Bỏ biên chế giáo viên: 'Ý tưởng có thể làm nát hệ thống giáo dục?'
Thí điểm bỏ biên chế giáo viên là ý tưởng đang gây nhiều tranh cãi và khiến hàng triệu giáo viên lo lắng, hoang mang, thậm chí rất đau lòng. Mặc dù Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã trả lời báo chí về dự kiến thí điểm xóa bỏ biên chế giáo viên, nhưng nhiều thầy cô giáo vẫn rất tâm tư và gửi “tâm thư” đến Bộ trưởng bày tỏ băn khoăn, lo ngại.
GS. Phạm Minh Hạc.
PV: Là người tâm huyết và cũng nhiều năm làm “tư lệnh” ngành giáo dục, ông có đồng tình với ý kiến thí điểm bỏ biên chế giáo viên không?PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với GS. Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng bộ Giáo dục xung quanh vấn đề này.
GS. Phạm Minh Hạc: Tôi đã xem lại các luật về giáo dục chỉ thấy quy định hệ đại học tự chủ, tự chịu trách nhiệm và đề cập việc tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục.
Mấy chục năm làm trong ngành, về hưu đã 10 năm, nhưng tôi có tham gia dự thảo và thảo luận về những dự án luật này. Chúng tôi nhớ rằng, Nhà nước chỉ đặt vấn đề tự chủ giáo dục đại học, không nói chuyện tự chủ với giáo dục phổ thông. Ở các nước, trường phổ thông công lập đều là biên chế Nhà nước. Ở Việt Nam, chưa bao giờ có vấn đề bỏ biên chế giáo viên hệ thống giáo dục quốc dân.
Nếu không có biên chế phải là hợp đồng. Đã là hợp đồng đương nhiên phải có người đứng đầu ký hợp đồng lao động. Quyền ký hợp đồng và sa thải người lao động nằm trong tay hiệu trưởng. Lo lắng “trường học biến thành doanh nghiệp” của giáo viên là rất có cơ sở.
Tôi cho rằng, giáo dục không bao giờ được thương mại hóa, nhà trường không bao giờ là doanh nghiệp được. Ngay ở những nước tư bản châu Âu cũng không thương mại hóa trong nhà trường.
Nhà trường là nhà trường, có thầy giáo và học trò. Mối quan hệ thầy – trò cực kỳ quan trọng, cao quý. Trong nhà trường không chỉ dạy kiến thức mà hình thành cả tính cách, nhân cách con người. Chúng ta nhấn mạnh đào tạo con người chứ không phải một mớ kiến thức nhồi vào đầu óc trẻ em. Như thế, giáo viên phải được bảo đảm quyền lợi một cách chắc chắn.
PV: Bộ trưởng bộ GD&ĐT nhấn mạnh việc bỏ biên chế sẽ giúp giáo viên có cơ hội thu nhập cao hơn. Ông nghĩ sao về điều này?
GS. Phạm Minh Hạc: Lương là cần thiết để sống, nhưng giáo viên không phải chỉ vì đồng lương mà đi dạy học. Khác với lao động khác, nghề giáo có đặc thù riêng là “trồng người”. Không thể để tư tưởng thương mại hóa lọt vào hệ thống trường học.
Dù kỹ thuật có tiến bộ đến mấy, dù là bước vào cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều điều trong nhà trường phải thay đổi để phù hợp với thời đại mới; nhưng không thay đổi được tính chất cơ bản của nó. Nhà giáo có sứ mệnh cao cả là đào tạo con người, giáo dục nhân cách.
Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Cần thấm nhuần tư tưởng này trong chỉ đạo, quản lý. Nếu hiệu trưởng điều hành, ký hợp đồng rồi sa thải nhân viên thì thầy giáo chỉ là người đi làm thuê, hết tất cả sứ mệnh cao cả. Do đó, bỏ biên chế là điều không phù hợp với thế giới nói chung và truyền thống hiếu học của Việt Nam.
PV: Đổi mới, sáng tạo là cần thiết, với ngành giáo dục cũng vậy, nhưng không phải để dư luận bức xúc, hoang mang?
GS. Phạm Minh Hạc: Biên chế giáo viên là biên chế Nhà nước, ăn lương theo hệ thống lương Nhà nước, tức là Chính phủ mới có quyền quyết định. Về biên chế, cơ quan giúp Chính phủ là bộ Nội vụ, còn tiền lương là bộ Tài chính. Vấn đề này phải được Chính phủ và cụ thể là Thủ tướng quyết định.
Tôi không đồng tình ý kiến bỏ biên chế giáo viên. Ý tưởng này ra có thể làm nát hệ thống giáo dục. Đây là vấn đề cực kỳ hệ trọng, không những giáo dục mà cả với nhân dân, với sự phát triển, tương lai của đất nước nên phải rất thận trọng, nếu thí điểm cũng phải được sự đồng ý của Nhà nước.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!