22/04/2017 | 19:24

Doanh nghiệp quan ngại nhiều về chất lượng nguồn nhân lực

Chỉ 14% các công ty cân nhắc về vấn đề tiền lương, nhưng có đến 84% doanh nghiệp coi trọng chất lượng nguồn nhân lực hơn khi tuyển dụng. Khảo sát của JobStreet.com chỉ ra rằng doanh nghiệp Việt đánh giá kỹ năng là yếu tố hàng đầu trong tuyển dụng. Đây cũng là chủ đề chính của hội thảo: “Nhân lực mới ra trường – Việt Nam và Khu vực” được JobStreet.com tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số sinh viên tốt nghiệp trong năm 2014-2015 là hơn 425.000 người. Những sinh viên mới ra trường này sẽ đóng vai trò là nguồn nhân lực trẻ, bổ sung cho thị trường tuyển dụng Việt Nam. Đặc biệt khi nền kinh tế có những dấu hiệu khá tốt về tăng trưởng với 65% doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao vào nửa cuối năm 2015, chất lượng nguồn cung lao động trẻ lại là vấn đề đáng được quan tâm nhất tại thời điểm hiện tại.

Nhìn về phía nhu cầu tuyển dụng, quý 3/2015 chứng kiến những dấu hiệu khởi sắc của nền kinh tế với nhiều dự án FDI được đầu tư hơn. Tính đến nay, trong cả nước đã có 17,499 dự án FDI trong tổng số 448.148 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, dự đoán sẽ mang lại sự tăng trưởng trong nhu cầu việc làm. Khảo sát của JobStreet.com cũng cho thấy 65% doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao trong nửa cuối năm 2015, đặc biệt là trong ba lĩnh vực Kinh doanh/Bán hàng, Công Nghệ Thông Tin và Kỹ Thuật.

Đối với các nước khác trong khu vực như Malaysia và Singapore, vấn đề nhà tuyển dụng quan tâm nhất khi tuyển dụng sinh viên mới ra trường là mức lương. Tuy nhiên, tại Việt Nam, doanh nghiệp lại đặt vấn đề kỹ năng của nhóm nhân lực này lên hàng đầu khi chỉ có 14% công ty quan tâm về chi phí lương, nhưng có đến 84% kỳ vọng vào chất lượng nguồn lực. Khảo sát từ các doanh nghiệp cho thấy nguồn nhân lực mới ra trường tại Việt Nam không chỉ thiếu kinh nghiệm mà còn cần nhiều thời gian để đào tại lại các kỹ năng. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp vẫn có xu hướng tìm kiếm các ứng viên có kinh nghiệm.

Trong xu thế liên kết sâu rộng với các cộng đồng kinh tế trong khu vực và quốc tế, người lao động Việt Nam hiện vẫn đứng cuối trong bảng xếp hạng về năng lực lao động, đặc biệt là khả năng tiếng Anh được coi là kỹ năng cần thiết hàng đầu trong thời kỳ hội nhập.

Số liệu của JobStreet.com cho thấy Việt Nam chỉ đứng hạng 4/5 về tiếng Anh so với khu vực. Khảo sát đối với lao động mới ra trường, chỉ có 5% tự tin về khả năng tiếng Anh, nhưng lại có đến 27% thừa nhận kém toàn diện về ngoại ngữ. Đây trở thành điểm yếu lớn, khiến nguồn lực lao động Việt Nam mất đi lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế, và đặc biệt khi các nhà tuyển dụng cũng đồng ý sẽ dành mức lương cao hơn từ 11-20% đối với những ứng viên có trình độ tiếng Anh lưu loát.

Yếu kém về kỹ năng, non nớt về kinh nghiệm hiện đang là thử thách lớn nhất của nhân sự Việt Nam đặc biệt tại phân khúc lao động mới tốt nghiệp, khi mà có đến 50% nguồn nhân lực này đang làm việc trái chuyên ngành. Không thể tìm được việc làm phù hợp là vấn đề khiến 17% ứng viên không làm việc đúng chuyên ngành, 45% ứng viên chỉ làm một công việc tạm thời cho đến khi tìm được đúng việc làm phù hợp với chuyên ngành đã học.

Mặc dù 54% nhân sự mới ra trường cho rằng họ không gặp phải vấn đề gì về năng lực ngay cả khi làm trái chuyên ngành, 46% còn lại thừa nhận sẽ gặp khó khan và tốn nhiều thời gian để học lại những kỹ năng và kiến thức mới nếu bắt đầu một việc làm mới trái với chuyên ngành đã học.

Một yếu tố nữa cũng khiến nhà tuyển dụng ái ngại ứng viên mới ra trường là phần lớn người lao động không “trung thành” với việc làm đầu tiên và thường có xu hướng “nhảy việc” sau một thời gian. Khảo sát của JobStreet.com trên toàn khu vực cũng cho thấy chỉ có từ khoảng từ 26% đến 29% người lao động “trung thành” với việc làm đầu tiên. Riêng tại Singapore, tỉ lệ này còn thấp hơn rất nhiều, chỉ đạt mức 12%.

Khi được hỏi lý do không muốn tuyển dụng nhân sự mới ra trường, 67% doanh nghiệp Việt Nam quan ngại về kỹ năng, 33% lo lắng về tỉ lệ nhảy việc cao. Về phía Malaysia, 42% không hài lòng về thái độ và kỹ năng giao tiếp kém của ứng viên được thể hiện trong buổi phỏng vấn, 42% doanh nghiệp không đồng ý về yêu cầu lương cao từ phía ứng viên, trong khi chỉ có 16% nhà tuyển dụng cân nhắc về việc ứng viên mới ra trường còn thiếu kinh nghiệm làm việc thực tế. Đối với nhà tuyển dụng Singapore, 38% đồng tình với Malaysia về yêu cầu lương không hợp lý từ phía ứng viên, 21% cũng không hài lòng về kỹ năng giao tiếp, 15% cho rằng kỹ năng tiếng Anh của ứng viên mới ra trường kém, 14% cân nhắc về trình độ học vấn, 12% còn lại quan ngại về kinh nghiệm làm việc liên quan.

Khảo sát ý kiến khách hàng

Theo bạn, Việt Nam nên học mô hình giáo dục của nước nào?

Mỹ
Trung Quốc
Singapore
Nga
Không nước nào

Mã xác thực