01/10/2017 | 14:27

Giáo viên sai một phần, phụ huynh sai mười phần!

Tôi không hề có ý định cổ vũ cho đòn roi trong giáo dục học sinh. Tôi lại càng lên án mạnh mẽ những hình thức xử phạt phản giáo dục. Nhưng mong rằng những phụ huynh có con hiếu động có cái nhìn thấu đáo, đồng cảm hơn với nỗi khổ của giáo viên...

Một câu chuyện buồn mang tính chất bạo lực vừa xảy ra trong môi trường giáo dục ở TP. Hải Phòng. Ngày 27/9, một học sinh lớp 2C Trường Tiểu học Đặng Cương không mặc đồng phục, nói chuyện riêng bị cô giáo dùng thước kẻ vụt vào tay. Ngày 28/9, bà nội và mẹ cháu bé đến làm ầm lên và cô giáo bị tát thằng vào mặt.

Dư luận đang chia thành hai chiến tuyến: người bênh vực phụ huynh học sinh, người xót thương cô giáo. Bản thân tôi chẳng thể đồng tình với cơn bức xúc, hành động nông nổi của phụ huynh. Và tôi thương thật nhiều cho cô giáo trẻ đang phải chịu áp lực tâm lý nặng nề, đầy ám ảnh.

Hành động dùng thước kẻ đánh roi của cô giáo về lý thuyết đã vi phạm quy định cấm của ngành trong giáo dục học sinh. Nhưng hoàn toàn có thể thông cảm được! Bởi chẳng phải tự nhiên cô phạt trò, nếu chỉ cần dùng lời nói mà trò trở nên ngoan ngoãn thì tốt biết bao nhiêu. Tiếc thay, khi lời nói bất lực, một hai roi vào tay lại phát huy tác dụng đến không ngờ.

Giáo dục vốn dĩ dạy chứ đã khó, dạy làm người càng khó gấp bội. Quản lý, uốn nắn, rèn giũa hơn bốn chục học sinh với chừng ấy cá tính là một áp lực lớn. Trong số đó là những đứa trẻ ngoan, hiền, biết vâng lời cô giáo. Và có cả những trẻ hiếu động, nghịch ngợm, thậm chí là ương bướng, lì lợm.

Đôi khi giáo dục bằng lời nói hoàn toàn bất lực với lứa tuổi mầm non, tiểu học. Đôi khi cô buộc phải trừng mắt, quát lớn hay là phát cho một roi mới có thể đưa cháu vào nền nếp. Dù biết là sai nhưng làm thế nào khác được?!

Tôi không hề có ý định cổ vũ cho đòn roi trong giáo dục học sinh. Tôi lại càng lên án mạnh mẽ những hình thức xử phạt phản giáo dục như đánh học sinh thâm tím mông, tát vào mặt cháu đến sưng phồng hay bắt các cháu đứng phơi mình giữa nắng và cả dùng ngôn từ miệt thi nhân cách học sinh. Nhưng mong rằng những phụ huynh có con hiếu động có cái nhìn thấu đáo, đồng cảm hơn với nỗi khổ của giáo viên.

Điều quan trọng cần xác định là cái roi ấy có xuất phát từ sự trừng phạt, ghét bỏ của một cô giáo thích dùng bạo lực không? Hay đó là một sự nhắc nhở, uốn nắn từ một người giáo viên muốn lớp học nề nếp và giờ học được nghiêm túc?

Lẽ ra người mẹ nên lắng nghe con kể về hoàn cảnh bị đánh, cách cô đánh, thái độ của cô… Và một phụ huynh thông minh không chỉ bĩnh tĩnh lắng nghe lời con nói mà cần bĩnh tĩnh suy xét vấn đề và thẳng thắn trao đổi với giáo viên, nhà trường. Nhưng tiếc thay nhiều phụ huynh đã chọn một giải pháp tồi tệ cho người và cho mình.

Thương con, xót con là điều đáng trân quý của bậc cha mẹ. Nhưng thương con không có nghĩa là dung dưỡng, bênh vực thói hư tật tật xấu của trẻ. Xót con không đồng nghĩa với việc chưa tìm hiểu đầu đuôi ngọn ngành đã vội vội vàng vàng lao đến trường trừng trị cô cho hả cơn tức. Đó là một sự xúc phạm lớn đến thân thể, danh dự người khác.

Huống hồ gì đó lại là người thầy dạy dỗ con mình. Người xưa có câu “Dưỡng bất giáo, phụ chi quá. Giáo bất nghiêm, sư chi đọa”, nghĩa là nuôi không dạy là lỗi của mẹ cha, dạy không nghiêm là lỗi của thầy. Người thầy phải nghiêm, trẻ mới nên người. Một vài roi không làm trẻ phải đau quá mức, hoảng sợ quá đà. Nhưng chính sự dễ dãi, lơi lỏng, ngoảnh mặt làm ngơ trước mỗi biểu hiện sai trái của trẻ mới là mối nguy hại đến tương lai.

Xã hội trao trọng trách giáo dục cho nhà trường, gia đình gửi gắm sự trưởng thành, chín chắn của mỗi đứa trẻ cho thầy cô. Nhưng cũng chính dư luận nói chung và phụ huynh học sinh nói riêng đang dồn nhà giáo vào “chân tường” khi buộc nhà giáo phải dạy dỗ con trẻ bằng vốn tri thức chuẩn mực, nhân cách cao cả và tình yêu thương bao la. Hễ có “sự cố” gì là ngay lập tức “ném đá” không thương tiếc.

Điều đó có công bằng với người thầy không?

Nguyễn Thùy

Khảo sát ý kiến khách hàng

Theo bạn, Việt Nam nên học mô hình giáo dục của nước nào?

Mỹ
Trung Quốc
Singapore
Nga
Không nước nào

Mã xác thực