15/05/2017 | 08:46

Trao đổi thêm về tiêu chí năng lực của học sinh trong chương trình tổng thể

Nhìn vào những tiêu chí xây dựng những năng lực mà học sinh cần đạt được đặt ra trong Dự thảo, thầy Trần Trí Dũng thấy vẫn có những điều cần trao đổi thêm.

Sau bài viết bàn về phẩm chất và năng lực học sinh trong chương trình mới được Báo Điện tử Giáo dục đăng tải, thầy Trần Trí Dũng tiếp tục trao đổi thêm về các tiêu chí năng lực của học sinh trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Những ngày qua, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới để lấy ý kiến dự luận và nhân dân trước khi chính thức ban hành vào tháng 9 tới đã nhận được nhiều những ý kiến khác nhau từ các chuyên gia, thầy cô giáo và những người quan tâm đến giáo dục đóng góp cho Dự thảo. 

Thể hiện sự cầu thị, thời gian đóng góp ý cho Dự thảo đã được lui lại dài hơn, đã thể hiện sự tích cực tiếp thu ý kiến của cơ quan chủ quản.  

Đây được xem là một bước chính thức nhằm cụ thể hóa chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục được đề ra từ kỳ Đại hội Đảng lần thứ XI năm 2011 và Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 năm 2013.  
   
Nhìn vào nội dung Dự thảo, có thể thấy một điểm mang tính căn cốt, nổi bật đó là việc xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được đặt ra với mục tiêu nhằm phát huy phẩm chất, năng lực của học sinh, thể hiện sự quán triệt đúng tinh thần Nghị quyết số 29/NQ-TW của Đảng và Nghị quyết số 88 năm 2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông. 

 

Thầy Trần Trí Dũng tiếp tục bàn về tiêu chí năng lực của học sinh. (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn)

Phẩm chất là cái làm nên giá trị con người, đó là những tính tốt thể hiện ở thái độ, hành vi ứng xử của con người; cùng với năng lực tạo nên nhân cách con người.Theo đó, Dự thảo đã xây dựng những phẩm chất và năng lực chính của học sinh cần phải có trong điều kiện phát triển mới, mà theo như cách nói của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình là phác họa “chân dung” của học sinh mới.       
   
Có thể nói, phẩm chất, năng lực và kỹ năng là yếu tố quan nhất cần đạt được đối với học sinh phổ thông.

    
Năng lực là khả năng, điều kiện chủ quan hoặc tự nhiên sẵn có để thực hiện một hoạt động nào đó.

Trong một cách tiếp cận khác, năng lực cũng là những phẩm chất tâm lý và sinh lý tạo cho con người khả năng hoàn thành một hoạt động nào đó với chất lượng cao. 

Chính vì thế, trong một số trường hợp, việc phân định giữa năng lực và phẩm chất chỉ là tương đối mà có một Giáo sư đã cho rằng hai đặc tính này thực chất là một, không nên tách ra [1]. 


Vì thế bài viết này xin được đóng góp trong cách nhìn đó.      Tuy nhiên, nhìn vào những tiêu chí xây dựng những năng lực mà học sinh cần đạt được đặt ra trong Dự thảo vẫn có những điều cần xem lại và trao đổi thêm.

    
Thứ nhất, xin được nói về năng lực tự chủ và tự học của học sinh.

Theo đó, khi xây dựng tiêu chí tự lực, Dự thảo chỉ đặt ra đối với học sinh Trung học phổ thông là có ý thức giúp đỡ người sống ỷ lại vươn lên để có lối sống tự lực, như thế là chưa thể hiện đủ. 

Bởi lẽ, khi qua giai đoạn Tiểu học và Trung học cơ sở trước đó, học sinh đã được giáo dục về năng lực tự lực nên tới giai đoạn này (Trung học phổ thông), học sinh phải thể hiện được sự tự lực. 

Cụ thể là học sinh ở giai đoạn Trung học phổ thông phải lập được kế hoạch học tập và hoạt động cho mình và phải biết tự giải quyết các vấn đề của riêng mình, vì thế cần thiết phải bổ sung thêm tiêu chí này vào trong Dự thảo.   
   
