trong bài thi tổ hợp
Thi trắc nghiệm, thí sinh giảm vi phạm quy chế
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và dịch vụ đào tạo trường ĐH Công nghiệp TPHCM, đồng thời là thành viên ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia 2017 tại Tây Ninh đánh giá: “Cách tổ chức thi năm này thí sinh cũng cảm thấy nhẹ hơn, do thời gian thi rút ngắn hơn, đề thi trắc nghiệm và có bài thi tổ hợp lại nên về mặt thời gian đỡ hơn cho thí sinh, giảm áp lực, căng thẳng về thi cử cho các em. Cấu trúc đề thi được phân bổ từ dễ đến khó đã giải được bài toán “tâm lý” cũng như cách thức làm bài của học sinh, suy nghĩ của thí sinh cũng logic và tuần tự giống như các kỳ thi của quốc tế hơn, do đó cũng phần nào đỡ nặng nề cho thí sinh”.
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, kỳ thi năm nay tỉ lệ thí sinh vi phạm giảm đi đáng kể. “Tôi đánh giá tỉ lệ đó là thực vì rõ ràng ở môn tự luận vi phạm cũng không thua gì các năm. Tuy nhiên, các môn trắc nghiệm lại có phần giảm hơn mọi năm, đặc biệt mỗi thí sinh có một đề thi riêng nên cơ hội để thí sinh gian lận rất khó. Đó là những điểm tích cực của kỳ thi năm nay, hi vọng sang năm cũng nên phát huy vai trò về công tác tổ chức giống như năm nay”, ông Sơn chia sẻ.
Một số ý kiến cho rằng thí sinh thích thi trắc nghiệm vì đề trắc nghiệm dễ hơn, đặc biệt là môn Khoa học xã hội. Tuy nhiên thạc sĩ Phạm Thái Sơn cho rằng đó là suy nghĩ phiến diện. “Theo tôi, thí sinh thích trắc nghiệm có thể lí giải ở nguyên nhân là với cách dạy nhiều năm qua các môn xã hội được hiểu là môn học thuộc lòng, thi tự luận nếu em nào chịu ngồi học thuộc thì sẽ đạt điểm cao. Nhưng khi thi trắc nghiệm như thế này thì các môn xã hội không còn chỉ là học thuộc lòng nữa mà đòi hỏi phải đọc hiểu, những em nào quan tâm đến kiến thức xã hội, chịu đọc báo … thì có khả năng đạt kết quả cao hơn”.
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm TPHCM cũng nhận định: “Số lượng thí sinh vi phạm đã giảm nhiều so với các năm trước, theo tôi một trong những lý do căn bản là tổ chức thi trắc nghiệm, điều đó chứng tỏ nếu tổ chức nghiêm túc vẫn có thể đạt chất lượng và phát hiện ra những gian lận trong thi cử. Tôi nghĩ điều cần làm để hạn chế điều này là sự phối hợp không chỉ giảng viên mà phải làm sao để bản thân học sinh hiểu được kỳ thi quan trọng nhưng không phải bằng mọi cách để vượt qua nó. Sự không trung thực có đảm bảo cho học tốt hay không.
Năm nay, lần đầu tiên một phòng thi có tới 24 mã đề thi, dù còn ý kiến thiếu sự công bằng trong các mã đề thi nhưng cho thấy nếu có xảy ra thì độ rủi ro rất nhỏ. Điều thành công là việc có nhiều mã để đã giảm đến tối thiểu khả năng can thiệp của những người ngoài phòng thi - đó là một sự chuẩn bị hiệu quả của Bộ GD-ĐT trong việc xây dựng đề thi, in ấn và bảo quản. Tôi nghĩ với việc tổ chức như thế này nên tiến tới không tổ chức thi tập trung nữa mà thi online như nhiều nước trên thế giới đã làm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cũng cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia năm nay đã kiểm tra được toàn diện kiến thức của học sinh hơn thay vì trước đây chỉ thi 4 môn, còn năm nay nếu thí sinh nào thi cả 2 tổ hợp môn thì thi 9 môn, đặc biệt có môn Giáo dục công dân là một điều đổi mới nhất về môn thi. Qua kỳ thi này, giúp cho việc giáo dục toàn diện cho học sinh sẽ tốt hơn.
Bài thi tổ hợp quá áp lực
Một giảng viên đại học coi thi tại kỳ thi THPT quốc gia vừa qua chia sẻ: “Tôi nhớ mãi hình ảnh sau buổi thi môn tổ hợp Khoa học tự nhiên, các thí sinh ra về mà gương mặt phờ phạc. Việc thi 3 môn trong thời gian 180 phút tất nhiên quá áp lực cho thí sinh”.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn cho rằng, cần xây dựng ngân hàng đề thi để chất lượng câu hỏi ngày càng cải tiến để thích ứng dùng cho 2 mục đích vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH. Đối với bài thi tổ hợp, ông Sơn cho rằng “đáng lẽ phải tích hợp 3 môn vào một bài thi nhưng vì cách dạy trong nhiều năm qua vẫn là vậy nên thay đổi đột ngột thì gây thiệt thòi cho thí sinh. Việc thi 3 môn trong một thời gian dài là 150 phút thì tất nhiên gây áp lực cho thí sinh. Và chỉ có những em khá giỏi mới có khả năng phân bố được thời gian làm bài ứng với mục tiêu của mình”.
Theo ông Sơn, “với mục tiêu của một kỳ thi trong đó để xét tốt nghiệp THPT thì cách thi này tôi cho rằng ổn, tuy nhiên trong tương lai để đánh giá năng lực thì nên cho bài thi tích hợp nội dung các môn thì sẽ hợp lý hơn”.
Ngoài ra trong công tác tổ chức thi, không cần thiết phải có sự giám sát quá nhiều từ các trường ĐH như năm nay. Ông Sơn cho rằng, ở các điểm thi công tác tổ chức chỉ cần bố trí lãnh đạo điểm thi, những người chủ trì công tác tổ chức tại điểm thi là cán bộ các trường ĐH. Đó là những người quyết định công tác coi thi nghiêm túc tại các điểm chứ càng nhiều đội ngũ cán bộ ĐH coi thi thì cũng không cần thiết, năm tới nên giảm xuống vừa giảm thêm được chi phí cho xã hội rất nhiều.
Một bất hợp lý nữa của bài thi tổ hợp là việc phân bổ số câu hỏi trong bài thi không tương xứng với lượng kiến thức của từng môn trong phân phối chương trình. Một giáo viên dạy Lịch sử một trường THPT ở quận 3, cho rằng thời gian các môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp có sự bất hợp lý. Ông này lý giải, việc phân bổ đồng đều 40 phút/môn có sự bất hợp lý và vênh nhau rất lớn so với khối lượng kiến thức, thời lượng của từng môn trong phân phối chương trình.
Ngay ở đề lịch sử, chương trình môn lịch sử lớp 12, các em học cả lịch sử thế giới và Việt Nam, tổng cộng 21 chương trong khi môn giáo dục công dân, các em chỉ học 9 bài nhưng cùng làm bài thi trong 40 phút. Việc đánh giá kiến thức 21 chương lịch sử trong 40 câu là quá nặng cho thí sinh. Vị giáo viên này cũng kiến nghị, nếu vẫn duy trì bài thi tổ hợp thì Bộ GD-ĐT nên xem lại lượng kiến thức từng môn sao cho đồng đều hoặc kiến thức nào là chủ đạo để phân phối thời gian hợp lý.
Lê Phương (ghi)