18/05/2017 | 13:03

Xin hãy hiểu cho những nỗi khổ mà học sinh lớp 12 đang phải chịu

Chưa năm nào, học sinh lớp 12 phải chịu nhiều áp lực về học hành, thi cử như học sinh cuối cấp năm 2017.
Học sinh lớp 12 trên cả nước đang trong giai đoạn nước rút tập trung ôn tập để bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2017. Đây được coi là mốc rất quan trọng trong cuộc đời học sinh, nó có ý nghĩa định hướng nghề nghiệp tương lai của các em.

Thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc đã có những chia sẻ với báo Giáo dục Việt Nam về những khó khăn, áp lực mà các sĩ tử đang phải đối mặt.

Như vậy là còn chưa đầy 2 tháng nữa, gần 900.000 thí sinh sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2017. Những thay đổi về hình thức thi, bài thi cùng với một số điều chỉnh về công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp năm nay, ít nhiều có tác động, ảnh hưởng đến tâm lý, tư tưởng và gia tăng thêm hàng loạt áp lực, khó khăn đối với các em học sinh cuối cấp trung học phổ thông.
 
Xin hãy hiểu cho những nỗi khổ mà học sinh lớp 12 đang phải chịu.
 

1. Áp lực về môn thi nhiều, thời gian thi ngắn

Theo thầy Đỗ Tấn Ngọc, nếu như các năm trước, để được xét tốt nghiệp, học sinh chỉ cần dự thi 4 môn trong đó có 3 môn bắt buộc là Toán, Văn , Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn. Nhưng với quy chế thi năm nay, mỗi học sinh phải thi 6 môn (3 môn trong bài thi tổ hợp).

Xét về thời gian làm bài thi, thầy Ngọc so sánh, Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2016 trở về trước, các môn thi trắc nghiệm, đề thi thường có 50 câu và thời gian làm bài 90 phút. 

Với cách tổ chức thi năm 2017, hai bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Số câu hỏi của mỗi môn thi thành phần là 40 câu, thời gian làm bài 50 phút. Như vậy, một bài thi tổ hợp chỉ giảm 30 câu, trong khi đó thời gian làm bài lại giảm tới 120 phút.

Cũng theo thầy Ngọc, đó là chưa kể, kỳ thi THPT quốc gia năm nay được tổ chức sớm hơn 2 tuần so với mọi năm. Áp lực cho thí sinh là khá lớn, dễ tạo tâm lý mệt mỏi, căng thẳng cho các em và hiệu quả làm bài không tốt.
 

2. Áp lực về hình thức thi mới

Các thí sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT quốc gia tới đây vốn đã quen và được đào tạo để thi với hình thức tự luận từ các lớp dưới. Nhưng khi lên lớp 12, các em buộc phải thích nghi, làm quen với hình thức thi trắc nghiệm khách quan, đặc biệt là với cả những môn lần đầu tiên được thi bằng hình thức này.

Thầy Ngọc nhận định: "Hình thức thi này buộc giáo viên và học sinh phải dạy - học toàn diện, những phần “phụ” hiếm khi ra đề thi tự luận thì nay không thể chủ quan bỏ qua".

Nếu như thi tự luận, thí sinh có thể từ từ ngẫm nghĩ, trình bày còn trắc nghiệm số lượng câu hỏi nhiều, thời gian làm bài ngắn đòi hỏi thí sinh có tốc độ xử lý, phán đoán, lựa chọn nhanh.

Đặc biệt với môn Giáo dục công dân, môn học lần đầu tiên góp mặt trong kỳ thi quốc gia, cũng với hình thức trắc nghiệm, người dạy, người học chưa có nhiều kinh nghiệm về cách thi, làm bài. Do đó, đa số thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội sẽ gặp không ít khó khăn, lúng túng khi ôn tập.
 

3. Áp lực về tập dượt, thi thử

Trước những môn thi, hình thức thi lần đầu tiên được áp dụng với quy mô một kỳ thi quốc gia, chắc chắn, các Sở GD&ĐT và giáo viên phải cố gắng tìm mọi biện pháp giúp học sinh thích nghi tốt nhất, tránh bị bỡ ngỡ.

Theo thầy Ngọc, hai biện pháp phổ biến thường được áp dụng, đó là tăng thời lượng ôn tập và tổ chức tập dượt, thi thử nhiều lần.

Thầy Ngọc chia sẻ, học nhiều, thi thử nhiều trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay, một số em thật sự bị rơi vào trạng thái “bội thực” về kiến thức, mệt mỏi, căng thẳng về trí óc, thần kinh. Cha mẹ học sinh và thầy cô giáo dù thương lắm nhưng cũng không biết làm gì.
 

4. Áp lực, mệt mỏi về tư vấn tuyển sinh

Thầy Ngọc đánh gia bối cảnh hiện nay trong khi các trường lớp, ngành mới thi nhau được mở ra thi số sinh viên học xong không tìm được việc làm đang khiến tính cạnh tranh trong tuyển sinh khốc liệt hơn bao giờ hết.

Vì thế, nhiều năm trở lại đây, hoạt động tư vấn tuyển sinh mới rầm rộ và được đầu tư mạnh mẽ.
Học sinh cuối cấp bây giờ như bị loạn trong hàng mớ thông tin tuyển sinh của hàng trăm trường từ đại học cao đẳng đến trung cấp nghề.

Thông tin tuyển sinh ngập tràn trên sách, báo. Mỗi lần tham gia một ngày hội tư vấn tuyển sinh nào đó thì có em mang về cho mình không biết bao nhiêu các loại tờ rơ, hồ sơ hình ảnh quảng bá của các trường. 

Thực tế đã có học sinh chia sẻ rằng: "Trong một thời gian ngắn lại tiếp nhận quá nhiều kênh thông tin tuyển sinh như vậy, thú thật bọn em bị “say”, bị nhiễu loạn thông tin. Giữa thời buổi thông tin ngồn ngộn này, chúng em biết lựa chọn ngành nghề, trường lớp sao đây?”.

Đó là chưa kể, gần như học sinh cuối cấp nào cũng phải chịu áp lực chọn trường chọn ngành từ phía bạn bè, người thân, gia đình. Em nào đủ bản lĩnh thì tự quyết định lựa chọn của mình. Tuy nhiê, hầu như các em đều bị "đè bẹp" trong hàng tá lời khuyên từ mọi người xung quanh, thậm chí, khiến nguyện vọng chọn ngành nghề theo sở thích của các em không thực hiện được.

"So với thời chúng tôi (thi tốt nghiệp trung học phổ thông cách đây 25 năm) thì học sinh lớp 12 hôm nay, sống và học tập trong điều kiện xã hội và giáo dục tốt hơn hẳn nhưng các áp lực, căng thẳng, mệt mỏi về ôn tập, thi cử, chọn nghề nghiệp lớn hơn nhiều".

Khảo sát ý kiến khách hàng

Theo bạn, Việt Nam nên học mô hình giáo dục của nước nào?

Mỹ
Trung Quốc
Singapore
Nga
Không nước nào

Mã xác thực