Thứ hai
, trong tiêu chí xây dựng năng lực giao tiếp và hợp tác, Dự thảo đã đề cập năng lực hợp tác quốc tế, với yêu cầu đặt ra đối với học sinh Tiểu học là tham gia một số hoạt động hội nhập quốc tế theo hướng dẫn.

Đối với học sinh Trung học cơ sở, đó là chủ động, tích cực tham gia một số hoạt động hội nhập quốc tế phù hợp với bản thân và đặc điểm của nhà trường, địa phương.

Và đối với học sinh Trung học phổ thông, đó là chủ động, tự tin trong giao tiếp với bạn bè quốc tế; biết kết nối với bạn bè quốc tế. 

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là trong điều kiện ở nước ta như hiện nay, các hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế không được diễn ra thường xuyên, đặc biệt là ở các địa phương.

 

Năng lực

Cấp Tiểu học

Cấp Trung học cơ sở

Cấp Trung học phổ thông

 

3. Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo

 

3.1. Nhận ra ý tưởng mới

Xác định và làm rõ thông tin, ý tưởng mới đối với bản thân từ các nguồn tài liệu cho sẵn theo hướng dẫn.

Xác định và làm rõ thông tin, ý tưởng mới; phân tích, tóm tắt những thông tin liên quan từ nhiều nguồn khác nhau.

Xác định và làm rõ thông tin, ý tưởng mới và phức tạp từ các nguồn thông tin khác nhau; phân tích các nguồn thông tin độc lập để thấy được khuynh hướng và độ tin cậy của ý tưởng mới.

3.2. Phát hiện và làm rõ vấn đề

Thu nhận thông tin từ tình huống, nhận ra những vấn đề đơn giản và đặt được câu hỏi.

Phân tích được tình huống trong học tập; phát hiện và nêu được tình huống có vấn đề trong học tập.

Phân tích được tình huống trong học tập, trong cuộc sống; phát hiện và nêu được tình huống có vấn đề trong học tập, trong cuộc sống.

3.3. Hình thành và triển khai ý tưởng mới

Dựa trên hiểu biết đã có, hình thành ý tưởng mới đối với bản thân và dự đoán được kết quả khi thực hiện.

Phát hiện yếu tố mới, tích cực trong những ý kiến của người khác; hình thành ý tưởng dựa trên các nguồn thông tin đã cho; đề xuất giải pháp cải tiến hay thay thế các giải pháp không còn phù hợp; so sánh và bình luận được về các giải pháp đề xuất.

Nêu được nhiều ý tưởng mới trong học tập và cuộc sống; suy nghĩ không theo lối mòn; tạo ra yếu tố mới dựa trên những ý tưởng khác nhau; hình thành và kết nối các ý tưởng; nghiên cứu để thay đổi giải pháp trước sự thay đổi của bối cảnh; đánh giá rủi do và có dự phòng.

3.4. Đề xuất, lựa chọn giải pháp

Nêu được cách thức giải quyết vấn đề đơn giản theo hướng dẫn.

Xác định được và biết tìm hiểu các thông tin liên quan đến vấn đề; đề xuất được giải pháp giải quyết vấn đề.

Thu thập và làm rõ các thông tin có liên quan đến vấn đề; đề xuất và phân tích được một số giải pháp giải quyết vấn đề; lựa chọn được giải pháp phù hợp nhất.

3.5. Thực hiện và đánh giá giải pháp giải quyết vấn đề

Tiến hành giải quyết vấn đề theo hướng dẫn.

Thực hiện giải pháp giải quyết vấn đề và nhận ra sự phù hợp hay không phù hợp của giải pháp thực hiện.

Thực hiện và đánh giá giải pháp giải quyết vấn đề; suy ngẫm về cách thức và tiến trình giải quyết vấn đề để điều chỉnh và vận dụng trong bối cảnh mới.

3.6. Tư duy độc lập

Nêu được thắc mắc về sự vật, hiện tượng; không e ngại nêu ý kiến cá nhân trước các thông tin khác nhau về sự vật, hiện tượng; sẵn sàng thay đổi khi nhận ra sai sót.

Đặt các câu hỏi khác nhau về một sự vật, hiện tượng; chú ý lắng nghe và tiếp nhận thông tin, ý tưởng với sự cân nhắc, chọn lọc; quan tâm tới các chứng cứ khi nhìn nhận, đánh giá sự vật, hiện tượng; đánh giá vấn đề, tình huống dưới những góc nhìn khác nhau.

Đặt được nhiều câu hỏi có giá trị, không dễ dàng chấp nhận thông tin một chiều; không thành kiến khi xem xét, đánh giá vấn đề; quan tâm tới các lập luận và minh chứng thuyết phục; sẵn sàng xem xét, đánh giá lại vấn đề.

Mặt khác, các học sinh chủ yếu là học tập và hoạt động tại trường lớp và ở nhà, vậy học sinh có thể tham gia các hoạt động giao lưu với các bạn bè quốc tế được không, đó là chưa kể đến những rào cản do sự khác biệt về ngôn ngữ. 

Như thế, trong khi chúng ta chưa xây dựng được các hoạt động hợp tác quốc tế rộng khắp, chưa có sự giới thiệu cụ thể về các nước trên thế giới, về quan hệ giữa Việt Nam với một số nước trên thế giới và về một số tổ chức quốc tế có quan hệ thường xuyên với Việt Nam trong các môn học cụ thể nên tiêu chí này đặt ra nhằm phát triển năng lực đối với học sinh phổ thông là khó khả thi và thiếu thực tế. Vì thế, cần thiết phải xem lại nội dung này. 
   
Thứ ba, về năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Có thể nói, đây được xem là một năng lực quan trọng nhất được xây dựng để học sinh bước vào cuộc sống. 

Về yêu cầu đối với năng lực này, Dự thảo đã xây dựng với nhiều nội dung, với những yêu cầu khác nhau. Cụ thể (trích dẫn từ Dự thảo): 

Có thể nói, nhìn vào các tiêu chí xây dựng Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo cho sinh, Dự thảo đã đặt ra yêu cầu về cách giải quyết vấn đề và sáng tạo mang tính khái quát cơ bản ở nhiều lĩnh vực khác nhau và xã hội. 

Tuy nhiên, môn học nào sẽ giúp học sinh hình thành những kỹ năng này thì lại chưa có sự cụ thể. 

Trên thực tế trong Dự thảo, môn Công nghệ và Tin học được nhắc tới giúp học sinh hình thành những kỹ năng này nhưng đây chỉ là những vấn đề thuộc lĩnh vực công nghệ và Tin học, chưa mang tính khái quát để học sinh hình thành nhận thức và kỹ năng tổng hợp, đặc biệt là việc giải quyết các vấn đề xã hội và liên quan đến con người. 

Mặt khác, môn Toán được đề cập là sẽ giúp học sinh hình thành năng lực tư duy tuy nhiên đây chỉ là một thành tố trong các năng lực về cách giải quyết vấn đề và sáng tạo, chưa phải phải năng lực mang tính cốt lõi cụ thể. 

Vì thế, đây là những bất cập được thể hiện trong Dự thảo, do đó làm chúng ta liên tưởng đến cách làm mang tính chất “đánh trống, bỏ dùi” của một chương trình lớn.    
   
Trên thực tế, trước các yêu cầu của cuộc sống và sự phát triển của khoa học, con người còn rất cần nhiều những năng lực khác nhau để tự tin bước vào cuộc sống. 

Như thế, khi chúng ta dạy học sinh về kinh tế thì cũng nghĩa là chúng ta phải đề cập hoạt động kinh doanh, vì đó là một biểu hiện rất cụ thể của các hoạt động kinh tế. Hiện nay, trong Dự thảo đã đề cập một môn học mới so với chương trình hiện hành là môn Kinh tế và Pháp luật. 

Chính vì thế, việc giáo dục cho học sinh có thêm năng lực tự chủ về tài chính và kinh doanh là rất cần thiết khi học môn học này, đó là cũng là một trong những định hướng nghề nghiệp cho học sinh. 

Bởi lẽ kinh doanh cũng có thể được hiểu là một nghề. Mặt khác, trong cuộc sống chúng ta rất cần tự chủ về tài chính. 

Nếu không trải qua sự rèn luyện và trải nghiệm, hay thiếu đi sự giáo dục, con người sẽ dễ rơi vào cảnh thiếu thốn do không biết cân đối thu chi. Vì thế, đây là một năng lực cần thiết cần được bổ sung.                               
   
Thứ tư, nếu như một trong những điểm nổi bật của Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là việc xác định rõ hai giai đoạn giáo dục phổ thông là giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp thì một sự khuyết thiếu cơ bản là sự định hướng cho những học sinh có khả năng học tiếp ở bậc Đại học để đảm bảo yêu cầu liên thông, với những yêu cầu về năng lực cần thiết. 

Bởi lẽ học Đại học có những yêu cầu rất khác so với học phổ thông, do đó cần thiết phải có sự chuẩn bị về phương pháp học với những kỹ năng cần thiết. 

Cùng với đó là những định hướng cụ thể cho các trường Đại học có kế hoạch cụ thể cho khâu tuyển sinh. 

Trên thực tế Dự thảo đã chỉ tập trung vào việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh mà chưa nói tới sự phân luồng này. 

Đây chính là một trong những yếu điểm của Dự thảo khi mà nhu cầu học tập lên cao ngày càng cao của học sinh hiện nay, đặc biệt khi mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang dần lan rộng trên phạm vi toàn cầu. 
   
Thứ năm, cần thiết bổ sung thêm một năng lực cho học sinh.

Cụ thể, theo một kết quả nghiên cứu, tại các nước phát triển như Phần Lan, Pháp, giáo dục tư duy phản biện là nội dung cốt lõi, là trung tâm trong sứ mệnh của hệ thống giáo dục quốc gia, nó được thể hiện xuyên suốt chương trình giáo dục, có mặt trong từng môn học và từng hoạt động giáo dục [2].

Khi đứng trước một động cơ, nếu học sinh không có óc phản biện thì sẽ đơn giản biết và chấp nhận động cơ đó vận hành như thế, không muốn tò mò, đặt câu hỏi hay tìm hiểu về nó, nhưng một học sinh có tinh thần phản biện sẽ tò mò, sẽ đặt câu hỏi trên nguyên lý vận hành và muốn khám phá. Theo đó, tinh thần phản biện hay còn gọi là tư duy phê phán không chỉ là chuyện luôn nói "phản" lại những gì có sẵn. 

    
Bởi lẽ, óc phản biện trước hết là trí tò mò muốn học hỏi, là trạng thái cởi mở của trí óc; là sự tư duy độc lập, là biết nghi ngờ với những khẳng định đã có; là khả năng phân định những gì đã biết chắc chắn, những gì cần đặt câu hỏi, những gì bản thân hoàn toàn chưa biết gì. 

Mặt khác, ý thức về sự cần thiết bổ sung cho thực tại, thái độ chấp nhận mình có thể sai và thất bại, và sau cùng là thái độ lắng nghe ý kiến của người khác.
    
Do đó, giáo dục tinh thần phản biện cần phải được phải được nhấn mạnh, đặc biệt là trong khoa học. Bởi lẽ, đó là nguồn cội của các phát minh, phát kiến, các sáng tạo. 

Đó là năng lực rất cần để học sinh có thể tự khai phóng và tự phát triển bản thân, từ đó đạt được sự tự chủ về mặt trí tuệ và khả năng nghiên cứu, khả năng tự học hỏi mà Dự thảo đã đề cập.  

Hơn nữa, tinh thần phản biện đặc biệt quan trọng trong xã hội thông tin của thời hiện đại, nơi tràn ngập các thông tin tốt xấu lẫn lộn, là năng lực cơ bản làm nên chất lượng của con người trong thế giới hôm nay mà chất lượng con người lại làm nên sự phát triển và sự thịnh vượng của quốc gia. 
    
Vì thế, cần thiết đưa giáo dục tinh thần phản biện này vào trong thiết kế Chương trình giáo dục phổ thông quốc gia, và nhấn mạnh nó như là một trong những năng lực cần có làm nên chất lượng của sản phẩm đào tạo, làm nền tảng cho mọi nội dung, công đoạn và hành động giảng dạy - học tập trong nhà trường. 
 
Trên đây là một số trao đổi và đóng góp ý kiến cho Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, hy vọng rằng với sự cầu thị tiếp thu ý kiến của Ban soạn thảo, chúng ta sẽ một Chương trình giáo dục phổ thông được chuẩn bị kỹ càng và hiệu quả.

Khảo sát ý kiến khách hàng

Theo bạn, Việt Nam nên học mô hình giáo dục của nước nào?

Mỹ
Trung Quốc
Singapore
Nga
Không nước nào

Mã xác thực